Đề nghị siết quy chuẩn phát thải nhà máy nhiệt điện than

Ngày 3-9, đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV dự kiến diễn ra vào tháng 10 và tháng 11 năm nay.

Chủ trì hội thảo, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TPHCM, cho biết, đây là dự án luật quan trọng, được cử tri hết sức quan tâm. Trong dự án này có nhiều nội dung mới so với luật hiện hành, có nhiều quan điểm mới, quy định thêm một số vấn đề mới.

Góp ý cho dự án luật, các đại biểu tham dự đề nghị cần có các quy định quan tâm hơn đến bảo vệ môi trường không khí, môi trường đất. Theo luật sư Trương Thị Hòa, dự án luật có quy định khá đầy đủ về việc bảo vệ môi trường nước, nhưng còn môi trường đất, môi trường không khí thì chưa có. Trong khi đó, khả năng chịu tải của không khí, của đất rất quan trọng, tác động vào cuộc sống, sức khỏe, thậm chí tính mạng của người dân, không chỉ cá nhân mà còn tác động đến cả khu vực.

Từ thực tế kiểm tra, xử lý vi phạm, Đại tá Nguyễn Văn Khừ, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Công an TPHCM, nhận xét, ô nhiễm không khí đang là vấn đề bức xúc tại các đô thị lớn. Tuy nhiên, các quy định hiện hành chưa đủ mạnh để giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lý chất lượng không khí. Việc phát tán ô nhiễm không khí là vấn đề mang tính khu vực, nên cần bổ sung quy định về quản lý và hợp tác giữa các tỉnh, thành trong quản lý chất lượng không khí. Đại tá Nguyễn Văn Khừ cũng đề nghị bổ sung quy định thắt chặt các quy chuẩn phát thải đối với các nhà máy nhiệt điện than và tiêu chuẩn không khí xung quanh.

Tại hội thảo, các đại biểu còn góp ý nhiều ý kiến liên quan đến đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, trong đó nêu ra các bất cập, mâu thuẫn trong dự thảo luật so với các văn bản luật khác. Đáng chú ý, đại diện Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TPHCM đề xuất cần bổ sung quy định về bảo hiểm môi trường. Theo đó, các đơn vị có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cần mua bảo hiểm, tương tự như bảo hiểm cháy nổ, để khi xảy ra các sự cố vượt quá khả năng thanh toán của đơn vị thì có bảo hiểm chi trả. Hiện nay, dự thảo chỉ quy định chung chung là chủ thể nào gây ô nhiễm thì có trách nhiệm thanh toán.

Tin cùng chuyên mục