Để Trường Sa không xa

Ngay sau khi Báo SGGP khởi đăng loạt bài “Sống nơi đầu sóng” phản ánh những tư liệu ít ai biết về cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió, với mong muốn cung cấp cho độc giả một cái nhìn tổng hợp về quá trình bảo vệ và xây dựng biển đảo của quân và dân ta, nhiều bạn đọc đã bày tỏ những tình cảm và mong muốn được hỗ trợ cán bộ chiến sĩ hải quân đang kiên cường bám đảo.
Để Trường Sa không xa

Ngay sau khi Báo SGGP khởi đăng loạt bài “Sống nơi đầu sóng” phản ánh những tư liệu ít ai biết về cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió, với mong muốn cung cấp cho độc giả một cái nhìn tổng hợp về quá trình bảo vệ và xây dựng biển đảo của quân và dân ta, nhiều bạn đọc đã bày tỏ những tình cảm và mong muốn được hỗ trợ cán bộ chiến sĩ hải quân đang kiên cường bám đảo.

  • Những người anh hùng

Bạn đọc Thanh Tùng tại địa chỉ chuyengiahotbot@gmail.com bày tỏ: “Sau khi theo dõi loạt bài “Sống nơi đầu sóng”, tôi nghĩ bất cứ ai trên Tổ quốc này đều xúc động khi được tìm hiểu thêm thông tin từ những ngày đầu gian khó bám đảo của bộ đội hải quân. Tôi ấn tượng nhất là những bài viết về bộ đội công binh xây các công trình trên đảo. Công việc khó khăn, thiếu thốn trăm bề như thế nhưng những công trình trên đảo vẫn mọc lên từ bàn tay và sự quyết tâm của các anh. Qua Báo SGGP và các báo đài khác, tôi biết Trường Sa nay đã đẹp hơn, có người dân sinh sống, có điện, có các công trình được xây dựng kiên cố. Đúng là phải tôn vinh những người tham gia xây dựng đảo là những người anh hùng. Tôi có em trai đang là học viên của Học viện Hải quân đóng tại Nha Trang. Gia đình tôi đã xác định, sẵn sàng ủng hộ em nếu em nhận nhiệm vụ tại Trường Sa hay nhà giàn. Đó là trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người thanh niên khi Tổ quốc cần”.

“Tôi theo dõi gần như đầy đủ loạt bài “Sống nơi đầu sóng” của Báo SGGP, cảm giác của tôi là sự khâm phục các chú, các anh đã làm nên một Trường Sa vững chãi. Tôi nghĩ, khi cuộc sống vật chất của các anh đã dần ổn định, các anh cần sự hỗ trợ nhiều về tinh thần. Cần có thêm nhiều hơn nữa những chuyến đi đến biển đảo để đưa người thân, đoàn viên thanh niên, người dân đến những nơi khó khăn, giúp các anh vui hơn, ấm áp hơn…”. Đó là những chia sẻ của chị Nguyễn Ngọc Thông (A7, Lê Thị Hồng, quận Gò Vấp).

Là người đã từng đến thăm quần đảo Trường Sa, hơn ai hết, chị Võ Thị Dương Liễu, Bí thư Đoàn Cục Hải quan TPHCM, hiểu về cuộc sống khó khăn của các anh. Chị chia sẻ: “Ở các đảo chìm, nhà giàn, các anh vẫn thiếu nhất là rau xanh, nước ngọt. Tôi nghĩ các công trình, đặc biệt là các công trình thanh niên của đoàn viên thanh niên TPHCM cần phải xoáy vào nhiệm vụ làm cho nước ở Trường Sa, nhà giàn ngọt hơn, rau xanh hơn và điện sáng hơn”.

  • Phía sau là hậu phương

Trong những năm qua, đã có rất nhiều những hỗ trợ từ đất liền đến với Trường Sa và nhà giàn DK1. Anh Bùi Tá Hoàng Vũ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên TPHCM, cho biết, tính đến nay, các cấp bộ Đoàn và đoàn viên thanh niên TPHCM đã vận động, đóng góp gần 21 tỷ đồng hỗ trợ vùng biên giới hải đảo. Từ việc sử dụng số tiền trên, cán bộ, chiến sĩ Trường Sa đã được cung cấp nhiều trang thiết bị cần thiết, phục vụ đời sống vật chất và tinh thần, phục vụ sẵn sàng chiến đấu, thực hiện các nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trong tình huống thiên tai như hệ thống thông tin nghe nhìn, hệ thống thu phát vệ tinh, xuồng CQ công suất lớn, máy tập đa năng, dụng cụ thể thao, dàn máy karaoke…

Những vị khách đến thăm một đảo chìm ở Trường Sa

Những vị khách đến thăm một đảo chìm ở Trường Sa

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí còn được sử dụng để triển khai các công trình nghiên cứu khoa học, các sản phẩm ứng dụng phục vụ cho đời sống của cán bộ, chiến sĩ cũng như người dân trên các đảo, như nghiên cứu xử lý chất thải, công nghệ rau sạch, trồng cây thử nghiệm tại các điểm đảo, xây dựng các công trình phục vụ chiến đấu, xây bệ cẩu xuồng, xây dựng sa bàn mô hình, sửa chữa tôn tạo Nhà truyền thống Trường Sa.

Nhìn chung, việc sử dụng kinh phí hợp lý đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, qua đó đã cải thiện và góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lính đảo, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, từng bước xây dựng lực lượng hải quân chính quy, từng bước hiện đại.

Thành đoàn TPHCM còn phát động chương trình “Cánh thư hải đảo” trong đoàn viên, sinh viên, học sinh. Trong 5 năm qua, đã có 31.099 cánh thư thăm hỏi, động viên của thanh thiếu nhi thành phố được chuyển đến tận tay cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại quần đảo Trường Sa. Đây chính là nguồn động lực, cổ vũ to lớn từ hậu phương giúp cho những người lính đảo thêm vững tay súng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Song song đó, Thành đoàn và các cơ sở Đoàn đã tổ chức vận động các đơn vị xuất bản, đoàn viên, thanh niên đóng góp các loại sách, báo, tài liệu học tập, đĩa nhạc, phim. Các sản phẩm trên phần nào đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí, học tập, nâng cao trình độ của bộ đội Trường Sa. 

Sau chuyến thăm, làm việc với quân và dân huyện đảo Trường Sa vào tháng 4-2006, lãnh đạo TPHCM giao Sở KH-CN TPHCM nghiên cứu xây dựng hệ thống cung cấp điện để đảm bảo cung cấp 100% điện sinh hoạt cho các đảo trên quần đảo Trường Sa. Dự án “Ứng dụng năng lượng gió và mặt trời cung cấp điện cho quần đảo Trường Sa” được thực hiện vừa theo trách nhiệm được phân công vừa là tấm lòng của “hậu phương” ủng hộ cho “tiền tuyến”.

Từ tháng 5-2008, hệ thống cung cấp điện bằng năng lượng gió và năng lượng mặt trời với tổng công suất 21kW (trong đó 12kW gió và 9kW mặt trời) đã được đưa vào hoạt động thí điểm với kinh phí khoảng 7 tỷ đồng, trang bị chiếu sáng sinh hoạt tối thiểu cho quân và dân chiến sĩ trên đảo Trường Sa lớn.

Trên cơ sở thành công này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã quyết định hỗ trợ 400 tỷ đồng cho Quân chủng Hải quân để thực hiện dự án cung cấp điện gió và mặt trời cho toàn bộ các đảo trên quần đảo Trường Sa, đến nay dự án đã hoàn thành, thay đổi chất lượng cuộc sống của quân và dân trên các đảo so với trước đây phải “chạy” điện bằng dầu diesel, mỗi ngày chỉ vài giờ có điện sử dụng.

Ở nơi đầu sóng ngọn gió, khí hậu khắc nghiệt, việc trồng rau xanh rất khó khăn, nhất là vào mùa bão, trong không khí mang nhiều hơi nước biển. Nhằm khắc phục khó khăn này, thành phố giao cho Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga thực hiện mô hình trồng rau trong nhà kính để chắn nước muối trong gió và trồng các loại rau ngắn ngày. Kết quả là rau phát triển tốt, chất lượng hơn hẳn so với trồng ở bên ngoài; thời gian thu hoạch nhanh hơn, tỷ lệ thành phẩm đưa vào sử dụng cao hơn. Trong điều kiện nắng nóng, nhà kính vẫn giữ được độ thoáng mát, độ ẩm tương đối tốt, khung nhà chịu được gió cấp 9; dù chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây - Nam, nhưng rau trong nhà kính vẫn phát triển bình thường, không bị nát và không bị xơ cứng.

Để Trường Sa không xa ảnh 2

Chiến sĩ chăm sóc vườn rau tại nhà giàn DK1/17

Về vấn đề vệ sinh môi trường, Sở KH-CN TPHCM đã triển khai thử nghiệm, đưa vào sử dụng 2 nhà vệ sinh thông minh, bán tự động phục vụ việc xử lý chất thải hầm cầu tại đảo Trường Sa Lớn và đảo Trường Sa Đông từ tháng 10-2010. Các nhà vệ sinh này sử dụng hệ men vi sinh phân hủy các chất thải hầm cầu và hệ thống tự động dội nước, khử trùng bằng tia cực tím, đặc biệt lượng nước tiêu thụ rất thấp: 0,25 - 0,5 lít/lần sử dụng - một điều thích hợp trong điều kiện khan hiếm nước ngọt Trường Sa.

Trong thời gian tới, ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, cho biết các nghiên cứu của sở sẽ tập trung vào lĩnh vực vệ sinh môi trường. Trước hết là tư vấn thiết kế, xây dựng trạm quan trắc môi trường phục vụ công tác bảo vệ môi trường. Cụ thể là làm quan trắc chất lượng nước, qua đó xử lý chất thải trong quá trình chăn nuôi và xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải từ các bếp ăn. Bên cạnh đó, các lò đốt rác mini cũng được xây dựng (theo phương thức đấu thầu) để xử lý rác sinh hoạt, giữ cho môi trường các đảo được trong lành.

A.CHÂN - M.HƯƠNG - T.THẢO

Hiện nay, khi nền kinh tế đang ngày càng phát triển, chính sách với những người đang làm việc ở đảo xa hay nhà giàn DK1 đã được quan tâm nhiều hơn. Đó là một trong những cơ sở để bộ đội yên tâm bám đảo, hoàn thành nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió.

Bên cạnh những nhà giàn sừng sững giữa biển Đông, còn có những con tàu trực chiến đang làm nhiệm vụ hỗ trợ, bảo vệ cán bộ chiến sĩ các nhà giàn. Anh em trên các nhà giàn mỗi khi gặp khó khăn gian khổ, mỗi khi gặp bão tố, khi nhìn ra luôn có anh em, đồng đội trên các tàu trực vững chãi sau lưng, đó là sự động viên lớn. Mỗi tàu trực đóng gần nhà giàn trong 2 - 3 tháng, sau đó trở vào bờ lấy thực phẩm, xăng dầu rồi lại ra khơi làm nhiệm vụ.

Đây là lực lượng gian khổ không kém các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại Trường Sa - DK1 mà không phải ai cũng biết. Các anh cũng cần sự hỗ trợ từ đất liền…

Đại tá NGUYỄN HẢI TRIỀU, Chủ nhiệm Chính trị Vùng 2 Hải quân

Tin cùng chuyên mục