Hỏi: Đề nghị phiên âm và dịch nghĩa câu đối ở đền thờ Trần Hưng Đạo (36, đường Võ Thị Sáu, thành phố Hồ Chí Minh).
Trần Trung Dũng (đường Võ Thị Sáu, TPHCM)
Câu đối đó là:
Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí;
Lục Đầu vô thủy bất thu thanh.
Tương truyền là của thám hoa Vũ Phạm Hàm (1864-1906), người xã Đôn Thư, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây, đậu đầu cả thi hương (1884), thi hội và thi đình (1892), nổi tiếng là “tam nguyên”, có lúc làm đốc học Hà Nội. Câu này trước từng khắc ở đền thờ Trần Hưng Đạo tại Kiếp Bạc, tỉnh Hải Dương sau mới khắc ở đền thờ tại TP Hồ Chí Minh.
Theo các cụ túc nho (như cụ Đỗ Ngọc Toại ở Hà Nội, cụ Giản Chi ở TPHCM…), chữ thu ở vế thứ hai là do chữ thung chép sai. Thung là cái cọc gỗ (danh từ) hay đóng cọc gỗ (động từ).
Nghĩa câu đối trên là:
Ở Vạn Kiếp, núi nào cũng có hơi kiếm (bốc lên);
Ở Lục Đầu, không có sông nào không (ầm vang) tiếng đóng cọc.
Chữ thung hợp lý hơn, gắn liền với chiến thắng của Trần Hưng Đạo trên sông Bạch Đằng. Vả lại, trong nhiều trường hợp khác, hai chữ thung và kiếm được dùng để đối nhau, như:
* Đằng chử tri thung, tĩnh quốc hiển công thùy quốc sử;
Kiếp từ minh kiếm, phúc nhân huyền trạch tại nhân gian.
(Câu đối của án sát sứ Phạm Huy Quang tại đền thờ Trần Hưng Đạo ở Hà Nội)
* Đằng giang vi nhị thứ chi chiến thắng trường, tang hải bất vi thung thực tích;
Vạn lĩnh thị thiên thu chi linh ứng địa, phong lôi trường hưởng kiếm minh thanh.
(Câu đối của cử nhân Nguyễn Văn Bình)
* Sinh tiền bất hủ chi tâm, giang thung thu ngật;
Tử hậu lẫm như chi khí, hạp kiếm lôi minh.
(Văn tế Trần Hưng Đạo ở đền thờ tại Bảo Lộc, Nam Định).
Hoàng Anh