* Tổ máy số 1 dự kiến phát điện vào ngày 25-12-2010
(SGGP).- Báo cáo giám sát một số dự án, công trình quan trọng quốc gia năm 2010 vừa được Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường gửi đến đại biểu Quốc hội (QH) cho biết, so với dự toán ban đầu trình QH khóa XI tại kỳ họp thứ 2 (năm 2002), tổng dự toán của dự án Thủy điện Sơn La đã tăng khoảng 14.000 tỷ đồng.
Ủy ban KH-CN-MT của QH đề nghị Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính trình phương án tăng vốn đầu tư để Quốc hội xem xét quyết định. Đồng thời kiến nghị Kiểm toán Nhà nước thanh tra, kiểm toán các hạng mục công trình để tăng hiệu quả đầu tư, chống lãng phí, thất thoát tiền của Nhà nước.
Cũng theo kết quả giám sát, công trình đập và Nhà máy thủy điện Sơn La đang thực hiện đúng tiến độ, bám sát mục tiêu phát điện tổ máy số 1 vào ngày 25-12-2010 và phấn đấu hoàn thành công trình vào năm 2012. Theo báo cáo này, Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng cũng kết luận các vết nứt tại đập bê tông không ảnh hưởng đến sự an toàn đập và cho phép đóng cống dẫn dòng thi công tích hồ chứa nước.
Theo kết quả giám sát, về cơ bản đã chuyển xong trên 20.000 hộ dân ra khỏi vùng lòng hồ bị ngập trước khi nước dâng lên cos 195m; người dân đã có điều kiện ở khang trang hơn, đời sống trước mắt được đảm bảo. Tuy nhiên, việc giao đất sản xuất còn chậm, người dân chưa có phương hướng sản xuất hiệu quả để có nguồn thu nhập ổn định và lâu dài.
Cơ quan giám sát cũng yêu cầu Chính phủ chỉ đạo quyết liệt trong việc giải quyết nguồn vốn và giải phóng mặt bằng cho dự án đường Hồ Chí Minh, nếu không khó thể hoàn thành toàn tuyến vào năm 2013, thậm chí năm 2015.
Dự án đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận 30 tỉnh, thành phố, được đầu tư xây dựng theo 3 giai đoạn. Dù chưa thông toàn tuyến nhưng dự án đã bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần giảm tải giao thông trên tuyến quốc lộ 1A, đặc biệt trong mùa mưa lũ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng sâu vùng xa, kết nối các trung tâm dân cư và đô thị…
Giai đoạn hai của dự án này (2007-2010) cần khoảng 32.169 tỷ đồng, nhưng mới bố trí được 5.486 tỷ đồng. Trong khi đó, Bộ GTVT chưa làm rõ khả năng sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ cũng như khả năng huy động vốn ODA và các nguồn vốn khác đối với các dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) và xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT).
A.Thư