Để nghệ thuật đờn ca tài tử sống mãi

Để nghệ thuật đờn ca tài tử sống mãi

Với người dân Nam bộ, đờn ca tài tử đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa truyền thống lâu đời. Từ cội nguồn nhạc lễ và nhạc cung đình Huế, gia sản đờn ca tài tử Nam bộ ngày càng phát triển đồ sộ, phong phú, biểu đạt được tâm lý, tình cảm và đời sống của con người Nam bộ. Khi tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, làm gì để nghệ thuật đờn ca tài tử giữ được bản sắc truyền thống của mình là một câu hỏi lớn. Đây cũng là nội dung của buổi sinh hoạt nghệ thuật, giao lưu do GS-TS Trần Văn Khê tổ chức tại nhà riêng mới đây.

Thương nhớ cội nguồn
 
Những ai từng sống ở Nam bộ hay có dịp về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhất là vào những đêm trăng thanh gió mát, những dịp cúng tế ở đình, ở miễu, đám cưới, đám hỏi, đám tang hay giỗ chạp, tiệc tùng đều có thể được thưởng thức đờn ca tài tử. Đờn ca tài tử có thể trình diễn ở bất cứ đâu và bất cứ thời điểm nào; trang phục thường giản dị, bình dân, không câu nệ.

Theo GS-TS Trần Văn Khê, khi vào đến miền Nam, đờn ca tài tử đã thay đổi rất nhiều để thích nghi theo thị hiếu, thẩm mỹ để phù hợp nếp sống mới. Đó là tâm sự của những con người tháo vát, sáng tạo tuy đã tìm thấy cuộc sống an lành khi đến vùng đất màu mỡ nhưng lòng luôn thương nhớ cội nguồn.

Chính vì vậy, trong các điệu, hơi, đờn ca tài tử thường phảng phất nỗi buồn. Đặc biệt, những người thích đờn ca tài tử hay cùng với bạn đồng điệu họp nhau tại nhà một người trong làng rồi cùng hòa đàn để người mộ điệu thưởng thức. Người đàn tài tử chính thống hễ vui, ngẫu hứng thì đàn chơi, còn không hứng thì thôi, không ai có thể bỏ tiền ra mua được tiếng đàn của họ.
 
Cũng có người hiểu lầm chữ “tài tử” ở đây là không chuyên nghiệp. GS-TS Trần Văn Khê cho rằng, tài tử là người có tài và chỉ việc không dùng nghệ thuật của mình làm kế sinh nhai. Tuy nhiên, không phải vì thế mà trình độ của đàn tài tử lại thấp. Để trở thành người đàn tài tử đúng nghĩa phải trải qua thời gian tập luyện rất công phu.

Nhạc khí chính của đờn ca tài tử là đàn kìm và đàn tranh, đôi khi có ống sáo hay ống tiêu, đặc biệt có song lang (làm bằng hai thanh tre già) để đánh nhịp. Ngoài ra có thể có thêm đờn sến, đờn gáo, đờn bầu, tỳ bà nhưng không thông dụng.

Về sau, đờn ca tài tử có sự góp mặt của các nhạc khí phương Tây như violon, mandoline khoét phím, guitar măng-đô, guitar hạ uy di, guitar Tây Ban Nha được chỉnh lại (còn gọi là guitar phím lõm) nhưng hầu hết đã được điều chỉnh để có thể “nói” trung thực và chính xác ngôn ngữ của âm nhạc truyền thống Việt Nam vốn “nói ít mà ý nghĩa nhiều”…

Khác với ca trù miền Bắc hay ca Huế miền Trung mà lời ca quan trọng hơn tiếng đàn, trong đờn ca tài tử Nam bộ, dàn nhạc được chú ý hơn tiếng ca. Thường người nghe rất chú trọng vào chữ đàn nhấn có gân, cách sắp chữ duyên dáng, cách xuống câu ngọt ngào, uyển chuyển đến lối đàn bay bướm, đa dạng.
 
Để nghệ thuật đờn ca tài tử truyền thống sống mãi

Theo nhạc sư Vĩnh Bảo, một buổi đờn ca tài tử thường không theo chương trình sắp sẵn, mà những người đồng điệu gặp nhau, cao hứng muốn đàn bản gì là tất cả cùng hòa đàn. Thế nên tại buổi giao lưu, nhạc sư Vĩnh Bảo nói vui: “Nếu hôm nay tôi đàn hay, phần lớn là nhờ quý vị đó”. Đây cũng chính là nét văn hóa đặc trưng, góp phần làm nên sức sống cho nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ.

Ngoài phần giới thiệu những nét đặc trưng của đờn ca tài tử, nhiều tiết mục biểu diễn minh họa tại buổi giao lưu hết sức sống động.

Giây phút xúc động của hai người bạn tri âm tri kỷ: Nhạc sư Vĩnh Bảo và GS-TS Trần Văn Khê.

Giây phút xúc động của hai người bạn tri âm tri kỷ: Nhạc sư Vĩnh Bảo và GS-TS Trần Văn Khê.

Cả nhạc sư Vĩnh Bảo và GS-TS Trần Văn Khê đều tâm tư, trong cuộc sống hối hả, giao lưu văn hóa quốc tế rộng mở, phương tiện giải trí ngày càng phong phú, hiện đại, loại hình âm nhạc truyền thống Việt Nam với bản sắc đặc trưng như đờn ca tài tử dễ bị bỏ quên, nhất là với giới trẻ.
 
Không khí buổi sinh hoạt như “nóng” lên với phần giao lưu. Không gian nghệ thuật đờn ca tài tử xưa như được tái hiện khi GS-TS Trần Văn Khê ca bài Ngũ đối hạ. Không ngần ngại, sư thầy Thích Phước Cường cũng xung phong ca bài Tây Thi.

Thầy Phước Cường cho biết, từ nhỏ ở Vĩnh Long, thầy thường xuyên nghe cha đờn ca tài tử vào những đêm trăng nên cũng được học đôi chút. Những tiếng vỗ tay lại tiếp tục vỡ òa khi chị Mai Mỹ Duyên góp giọng với 20 câu Nam Xuân…

Cuối buổi giao lưu, GS-TS Trần Văn Khê siết tay nhạc sư Vĩnh Bảo - người anh, người bạn tri âm tri kỷ mà tâm tình: “Tôi rất vui khi có được những người trẻ hiểu và yêu âm nhạc truyền thống như thế. Mong rằng con số này sẽ ngày càng nhiều hơn”.

MINH AN

Tin cùng chuyên mục