Đề nghị đánh giá hiệu quả thực chất của các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá sâu hơn một số vấn đề, đặc biệt là về hiệu quả thực chất của các chính sách, giải pháp đã thực hiện trong những tháng cuối năm 2020 để hỗ trợ phục hồi kinh tế, nhất là về hỗ trợ doanh nghiệp, các đối tượng, những ngành, lĩnh vực kinh tế bị tác động, ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 như du lịch, hàng không…
Bất chấp khó khăn, năm 2020, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng cao hơn và đạt mức kỷ lục
Bất chấp khó khăn, năm 2020, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng cao hơn và đạt mức kỷ lục

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa có Báo cáo số 2478/BC-UBKT14 thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Hai chỉ tiêu vượt xa, 4 chỉ tiêu tốt hơn mức đã báo cáo

Cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được theo Báo cáo của Chính phủ, cơ quan của Quốc hội ghi nhận, mục tiêu tổng quát được Quốc hội đề ra cho năm 2020 đã cơ bản được hoàn thành, có thêm 2 chỉ tiêu vượt là tốc độ tăng GDP và tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.

Trong đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 545,4 tỷ USD, tăng 5,35% (số đã báo cáo tương ứng là 527 tỷ USD, tăng 1,8%); cán cân thương mại có thặng dư cao, xuất siêu khoảng 20 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Có 4 chỉ tiêu thực hiện tốt hơn so với kết quả đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, bao gồm: tỷ lệ xuất siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nêu rõ, với tăng trưởng GDP đạt 2,91%, Việt Nam là một trong số 10 nước có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất; một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong năm 2020.

Kinh tế vĩ mô vẫn giữ được ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là cân đối thu, chi ngân sách nhà nước cơ bản được bảo đảm trong bối cảnh nguồn thu bị suy giảm, nhu cầu chi tăng mạnh; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng cao hơn và đạt mức kỷ lục; dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng cao; giải ngân vốn đầu tư công tăng mạnh, đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2020 .

Nợ xấu ‘‘chưa lộ rõ”?

Tuy nhiên, từ diễn biến tình hình những tháng cuối năm 2020, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá sâu hơn một số vấn đề, đặc biệt là về hiệu quả thực chất của các chính sách, giải pháp đã thực hiện trong những tháng cuối năm 2020 để hỗ trợ phục hồi kinh tế, nhất là về hỗ trợ doanh nghiệp, các đối tượng, những ngành, lĩnh vực kinh tế bị tác động, ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 như du lịch, hàng không…

Tác động của tăng chi ngân sách nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh, cùng với việc chủ động giảm thu và hụt thu ngân sách dẫn tới tăng bội chi ngân sách, nợ công đến sự ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian tới cũng là vấn đề được Quốc hội đặc biệt quan tâm, từ đó đánh giá kỹ hơn thực trạng nghèo đói, tái nghèo, chênh lệch giàu nghèo để có giải pháp tổng thể.

Bên cạnh đó, cần bổ sung phân tích rõ những ảnh hưởng của việc Bộ Tài chính Mỹ chính thức dán nhãn Việt Nam là quốc gia thao túng tiền tệ, đặc biệt là đến hoạt động thương mại khi phía Mỹ áp thuế và thực hiện các biện pháp ngăn cản thương mại.

Đáng lưu ý, năm 2020, cả nền kinh tế khó khăn nhưng lại là năm thành công đối với hệ thống ngân hàng với mức tăng trưởng lợi nhuận cao, tỷ lệ nợ xấu giảm so với đầu năm.

‘‘Một số ý kiến cho rằng nợ xấu vẫn ‘‘chưa lộ rõ” do Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, nợ xấu có thể sẽ tăng mạnh khi phân loại đúng nhóm nợ và trích lập dự phòng rủi ro đúng luật định, do đó, đề nghị báo cáo rõ hơn về điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian qua và xây dựng phương án trong trường hợp kinh tế diễn biến bất lợi”, Báo cáo thẩm tra đề xuất.

Tin cùng chuyên mục