Ngày 3-9, Ủy ban Tư pháp đã tiến hành phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng, thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020; Báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao về công tác của ngành kiểm sát năm 2020 và Báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành kiểm sát năm 2020; Báo cáo của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao về công tác của ngành tòa án năm 2020; Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2020.
Theo Báo cáo của Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020, năm 2020, dù đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống xã hội, nhưng Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong công tác chỉ đạo phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm; đồng thời đã trình Quốc hội nhiều dự án Luật, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước, chỉ đạo các bộ, ngành ban hành các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành và triển khai pháp luật, nghị quyết về lĩnh vực tư pháp, an ninh trật tự được Quốc hội thông qua…
Tuy nhiên, Chính phủ cần tiếp tục có biện pháp nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác lĩnh vực công nghệ thông tin, gian lận thương mại; thực hiện các gói hỗ trợ an sinh xã hội để hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm pháp luật, đồng thời kịp xử lý nghiêm minh đối tượng vi phạm pháp luật.
Về công tác của ngành kiểm sát năm 2020 và Báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành kiểm sát năm 2020, Nhóm nghiên cứu ghi nhận kết quả Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã đạt được trong năm 2020; song lưu ý rằng báo cáo chưa đánh giá sâu về nguyên nhân của một số mặt công tác chưa đạt được chỉ tiêu theo nghị quyết Quốc hội giao; điển hình là kết quả giải quyết đơn đề nghị phúc thẩm, tái thẩm trong nhiều năm gần đây vẫn chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội.
Liên quan đến công tác thi hành án năm 2020, Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh, ngoài nguyên nhân khách quan do dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp tới công tác thi hành án, cần làm rõ những hạn chế do nguyên nhân chủ quan, như trình tự, thủ tục trong quá trình tổ chức thi hành án chưa được khắc phục. Chính phủ cần bổ sung số liệu về các vụ việc cưỡng chế không thành và các vụ việc kéo dài từ 5 năm trở lên nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết xong.
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan điều tra, xét xử, thi hành án trong bối cảnh vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phải bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành. Các vụ án được xét xử nhanh, kịp thời, có tác dụng cảnh báo, răn đe rất tốt trong công tác phòng, chống vi phạm pháp luật. Bà Lê Thị Nga cho biết, các báo cáo được thẩm tra tại phiên họp lần này sẽ được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9 và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10.