Hỏi: Đề nghị giải thích về địa danh Ba Đình. Từ đâu mà tên Ba Đình được đặt cho Quảng trường Ba Đình, Hội trường Ba Đình? Nhật Huy (cư xá Bàu Cát 2, quận Tân Bình, TPHCM)
Khánh Tường: Ba Đình có nghĩa đầu tiên là nơi tọa lạc ba ngôi đình làng của ba làng Mỹ Khê, Thượng Thọ, Mậu Thịnh thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đình làng thường được xây dựng ở vị trí, địa thế đẹp của làng. Ba làng nói trên có chung một vùng đất cao mà chung quanh là vùng đồng trũng nên ba ngôi đình được xây dựng ở đây.
Trong cuộc kháng chiến Cần Vương ở Thanh Hóa, Đinh Công Tráng cùng các lãnh tụ Phạm Bành, Tống Duy Tân, Cầm Bá Thước… đã chọn vị trí này để xây dựng một chiến lũy chống Pháp: Chiến lũy Ba Đình (1886-1887). Chiến lũy án ngữ trên con đường giao thông Thanh Hóa-Ninh Bình gây cho Pháp rất nhiều khó khăn trong việc chuyển quân, khí giới, lương thực từ Bắc Kỳ vào để đàn áp Cần Vương ba tỉnh Thanh -Nghệ-Tĩnh. Sau nhiều lần tấn công vào Ba Đình thất bại, Pháp đã phải huy động một lực lượng hùng hậu gồm 78 sĩ quan, hạ sĩ quan, 3.500 quân lính, 4 pháo hạm, 24 đại bác và 5.000 dân phu để tấn công Ba Đình dưới sự chỉ huy của đại tá Brissaud.
Nghĩa quân Ba Đình chiến đấu rất oanh liệt nhưng trước quân số quá chênh lệch và khí tài chiến tranh hơn hẳn của quân Pháp nên đã thất thủ. Đinh Công Tráng rút lui về Mã Cao và hy sinh vào tháng 10-1887. Chiến lũy Ba Đình vì thế tượng trưng cho tinh thần chiến đấu kiên cường bất khuất, sáng tạo… của cuộc phong trào Cần Vương Thanh Hóa và của nước ta trong những năm cuối thế kỷ 19. Ba Đình vì thế xứng đáng được đặt tên cho quảng trường ở thủ đô Hà Nội và hội trường đã từng chứng kiến những sự kiện lớn lao của đất nước.
SGGP Thứ bảy