Quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc đã và đang phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Kim ngạch thương mại hai chiều luôn có những đột biến, song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro do đối tác hai bên chưa am tường về nhau.
Theo đánh giá của Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, Trung Quốc hiện nay là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Với nhiều điểm tương đồng về văn hóa, phong tục tập quán cũng như vị trí địa lý thuận lợi đối với Việt Nam, thị trường Trung Quốc vẫn luôn là một thị trường lớn và đầy tiềm năng. Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2015 tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc đạt 66,6 tỷ USD, tăng 13,4% so với năm 2014. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 17,1 tỷ USD, tăng 14,8%; nhập khẩu 49,5 tỷ USD, tăng 13,3%; nhập siêu 32,4 tỷ USD, tăng 12,5%. Tính đến hết tháng 7 năm 2016, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc đạt 38,18 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 10,85 tỷ USD, tăng 14,9%; nhập khẩu 27,32 tỷ USD, giảm 3,4%; nhập siêu 16,47 tỷ USD, giảm 12,1%.
Còn theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, năm 2015, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Trung Quốc trong ASEAN với tổng kim ngạch thương mại song phương Trung - Việt đạt 95,8 tỷ USD, tăng 14,6% so với năm 2014. Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh, Trung Quốc Đào Việt Anh, cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc có nhiều thuận lợi trong giao thương. Trung Quốc cũng có nhu cầu lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam như nông lâm sản: gạo, sắn, cao su, rau quả, chè…; hàng thủy sản như: tôm, cá da trơn… Tuy nhiên, hàng Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Thứ nhất, hàng Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc được hưởng thuế suất ưu đãi trong khuôn khổ Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN (CAFTA). Nhưng Trung Quốc hiện áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 13%-17%, điều này vô hình trung làm giảm mức độ cạnh tranh về giá của sản phẩm nhập khẩu khi tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc. Thứ hai, Trung Quốc ban hành Luật An toàn thực phẩm mới. Theo đó, tất cả các sản phẩm thực phẩm khi xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải có chứng thư đi kèm do cơ quan chủ quản nước xuất khẩu cấp. Thứ ba, sản phẩm nông thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm cùng loại của các nước ASEAN. Thứ tư, trao đổi, mua bán hàng hóa theo hình thức thương mại biên giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thứ năm, việc xác minh năng lực doanh nghiệp đối tác phía Trung Quốc chưa được chú trọng và còn nhiều hạn chế. Thứ sáu, thiếu thông tin tổng thể về thị trường Trung Quốc như chính sách xuất nhập khẩu, nhu cầu thị trường, hệ thống thương nhân để kết nối và giao dịch. Về rào cản ngôn ngữ trong giao dịch với các doanh nghiệp Trung Quốc, một số doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị về đội ngũ am hiểu tiếng để phục vụ công tác liên hệ, kết nối.
“Các doanh nghiệp trong nước cần thông qua hệ thống các Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại tại Trung Quốc; xác minh thực lực và uy tín các doanh nghiệp Trung Quốc, thực hiện các giao dịch bằng hợp đồng, thông lệ quốc tế để có tính ràng buộc”, ông Việt Anh chia sẻ kinh nghiệm về cách thức giao dịch, kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt với phía đối tác. Ngoài ra, doanh nghiệp nên tìm hiểu sâu về các quy định nhập khẩu của Chính phủ Trung Quốc với các sản phẩm hợp tác, cập nhật thông tin thị trường, các quy định về chất lượng sản phẩm và thị hiếu người tiêu dùng tại các địa phương Trung Quốc. Đồng thời, tăng cường tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường do các cơ quan, tổ chức và hiệp hội tổ chức… Ông Lê Thanh Hòa, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp Quốc gia cho biết, vấn đề an toàn thực phẩm của hàng hóa xuất khẩu cần phải được các doanh nghiệp Việt Nam cực kỳ quan tâm. Bởi hiện nay, Trung Quốc mới ban hành Luật An toàn thực phẩm mới và theo đó là các quy định ngặt nghèo về vấn đề này. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt chú ý đến cả nguyên liệu đầu vào, quy trình chế biến và sản phẩm đầu ra. “Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu qua con đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, việc xuất khẩu này lại thường không có tính ổn định, giá trị mỗi giao dịch nhỏ và sẽ gặp rất nhiều rủi ro nếu đối tác Trung Quốc buông hợp đồng. Do đó, về lâu dài, các doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển bền vững và phòng tránh rủi ro về mặt pháp lý, cần xuất khẩu hàng hóa theo chính ngạch”, ông Hòa cho biết.
NGUYỄN VĂN DIỆU