Để TPHCM giành lại vị trí trung tâm

>>
Để TPHCM giành lại vị trí trung tâm

>> Kiến nghị cơ chế đặc thù để TPHCM giành lại “vị trí trung tâm”

LTS: Số báo đặc biệt dịp 30-4 kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Báo SGGP có đăng bài phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM về quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP giành lại “vị trí trung tâm” của TPHCM. Đồng chí Nguyễn Thành Phong thẳng thắn nêu ra những khó khăn, thách thức đối với chính quyền TP trong việc thực hiện mục tiêu này. Người đứng đầu chính quyền TPHCM kêu gọi các tầng lớp nhân dân cùng đồng hành, chung tay xây dựng TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Sau bài trao đổi này, Báo SGGP nhận được ý kiến tâm huyết sẻ chia, hiến kế giải pháp của các trí thức TPHCM trong các lĩnh vực.

Không thể là số 1 nếu thiếu bảo tồn di sản văn hóa
TS Nguyễ̃n Thị Hậ̣u
- Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam

Mỗi thành phố được hình thành với những đặc điểm riêng, địa thế, môi trường, lịch sử và con người đã tạo nên tính cách của nó. Bởi thế không có thành phố nào giống thành phố nào. Sài Gòn - TPHCM cũng vậy.

Một góc trung tâm TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Với lợi thế của vị trí địa lý thuận tiện cho thông thương và giao lưu kinh tế - văn hóa, là một đô thị trẻ, năng động, sáng tạo, TPHCM đang đẩy mạnh quá trình đô thị hóa, xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Nhưng Sài Gòn - TPHCM còn là một đô thị có “vốn” di sản văn hóa giàu có và phong phú. Khu vực trung tâm TPHCM tập trung nhiều công trình kiến trúc và không gian đô thị, được xây dựng từ khi đô thị Sài Gòn hình thành. Đó là khu vực di sản đô thị ẩn chứa trong nó biết bao câu chuyện về lịch sử và con người thành phố qua vài trăm năm. Từ khoảng hai mươi năm nay “quá trình hiện đại hóa” đã làm mất đi và biến dạng quá nhiều di sản ở khu vực này, cũng là làm mất đi nguồn vốn xã hội dưới dạng di sản văn hóa.

Phải là một thành phố sống tốt, thành phố đáng sống cả về vật chất và tinh thần, rồi mới hướng đến và vươn lên vị trí số 1. Trong bối cảnh của sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, “phát triển bền vững” không chỉ là mối quan hệ giữa con người và môi trường tự nhiên, mà chủ yếu là mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và các vấn đề văn hóa - xã hội. Phát triển kinh tế mà không bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa vật chất và tinh thần thì đó là sự phát triển què quặt, không cân đối… Sự phát triển què quặt, không cân đối sẽ dẫn đến sự đổ vỡ của quá trình phát triển kinh tế và xã hội, tức là không đạt được mục tiêu “phát triển bền vững”.

Như vậy, từ góc độ lịch sử văn hóa, dù có thể bây giờ đã trễ, nhưng phải ngừng ngay việc hủy hoại di sản văn hóa đô thị ở khu vực trung tâm TPHCM. Nếu chúng ta chỉ biết lấy mà không biết giữ gìn hay đền bù trở lại thì sẽ sớm phải trả giá cho sự phá hủy một phần lịch sử quan trọng của thành phố. Bảo tồn di sản văn hóa chính là bậc thang quan trọng để TPHCM đi lên vị trí số 1 với nền tảng vững chắc của lịch sử và văn hóa.

Nhấn mạnh vào các giá trị của tri thức và công nghệ
Th.S Nguyễ̃n Hữu Thái Hòa
- Việt kiều Canada, nguyên Giám đốc Chiến lược Tập đoàn FPT

TPHCM cần tỉnh táo nhìn nhận sự thật tụt hậu rất xa về tốc độ phát triển và đang thua kém các TP khác trong nước như Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương về nhiều chỉ số phát triển kinh tế - xã hội, chưa nói đến đã tụt hậu quá xa so với các TP lớn tầm châu Á (Seoul, Singapore) hay ASEAN (Bangkok, Jakarta, Kuala Lumpur). Chỉ có cách nhìn nhận thẳng thắn từ lãnh đạo cao nhất vào những yếu kém và phân tích những nguyên nhân cội rễ, những cái khóa đang níu chân và làm tắc nghẽn sự phát triển của TPHCM. Từ đó, đặt vấn đề nghiêm túc cùng các chuyên gia trong và ngoài nước đề xuất giải pháp. Có như vậy mới giúp TPHCM tiến nhanh, tiến cùng và bắt kịp các “đối thủ” trong vùng và thế giới.

“Trong nguy có cơ”. Hơn ai hết, bộ máy lãnh đạo các cấp của TP cần đánh giá rõ chiến lược này. Và hơn lúc nào hết, đây là lúc cần đẩy mạnh tư duy tích cực, không sợ lỗi và bị chỉ trích các điểm yếu. Trực diện để có giải pháp khắc phục điểm yếu và tạo dịch chuyển tích cực chứng minh được giá trị tốt lên của kết quả trước và sau (before/after). Nhấn mạnh vào các giá trị của tri thức và ứng dụng thông minh của kỷ nguyên số trong các giải pháp cho TP.

Ông Lý Quang Diệu đã viết trong Hồi ký Lịch sử Singapore (1965 - 2000) rằng: “Nếu có vị trí số một ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam. Bởi so sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người, Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực…”. Quả thật, TPHCM có nhiều lợi thế cạnh tranh về địa chính trị, lịch sử trong chiến lược “định vị trung tâm” và với cộng đồng người Hoa lớn mạnh trong các đầu mối làm ăn lớn, trọng yếu của kinh tế khu vực. Nếu có định hướng khéo léo và đúng đắn sẽ biến TPHCM thành một HUB mới (cửa ngõ giao dịch) của châu Á như cách Singapore đã làm rất thành công trong 50 năm qua. TPHCM còn có thuận lợi là chúng ta đang trong cơ hội toàn cầu hóa. Thời điểm hiện nay, rất cần đẩy mạnh tăng FDI và đầu tư quốc tế qua các tập đoàn đa quốc gia vào TPHCM. Bao nhiêu năm qua, Khu công nghiệp VSIP (Bình Dương) vẫn là nơi tốt nhất cho các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam. So sánh với các khu công nghiệp của TPHCM thì rõ ràng các khu công nghiệp ở TP là một điểm yếu không thể chấp nhận, cần được khắc phục.

Nói gì thì nói, con người vẫn là yếu tố quyết định. TPHCM là đầu tàu cả nước, tính cạnh tranh cao hơn hẳn nên cần có một chính sách lương/thưởng khác và ưu tiên thu hút nhân tài, các chuyên gia cao cấp trong nước và quốc tế. Cần có chính sách khoán hiệu quả và giá trị cho chuyên gia, có cơ chế tư nhân hợp doanh (PPP) trong công tác nhân sự tại TPHCM. Có chính sách về hiền tài, TPHCM mới có các chuyên gia cao cấp chung tay hỗ trợ, phối hợp cùng TP giải quyết các vấn đề.
 
“Cởi trói” thể chế cho đô thị đặc biệt 
PGS-TS Trần Hoàng Ngân
- Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM

Trong 30 năm quá trình đổi mới và trên 40 năm từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TPHCM đã đạt được những kết quả đáng trân trọng. Chúng ta đã giữ vững ổn định chính trị, tạo nền tảng vững chắc phát triển kinh tế TP cho những năm tiếp theo. Đảng bộ và nhân dân TP đã có những đóng góp quan trọng, thực sự vì cả nước, cùng cả nước với đóng góp trên 23% GDP cả nước và trên 30% tổng thu ngân sách. Điều quan trọng hơn là đóng góp về thể chế cho những bứt phá…

Tuy nhiên, bây giờ phải nhìn lại tại sao TPHCM phát triển như vậy nhưng vẫn chưa bắt kịp với sự phát triển của các thành phố lớn trong khu vực như Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Manila (Philippines)…? Như vậy, TPHCM có phát triển nhưng các thành phố khác ở các quốc gia khác trong khu vực phát triển quá nhanh, như vũ bão nên TPHCM đã bị tụt hậu. Đấy là điều mà chúng ta cần khẳng định. Giải pháp nào để TPHCM có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, sánh vai được cùng các thành phố lớn ở trong khu vực Đông Nam Á, tiến tới là khu vực châu Á?

Theo tôi, chúng ta cần xác định chiến lược và các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Cụ thể, TPHCM phải đặt mục tiêu ít nhất trong 2 - 3 năm nữa phải là địa phương dẫn đầu cả nước về các chỉ số dịch vụ hành chính công như PAPI, PCI (trong khi thực tế hiện nay TPHCM bị tụt hạng rất nặng). Rồi 5 năm, 10 năm, 15 hay 20 năm là thời gian chúng ta nỗ lực để bắt kịp với các thành phố lớn khác trong khu vực. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần đặt sự phát triển kinh tế của TPHCM trong bối cảnh, môi trường pháp lý kinh tế - xã hội chung của đất nước, trong đó phải chú ý đến tính đặc biệt, đặc thù của một đô thị đặc biệt của cả nước.

Đối với TPHCM, tôi nghĩ việc thống nhất về quan điểm và phải đúc kết được những bài học kinh nghiệm trong quá trình phát triển những năm vừa qua. Trong đó, phải xác định được động lực quan trọng nhất là phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phải kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng kiên cường của TP cùng với đặc tính năng động, sáng tạo, đoàn kết để đạt sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và nhân dân TP. Đây là động lực quan trọng để thúc đẩy sự tăng trưởng. Vấn đề quan trọng khác là làm sao “cởi trói” cho TPHCM những ràng buộc về mặt thể chế. Như vậy, TPHCM phải có những kiến nghị hết sức cụ thể với Trung ương thể chế nào vì những vấn đề gì… TPHCM còn những ràng buộc gì thì các sở ban ngành phải tập trung hiến kế, chỉ ra các ràng buộc về mặt thể chế. Nói tóm lại, TPHCM phải có những đề án cụ thể để báo cáo với Trung ương. Bản thân Trung ương trước đó cũng đã từng có Nghị quyết 20, Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị tạo điều kiện để TPHCM bứt phá, đóng góp nhiều hơn cho cả nước và cũng đã tạo điều kiện cho TPHCM thí điểm. Và giờ đây cần tiếp tục tạo điều kiện cho TPHCM được thí điểm đối với những vấn đề phát sinh đặt ra trong quá trình phát triển của TP. Trên cơ sở đó, chúng ta tháo gỡ từng nút, từng nút.

Cùng với đó, tôi nghĩ là cả nước phải triển khai thật nhanh, tập trung trí tuệ để đưa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đi vào cuộc sống bằng những chương trình hành động cụ thể của từng địa phương, bộ, ban, ngành để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trong đó, chúng ta phải đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế để làm sao nâng cao chất lượng tăng trưởng cũng như năng suất lao động, tiếp tục thực hiện 3 đột phá gồm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng. Có như vậy TPHCM mới không bị “níu kéo”. Bởi vì một mình TP phát triển mà các tỉnh thành khác không phát triển đồng bộ thì sức ì đó sẽ kéo TPHCM khó bứt phá được.


Đường Loan - Vân Anh ghi

Tin cùng chuyên mục