Để không còn “chạy” trường

Câu chuyện nghe lóm ở một quán cà phê sáng. Hai người đàn ông trung niên bàn về chuyện chạy trường cho con vào học. Một người hớn hở nói: “Tôi với bà xã chạy trường cho thằng nhỏ được rồi. 3.000 “đô” chẵn. Thằng cò đòi lấy “đô”, không lấy tiền đồng. Hôm qua hai vợ chồng tôi gom hết tiền trong nhà, chạy đi mua “đô” cho đủ để giao”.

Tính ra, dù phải chi hơn 60 triệu đồng bôi trơn, để tìm một chỗ ngồi cho đứa con vào lớp 1 nhưng người đàn ông đó vẫn tỏ ra hài lòng. Những người ngồi nghe chuyện, ai cũng hiểu một điều: Tốn tiền mà “chạy” được chỗ học cho con là tốt rồi, bởi có người tốn tiền nhưng vẫn không được.

Năm nào cũng vậy, cứ mùa hè đến, cổng trường khép lại là chuyện “chạy” trường bắt đầu khởi động. Chuyện “chạy” trường ai cũng biết, cũng thấy nhưng không ai nói ra, vì như người trong cuộc suy nghĩ “thôi kệ, chung chi chút xíu cho con có chỗ học”. Nhưng đến bây giờ, tìm chỗ cho con học mà lên đến hàng chục triệu đồng, quy thành đô la thì không còn là chuyện “chút xíu” nữa. Dư luận phản ứng. Cũng đúng thôi, vì cái cách “tạ ơn” trước đây ai cũng xuê xoa bỏ qua, nhưng giờ đã thành chuyện ngã giá hẳn hoi.

Về phía phụ huynh, gần 70% người vào cuộc “chạy” trường vì tâm lý chọn trường tốt, trường điểm để mong cho con có chỗ học đàng hoàng, trường ra trường, dù biết rằng khi con họ đặt chân vào những trường này, họ còn phải đóng nhiều khoản khác. Và 30% còn lại “chạy” trường vì trường gần cơ quan làm việc của cha mẹ, thuận tiện đưa đón. Về phía ngành giáo dục, nếu ai đó nói trường X., trường Y. là trường điểm thì chắc chắn sẽ bị phản bác, vì hiện nay ngành không có chủ trương đầu tư xây dựng trường chuyên, lớp chọn. “Trường này là trường điểm hay không còn do tâm lý phụ huynh” - có người trong ngành giáo dục đã nói như vậy. Nhưng có một thực tế về khoảng cách khá lớn giữa các trường về cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục. Và những trường có ưu thế đó đều là “trường điểm” như cách nói của nhiều người.   

Người ta đổ thừa chuyện “chạy” trường là do phụ huynh mà ra nhưng ít ai thấy rằng từ chuyện chung chi, tạ ơn “chút xíu” ngày trước giờ được quy đổi thành đô la sẽ không còn là chuyện nhỏ nữa, hay gọi đúng tên của nó là “tham nhũng trong giáo dục”. Có bao nhiêu ca chung chi ngàn “đô” được phanh phui để làm gương? Nếu lãnh đạo trường không tiêu cực thì làm sao để nhận diện được “cò chạy trường”? Dư luận đòi hỏi không chỉ ngành giáo dục mà các ban chống tham nhũng quận, huyện phải vào cuộc.

Cách đánh giá học sinh tiểu học năm nay theo hướng dẫn mới của Bộ GD-ĐT đã phần nào cởi bớt tâm lý căng thẳng cho cả học sinh và phụ huynh. Với cách làm này, thiết nghĩ phụ huynh không cần thiết phải tốn hàng chục triệu đồng để chạy trường cho con. Về phía ngành giáo dục, cần cân bằng chất lượng giữa các trường, đặc biệt là các trường THCS. Nhiều trường THCS đạt chuẩn đã được xây dựng, song vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, nên là nguyên nhân tồn tại nạn chạy trường. Phụ huynh cũng cần thay đổi nhận thức về “trường điểm”.

Nhiều trường THCS ở Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh…. mấy năm gần đây đã vào cuộc bứt phá về chất lượng giáo dục, có nhiều học sinh đỗ cao, đậu vào các trường chuyên, chứ không còn là ưu thế độc quyền của các trường ở các quận trung tâm.

NGỌC NỮ (quận Tân Phú, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục