Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM kể bà có ba nhiệm kỳ làm đại biểu Quốc hội TPHCM, trong đó có hai nhiệm kỳ làm cùng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Theo lời bà kể, chú Sáu (tên thân mật của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải) là người nhiệt thành với công việc và có tâm với dân. “Chú rất gắn bó với đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, những lúc họp Quốc hội tại Hà Nội, đoàn hay về nhà chú ăn cơm, vợ chồng chú luôn chuẩn bị tươm tất những món ăn miền Nam như mắm kho, bánh xèo để đoàn đỡ nhớ nhà. Chú Sáu là người lãnh đạo không quan cách, giữ được mối quan hệ thân tình với cấp dưới nên cấp dưới không ngại phản ánh với chú những gì người dân tâm tư. Điều đáng quý ở chỗ chú Sáu là người biết lắng nghe nên tạo cho người khác tâm trạng được lắng nghe, được trân trọng và chú luôn sẵn sàng nghe những lời phê phán, những lời góp ý trái chiều. Thời gian đó, nhiều người dân nếu có bức xúc chuyện này chuyện kia cũng hay đến nhà chú gọi “Ông Khải ơi giúp chúng tôi, cứu chúng tôi”. Dù có những lúc người dân đến rất sớm, từ 4, 5 giờ sáng mà chú vẫn nhẫn nại tìm hiểu, xử lý vấn đề người dân bức xúc, không làm chuyện gì để người dân chạnh lòng. Chú là người gần gũi với dân nên luôn được dân thương”, bà Phạm Phương Thảo nhớ lại.
Cũng theo bà, một dấu ấn khác về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là ông đã lắng nghe để tiếp tục có những cải cách mạnh mẽ và đổi mới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước và khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Trong dòng người tiếp nối không dứt vào viếng linh cữu, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến thắp nén nhang tiễn biệt người tiền nhiệm của mình.
Nắn nót từng dòng chữ, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trân trọng ghi vào sổ tang: “Vô cùng thương tiếc vĩnh biệt anh Sáu - Đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam. Người con ưu tú của dân tộc Việt Nam. Người Đảng viên cộng sản trung thành, tiêu biểu, cả cuộc đời vì nước vì dân. Một nhà lãnh đạo, một vị Thủ tướng tâm huyết, trách nhiệm, đổi mới - có nhiều đóng góp lớn trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Xin thành kính thắp nén nhang tri ân và tưởng nhớ Anh - người thủ trưởng trực tiếp của tôi trong hai nhiệm kỳ Chính phủ đầy khó khăn và nhiều kỷ niệm. Người Đồng chí, người Anh nhân hậu, nghĩa tình. Một nhân cách lớn! Xin chia buồn sâu sắc với hai em Hoàng, Yến và các cháu, cùng gia quyến!”.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Thân Thị Thư cũng là một trong những người có mặt từ rất sớm tại tư gia nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Với tất cả lòng tưởng nhớ thành kính và niềm day dứt về công việc chưa hoàn thành, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tha thiết bày tỏ: “Kính thưa chú Sáu! Con là Thân Thị Thư đây! Chú ơi! Chú ra đi nhanh, sớm và vội quá! Con nhớ mãi những lời chú dặn về công tác giáo dục truyền thống, giáo dục tình cảm cách mạng cho thế hệ đi sau. Con nhớ mãi ánh mắt của chú nhìn con hôm ở bệnh viện bên Singapore - Thương chú quá! Con còn nợ chú - Tập thể Ban chỉ đạo và Ban biên soạn sách MTDTGPMN… Còn nợ chú - Quyển sách chưa xong. Xin hứa với chú sẽ hoàn thành sớm, chất lượng. Mấy ngày nay nhìn dòng người đến viếng chú, đọc những bài viết về chú, tất cả đã nói lên chú là một người tất cả vì dân - vì nước. Chú ra đi thanh thản nhẹ nhàng. Hãy mỉm cười mãn nguyện nha chú”.
Một đời vẹn nghĩa, vẹn tình
Cảm kích tài năng và đức độ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, trong ngày 19-3 rất nhiều người dân, người lao động ở TPHCM và các tỉnh thành đến viếng “Bác Sáu” từ 3, 4 giờ sáng.
Trong dòng người đến viếng, có bà Nguyễn Thị Nem ở huyện Tân Châu (tỉnh An Giang). Bà Nem cho biết chồng bà là bạn chiến đấu với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, sau ngày đất nước giải phóng, hai người bị mất liên lạc.
“Mãi hơn chục năm sau, khoảng năm 1986, bỗng một ngày chồng tôi nhận được cuộc gọi điện thoại của một người lạ, thì ra là anh Sáu. Lúc này, anh Sáu đã làm Chủ tịch UBND TPHCM nhưng mọi thứ, từ việc đi đứng đến cách nói chuyện, hỏi han với chúng tôi vẫn gần gũi y hệt những ngày mới biết nhau. Phải nói là vợ chồng tôi rất quý anh Sáu vì ảnh sống rất nghĩa tình. Sau này ra công tác ở Trung ương, đến khi làm Thủ tướng, anh Sáu vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm sức khỏe, đời sống của vợ chồng tôi”, bà Nem nhớ lại.
Trong dòng người đến viếng, những mẩu chuyện về chất sống nghĩa tình, gắn bó, gần gũi, cung cách làm việc giản dị mà hiệu quả của bác Sáu Khải nhiều lần được những người đồng nhiệm, thuộc cấp, người thân và bạn bè của ông nhắc đến.
Đi cùng những người đồng nhiệm của Ban Kinh tế - Kế hoạch (Trung ương Cục miền Nam) đến viếng linh cửu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, bà Mai Thị Nam sau khi thắp nhang xong vẫn nán lại một chút để nhìn kỹ di ảnh Thủ tướng. Khóe mắt đỏ hoe, đầy vẻ nuối tiếc, bà Nam kể: “Tôi được làm việc với anh Sáu một lần. Đó là vào khoảng giữa năm 1973, khi đó ảnh vào họp bàn chương trình viện trợ chuẩn bị mở rộng vùng giải phóng. Các ý kiến góp ý, định hướng của anh đều rất rõ ràng, cụ thể và khúc chiết nên chỉ một năm sau các nội dung thực hiện đều đạt kết quả tốt. Cách làm việc rõ ràng, thực tế, cùng với cách sống dung hòa, dễ gần với anh em nên mọi người ai nấy đều thương quý anh”.
Lòng tận tụy cả đời vì nước, vì dân, sống trọn vẹn nghĩa tình với mọi người của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo. Khẳng định trong lòng mình nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là một nhà lãnh đạo tài ba – có nhiều sáng tạo và quyết sách đúng đắn, một nhân cách lớn, bạn Nguyễn Vĩnh Lộc (cán bộ Đoàn, Huyện Đoàn Củ Chi) dặn lòng: “Noi gương bác, thế hệ trẻ chúng cháu hôm nay và mai sau sẽ luôn nỗ lực phấn đấu học tập, rèn luyện, nâng cao trí tuệ để góp sức trẻ xây dựng đất nước ngày càng văn minh, hiện đại”.
Xúc động khi viếng linh cữu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, đồng chí Đặng Quyết Thắng, công tác tại Văn phòng Chính phủ, ghi 4 câu thơ:
"Khi “THÁC” nhiều người thương nhớ anh
Bởi khi lúc sống hợp lòng DÂN
Anh “VỀ” với đất quê hương MẸ
Để lại trên đời bao tiếng thơm".