Sống tại ký túc xá (KTX), nhiều sinh viên cảm nhận có mặt lợi và niềm vui. Bạn Hoài (sinh viên năm 2) nói: “Cuộc sống ở KTX an ninh hơn ở nhà trọ. KTX đông vui, ở đây sẽ quen biết được nhiều, học hỏi những anh chị lớn những kinh nghiệm sống”. Bạn Trúc (sinh viên năm 4) chia sẻ: “KTX là nơi cho chúng ta nhiều trải nghiệm, nhiều cảm xúc. Tuy mỗi người sẽ có cách nhìn nhận về KTX khác nhau, nhưng đó luôn là nơi ươm mầm và lưu giữ nhiều kỷ niệm đáng nhớ của thời sinh viên”.
Trong cuộc sống cộng đồng, rất cần có các quy định, quy ước để tổ chức cuộc sống vào nề nếp. Ở KTX cũng vậy và có một số quy định khiến sinh viên thấy bất tiện. Sinh viên không được sử dụng các thiết bị điện, bếp gas để nấu nướng trong phòng, vì dễ gây cháy nổ. Nhưng cuộc sống sinh viên suốt ngày ăn cơm bụi, nhiều khi ngán vì cơm quán xá không hợp khẩu vị, có khi muốn tự nấu ăn theo đúng ý mình. Đúng 23 giờ thì KTX đóng cổng, các phòng phải tắt đèn. Các sinh viên thích thức khuya sẽ phải thức trong ánh đèn bàn le lói. Rồi chuyện có đến 18 - 24 người ở trong một phòng khoảng 17m2, mỗi người một tính cách, “múi giờ sinh học” hoạt động khác nhau, nên nhiều người khó thích nghi.
Được hỏi “Bạn cảm thấy thế nào khi sống trong KTX”, bạn Thanh (sinh viên năm nhất) trả lời: “Phòng quá đông người, ý thức của mọi người không cao, tuy có một cô lao công dọn dẹp, nhưng vẫn bẩn. Ở đây tiền trọ 650.000 đồng/tháng, bao cả điện, nước, wifi. Theo quy định của KTX thì phải đóng tiền trọ cả năm học (có thể chia thành 2 đợt), đóng tiền cọc 1 tháng, đến khi kết thúc hợp đồng mới trả lại. Em muốn dọn ra ngoài, nhưng vì tiếc tiền cọc và không muốn mất trắng số tiền đã đóng trước cho các tháng còn lại, nên phải cố gắng ở”. Còn bạn Linh (sinh viên năm 2) than: “Mình ở KTX vì ba mẹ không cho ra ở nhà trọ. Ở đây phòng ồn, nên khó có thể học hay ôn bài được. Khó nhất là ăn uống, ngủ nghỉ không đúng giờ giấc, sức khỏe mình giảm sút rõ rệt”. Bạn Thảo (sinh viên năm 3) không kén chọn, nhưng cũng khó thích nghi: “Mình thấy cũng được, chỉ có điều ở đông mà ý thức mọi người không cao”. Bạn Thư (sinh viên năm 3) tiếp lời: “Giá như KTX có nhà bếp để cho sinh viên tự nấu ăn thì tốt hơn cho sức khỏe, thay vì cứ phải ăn cơm bụi”.
Thiết nghĩ ban quản lý các KTX nên đặt mình vào vị trí, cảm xúc, nhu cầu của sinh viên để tổ chức quản lý KTX, theo hướng đáp ứng đúng sở thích, nguyện vọng, tâm lý lứa tuổi của sinh viên, có như vậy mới thu hút được đông đảo sinh viên vào ở KTX.