Để TPHCM và ĐBSCL hợp tác hiệu quả hơn

TPHCM và vùng ĐBSCL vốn gắn bó máu thịt từ trong lịch sử hình thành và phát triển, luôn có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

Thời gian qua, các chương trình, nội dung hợp tác TPHCM - ĐBSCL đạt nhiều kết quả tích cực, có sức lan tỏa trên các lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực và an sinh xã hội, đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung.

Các doanh nghiệp đã tìm kiếm được nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh, phát huy lợi thế của nhau, tạo ra không gian phát triển mới, vượt qua ranh giới hành chính tỉnh, huy động và sử dụng các nguồn lực mới hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, liên kết về kinh tế giữa các địa phương chưa dựa trên sự chuyên môn hóa hay phân công lao động theo chuỗi giá trị, phát triển các ngành công nghiệp chủ lực hay phát triển công nghiệp hỗ trợ; chưa có nhiều liên kết vùng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp hình thành cụm liên kết ngành.

Liên kết vùng là vấn đề hết sức quan trọng và đã được đưa vào Văn kiện các Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, X và XI, mới đây nhất là Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển 6 vùng kinh tế, xã hội của đất nước, trong đó có Nghị quyết số 31-NQ/TW về phát triển TPHCM và Nghị quyết số 13-NQ/TW về phát triển vùng ĐBSCL. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã quan tâm, từng bước hoàn thiện, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách giúp thúc đẩy liên kết vùng.

Thể chế liên kết vùng nói chung vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Vai trò của các chủ thể tham gia liên kết vùng, đặc biệt là chính quyền trung ương, còn mờ nhạt. Cơ chế thực thi chính sách liên kết vùng chưa phát huy hiệu lực thực tế và hiệu quả cao nhất đã tác động đến hiệu quả thực chất của các chương trình, nội dung liên kết hợp tác giữa TPHCM và vùng ĐBSCL. Làm gì để mối quan hệ hợp tác này thiết thực, hiệu quả hơn? Cần lời đáp trong thực tiễn.

Thời gian tới, hợp tác liên vùng và liên kết giữa TPHCM và các tỉnh cần tập trung ưu tiên cho mục tiêu phát triển chung, tạo lập không gian kinh tế chung, phát huy tốt nhất lợi thế so sánh của nhau. Phải lấy quy hoạch vùng làm cơ sở pháp lý, là trung tâm để điều phối các hoạt động liên kết hợp tác, hài hòa lợi ích, khuyến khích sự linh hoạt và sáng tạo, đảm bảo tạo lập và củng cố sự tin tưởng lẫn nhau; đồng thời, rất cần sự tham gia, điều phối của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương theo từng lĩnh vực. Cần hoàn thiện thể chế liên kết vùng bảo đảm thực chất, hiệu quả, khả thi, không cầu toàn, có kế thừa những kết quả và thực tiễn tốt trong giai đoạn trước.

TPHCM cùng với việc hợp tác song phương với từng địa phương, rất cần tăng cường hợp tác với vùng ĐBSCL. Vì vậy, cần nghiên cứu đề xuất xây dựng bộ máy vùng có đủ thẩm quyền, năng lực và nguồn lực để thực hiện hiệu quả vai trò chỉ đạo, điều phối và tạo thuận lợi cho chính quyền các địa phương thực hiện liên kết vùng, đặc biệt trong các lĩnh vực: phát triển cơ sở hạ tầng vùng; quản lý và khai thác nguồn nước; thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường; phát huy văn hóa dân tộc; phòng chống tội phạm.

Đó cũng là những lĩnh vực cần ưu tiên cho các chương trình, dự án liên kết hợp tác: Thực hiện và giám sát việc thực hiện quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông, logistics liên vùng, hạ tầng thông tin, truyền thông và kỹ thuật đô thị, phát triển du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển và liên kết trong việc đào tạo, sử dụng lao động. Không gian liên kết vùng TPHCM - ĐBSCL cần được tạo dựng thành một không gian phát triển mới có tính gắn kết, liền mạch hơn, phát huy đổi mới, sáng tạo và huy động hiệu quả các nguồn lực để tạo đột phá.

Tin cùng chuyên mục