Để Hà Nội là động lực lan tỏa khắp cả nước

Chủ tịch nước thăm Bộ Tư lệnh thủ đô
Để Hà Nội là động lực lan tỏa khắp cả nước

Kỷ niệm 60 năm Ngày Giải Phóng Thủ đô Hà Nội (10-10-1954 - 10-10-2014)

Với việc mở rộng địa giới hành chính, kinh tế Hà Nội hiện nay hết sức đa dạng, hội tụ gần như đầy đủ tất cả các ngành nghề, lĩnh vực, mọi trình độ công nghệ… Nhưng đâu mới thực sự là thế mạnh cần phát huy để thủ đô phát triển mạnh mẽ, bền vững, xứng đáng với vị trí một trong những động lực tăng trưởng năng động nhất của cả nước?

Cầu vượt Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội. Ảnh: LÃ ANH

Xây dựng đội ngũ kinh tế tri thức

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ KH-ĐT, trong câu chuyện với phóng viên Báo SGGP, đã đưa ra những ví von thú vị về cách thức mà ông, một người gắn bó với Thăng Long - Hà Nội gần như suốt cuộc đời mình mong muốn Hà Nội có thể “cất cánh”: “Là Hà Nội hãy như chiếc áo dài: kín đáo, thướt tha nhưng vô cùng hấp dẫn; như cây đàn cổ, với bề dày truyền thống văn hóa của mình, phát triển một nền công nghiệp không khói - không phải chỉ là du lịch...”. Thế nhưng, trên thực tế, “phát triển theo chiều rộng” cho đến nay vẫn là nhận xét của nhiều chuyên gia về đặc điểm tăng trưởng của kinh tế thủ đô.

“Xét về khả năng tăng trưởng GDP đương nhiên Hà Nội không bằng TPHCM được, cả về tiềm năng lẫn cơ cấu. Và cũng không nên đặt vấn đề như thế, không nên quá chú trọng vào phát triển kinh tế, vì Hà Nội phải còn đảm đương những trách nhiệm của một trung tâm chính trị - văn hóa. Nhưng Hà Nội có nhiều điều kiện có thể làm cho chất lượng tăng trưởng tốt hơn. Bằng cách không phải gì cũng làm, mà lựa chọn làm những gì là thế mạnh. Công nghệ cao là một ví dụ”, ông Lưu Bích Hồ trầm tư. Cho đến giờ, nhà khoa học già vẫn tiếc nuối việc Intel đã từng đến Hà Nội rồi đi. Samsung cũng vậy, lẽ ra đã có thể “đậu” lại ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc. May là các nhà đầu tư lớn này vẫn ở lại Việt Nam, họ chỉ chọn một địa phương khác.

Nhìn tổng thể, TS Nguyễn Đình Dương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội nhận xét, Hà Nội cần phải hướng tới nền kinh tế tri thức: “Nói một cách đơn giản nhất, kinh tế sức người có tỷ lệ nhỏ, kinh tế tài nguyên có tỷ lệ lớn và kinh tế tri thức là rất lớn. Hà Nội có rất nhiều lợi thế để làm điều này”.

Theo ông Nguyễn Đình Dương, Luật Thủ đô hiện có nhiều điều khoản tạo sự chủ động cho Hà Nội, đồng thời đã khẳng định kinh tế tri thức là bộ phận chủ đạo trong kinh tế thủ đô. Hà Nội đã và đang là trung tâm giao dịch quốc tế của cả nước; có cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương đối đồng bộ và hiện đại, tỷ lệ ngành dịch vụ chiếm ưu thế trong cơ cấu kinh tế. Đây cũng là nơi tập trung đông nhất các nhà khoa học đầu ngành. Ước tính, nguồn nhân lực chất lượng cao của Hà Nội chiếm khoảng 60% nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước và nói như TS Lưu Bích Hồ: Chưa cần trải thảm đỏ, họ đã ở sẵn đây rồi!

Tuy thế, để phát triển kinh tế tri thức, Hà Nội cũng phải đối diện với những thách thức không nhỏ; do quá trình tham gia hội nhập, phân công lao động quốc tế, khu vực và các địa phương trong cả nước còn hạn chế; kinh phí đầu tư cho khoa học chưa tương xứng. Chỗ này chỗ khác, nhận thức và tư duy của các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn về phát triển kinh tế tri thức còn khá mờ nhạt. Mặc dù vậy, đây là con đường buộc phải đi. TS Nguyễn Đình Dương đề xuất tái cấu trúc kinh tế thủ đô theo hướng tăng nhanh các ngành có giá trị gia tăng cao, chú trọng sử dụng công nghệ cao để phát triển nhanh ngành cơ khí chế tạo, đặc biệt là cơ khí chính xác, tự động hóa để trở thành ngành kinh tế tri thức. Công nghệ tin học, sinh học, năng lượng, vật liệu mới… cũng được coi là những ngành nghề có hàm lượng tri thức cao, không sử dụng nhiều đất, rất thích hợp với một đô thị nén.

Làm chiếc nôi cho công nghiệp sáng tạo

Công nghiệp sáng tạo - một nhánh của kinh tế tri thức, là khuyến nghị của PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam khi nói về “mũi nhọn” cho kinh tế Hà Nội. TS Bùi Hoài Sơn cho biết, ở nhiều nước công nghiệp phát triển, các ngành công nghiệp sáng tạo có tốc độ tăng trưởng cao gấp hơn 2 lần so với tăng trưởng bình quân của nền kinh tế. Nhờ đó, nhiều nền kinh tế, khu vực đô thị được hồi sinh sau hàng thập niên chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.

“Những ví dụ mà chúng tôi được chứng kiến ở khi St. Martin ở King Cross’ (London) - nơi Google chuẩn bị đặt trụ sở - hay sự tái thiết của thành phố Liverpool (Anh) cho thấy sức sáng tạo đã làm thay đổi bộ mặt những khu vực nghèo khổ, biến chúng trở thành các khu vực phát triển mạnh mẽ mới. Nhiều ý tưởng đã làm thay đổi cả thế giới như của Steve Jobs (với Apple), Mark Zuckerberg (Facebook) hay Bill Gates (Microsoft). Nhiều đế chế thương mại được dựng lên chỉ với một ý tưởng ban đầu” - ông Sơn nói.

Hà Nội thì sao? “Khác với nỗ lực trở thành trung tâm tài chính, Hà Nội có nhiều tiềm năng trở thành trung tâm văn hóa hơn rất nhiều. Tôi cho là nên tập trung vào 3 khâu: “ươm mầm” những tài năng sáng tạo, tổ chức nghệ thuật và tạo lập không gian sáng tạo”, TS Bùi Hoài Sơn nhận xét. Đặc biệt, theo TS Bùi Hoài Sơn, Hà Nội nên tập trung chú ý hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức có quy mô nhỏ, năng động, khuyến khích họ lựa chọn đầu tư vào các ngành công nghiệp sáng tạo phù hợp: khai thác di sản văn hóa, ẩm thực, sản phẩm thủ công truyền thống, các ngành công nghiệp giải trí. Cần có chiến dịch xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm văn hóa Hà Nội trong sự liên kết chặt chẽ với các địa phương trong vùng và trên cả nước để tạo ra chuỗi giá trị xứng đáng.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua ngày 6-7-2010, Hà Nội đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2011 - 2015 đạt 12% - 13%/năm, thời kỳ 2016 - 2020 đạt khoảng 11% - 12%/năm và khoảng 9,5% - 10%/năm thời kỳ 2021 - 2030. GDP bình quân đầu người của Hà Nội đạt 4.100 - 4.300 USD vào năm 2015; đạt khoảng 7.100 - 7.500 USD vào năm 2020 và tăng lên 16.000 - 17.000 USD vào năm 2030. Quy mô dân số Hà Nội đến năm 2015 đạt 7,2 - 7,3 triệu người, năm 2020 khoảng 7,9 - 8 triệu người và năm 2030 khoảng 9,2 triệu người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 55% vào năm 2015 và 70 - 75% vào năm 2020

ANH THƯ


Chủ tịch nước thăm Bộ Tư lệnh thủ đô

(SGGP).- Ngày 9-10, trong không khí kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng thủ đô và 68 năm ngày truyền thống, tiến tới kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội. Ra đời từ phong trào cách mạng của quần chúng, lực lượng vũ trang thủ đô Hà Nội là một bộ phận quan trọng của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, trong suốt 68 năm kế thừa, phát huy truyền thống anh hùng bất khuất chống ngoại xâm của thủ đô Hà Nội, truyền thống “Ngàn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội”, lực lượng vũ trang thủ đô đã cùng các tầng lớp nhân dân viết nên trang sử hào hùng, góp phần làm rạng danh non sông đất nước. Bước vào giai đoạn mới, đáp ứng yêu cầu khách quan của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung, xây dựng bảo vệ thủ đô Hà Nội nói riêng, năm 2008, Quân khu thủ đô được nâng cấp thành Bộ Tư lệnh thủ đô.

Nhiệt liệt biểu dương những thành tích mà quân và dân thủ đô đạt được trong thời gian qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước có những thuận lợi và những khó khăn, thách thức đan xen. Khu vực Đông Nam Á vẫn sẽ là khu vực phát triển năng động nhưng cũng chứa đựng những nhân tố mất ổn định; tranh chấp lãnh thổ, biển đảo ngày càng gay gắt hơn. Trong nước, tuy có những cơ hội lớn để phát triển kinh tế xã hội, những chúng ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước chưa được khắc phục; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước vẫn chưa được ngăn chặn và đẩy lùi; các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, hòng thay đổi chế độ chính trị ở nước ta; tình hình biển Đông vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, đe dọa chủ quyền biển đảo đất nước.

Trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch nước đề nghị cùng với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thủ đô, cán bộ chiến sĩ Bộ Tư lệnh thủ đô cần quán triệt và triển khai hiệu quả Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” và kế hoạch thực hiện của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Thành ủy Hà Nội để hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, xây dựng TP Hà Nội thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới. “Bộ Tư lệnh thủ đô cần thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng bộ, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay” gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xây dựng tổ chức Đảng các cấp trong sạch vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vững vàng về bản lĩnh chính trị, tiên phong về nhận thức lý luận và năng lực hành động, gương mẫu về phẩm chất đạo đức, lối sống, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh.

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục