Phim giải trí “bom tấn” Kong: Skull Island đang đưa hình ảnh Việt Nam trở thành tâm điểm toàn cầu tại phòng vé của 64 quốc gia và vùng lãnh thổ, tạo hiệu ứng rất tốt với thế giới. Bộ phim có 80% hình ảnh được quay ở Việt Nam, 20% còn lại quay ở Hawaii, (Hoa Kỳ) và Australia. Rồi bộ phim cũng qua đi như bao bộ phim khác, Việt Nam cần phải làm nhiều hơn để đưa hình ảnh của mình ra với thế giới.
Về mặt thương mại, không một hãng phim nào ở kinh đô điện ảnh Hollywood lại có thể tặng không một quốc gia 2 clip đặc biệt ra toàn cầu, nhưng Warner Bros đã dành cho Việt Nam một ngoại lệ. Hai clip này đưa ra những hình ảnh về Quảng Bình, Ninh Bình, Hạ Long đẹp như mơ. Jordan Vogt-Roberts, đạo diễn bộ phim Kong: Skull Island, cho biết: “Ngay khi đặt chân đến đây, tôi đã phải thốt lên rằng: chúng ta phải quay phim ở đây, nó như một thế giới hoàn toàn khác và thật bất ngờ, thế giới đó tồn tại ngay đây, trong cuộc sống thường ngày của người dân”. Cách nào để Việt Nam tiếp tục hấp dẫn các đoàn phim “bom tấn” quốc tế tìm đến?
Cảnh quay Vịnh Hạ Long trong bộ phim Kong: Skull island. Ảnh: Warner Bros
Nhìn qua Campuchia, năm 2015 họ tạo điều kiện nỗ lực chính sách thuế cho 67 bộ phim nước ngoài đến quay, trong đó có nhiều phim “bom tấn”. Năm 2016, đã có 100 bộ phim của các nước từ Mỹ, Pháp, Đức, Ấn Độ… đến hoàn thiện các cảnh quay ở Campuchia. Thái Lan, một đất nước có nhiều thắng cảnh và việc biến phim ảnh thành thiên đường quáng bá hình ảnh quốc gia được Thái Lan làm rất chuyên nghiệp. Luật điện ảnh của nước này cho phép chính phủ hỗ trợ 15% kinh phí sản xuất với những bộ phim nước ngoài có ngân sách từ 1,5 triệu USD, hỗ trợ 3% chi phí khi có diễn viên Thái trở thành nhân vật chính của phim nước ngoài quay tại Thái Lan, hỗ trợ 2% bất cứ phim ảnh nào góp phần nổi bật Thái Lan ra với nước ngoài.
Trong “bom tấn” chuẩn bị ra mắt của phần phim Điệp viên 007 có tên: James Bond 24 Spectre, Mexico mạnh tay chi 14 triệu đô để hãng Sony Pictures bấm máy tại đất nước này nhằm quảng bá hình ảnh ra toàn cầu qua hệ thống phòng chiếu 180 quốc gia và vùng lãnh thổ khi phim phát hành. Với Kong: Skull Island, Mỹ giảm 25% thuế, Australia giảm 16,5% thuế, luật nước này còn cho phép giảm 30% sắc thuế nếu các bộ phim nước ngoài hoàn thiện hậu kỳ bên trong lãnh thổ họ.
Đổi lại những chính sách ưu đãi đó là hàng trăm bộ phim vào Thái Lan, Campuchia, Mỹ… Các nước trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Singapore, Philippines cũng áp dụng theo chính sách tốt cho điện ảnh dẫn đến hiệu ứng tốt trong phát triển du lịch, văn hóa. Thái Lan đã mời các hãng phim thực hiện những phim lớn, hành động nghẹt thở trên các đảo, bãi biển… đã tạo hiệu ứng hàng chục triệu du khách đến xem bản gốc đời thực của các thước phim, từ đó hàng triệu việc làm bản địa định hình phục vụ du khách một cách bền vững.
Việt Nam từng có một số bộ phim nước ngoài đến nhưng rồi hiệu ứng cũng tan biến theo. Chỉ đến khi Kong: Skull Island quyết định bấm máy, hình ảnh Việt Nam được kích hoạt ra với đại chúng thế giới thông qua hệ thống truyền thông bài bản của hãng phim. Nhưng đó là theo cách “tự nhiên hương”, Việt Nam cần làm nhiều hơn nữa cho vẻ đẹp bên trong lãnh thổ phổ cập mạnh mẽ với đại chúng quốc tế.
Ngoài cảnh đẹp kỳ vĩ, chính sách thuế về nhập khẩu máy móc sản xuất điện ảnh, tạo điều kiện nhập cảnh cho các diễn viên, ê kíp theo đoàn, hỗ trợ những hãng phim đầu tư các dự án phim lớn bằng giảm thuế hay tạo cơ chế thông thoáng, chắc chắn sẽ đưa lại hiệu ứng tích cực, từ đó hình ảnh Việt Nam sẽ ngày càng phổ cập với đại chúng toàn cầu. Đã đến lúc cần biết mời các hãng phim với phong cách phục vụ hơn là đợi hãng phim cử người đi tìm kiếm.
Từ năm 2016 khi Kong: Skull Island quay xong, nay ra mắt khán giả, chưa dự án phim “bom tấn” nào hứa hẹn đến Việt Nam dày đặc như với Thái Lan hay Campuchia. Dư âm bộ phim rồi cũng lắng xuống, rồi những phim ăn khách khác lại trình chiếu, cái tên Việt Nam trên màn bạc cũng chùng lại nếu chính sách thu hút các dự án hàng trăm triệu đô không được chú trọng. Khi hình ảnh quốc gia được bảo chứng qua mỗi bộ phim, nó sẽ là tâm điểm đón khách du lịch, là công ăn việc làm, kéo theo phát triển bền vững…
Ngay sau những suất chiếu đầu tiên của “bom tấn” Kong: Skull island trên toàn cầu, các hãng lữ hành trên thế giới đã bắt đầu mở bán tour du lịch đến Quảng Bình, Ninh Bình, Hạ Long nơi có những cảnh quay bộ phim gây sốt này. Dẫn đầu là hãng lữ hành nổi tiếng thế giới Exotic Voyages chào bán giá tour tới Việt Nam với giá vé từ 2.055 USD (khoảng 45 triệu đồng). Exotic Voyages giới thiệu: “Trong năm 2015, khi Hollywood tìm kiếm các địa điểm quay phim của King Kong 2 với tiêu đề Kong: Skull island với cảnh thiên nhiên hoang dã và ngoạn mục, họ đã tìm đến Việt Nam. Chào mừng bạn đến đất nước tuyệt vời này, một nơi thiên nhiên giàu có sự hoang sơ. Việc Kong: Skull island quay ở đây cho thấy vẻ đẹp hùng vĩ và thanh bình của Việt Nam khi sở hữu rừng nguyên sinh nhiệt đới, có vô số dãy núi và hang động đá vôi tuyệt vời. Hãy trải nghiệm Việt Nam theo cách bạn chưa bao giờ làm trước đây”. Đây là tour được thiết kế 10 ngày 9 đêm tính từ lúc đáp máy bay đến Hà Nội, tham quan Hạ Long, Ninh Bình, Quảng Bình. Hàng trăm trang web của các hãng lữ hành nổi tiếng ở khu vực Mỹ, Canada, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc và các hãng lữ hành ở Việt Nam cũng đã bắt đầu rao bán tour đến Việt Nam. Các hãng du lịch tại Việt Nam đều lạc quan sẽ đón lượng khách lớn khi phim Kong: Skull island được chiếu rộng rãi. |
MINH PHONG
>> Đạo diễn phim Kong: Skull Island sẽ là Đại sứ du lịch của Việt Nam
>> Lữ hành quốc tế bắt đầu bán tour đến Việt Nam xem các điểm quay "Kong: Skull island"
>> Dàn sao "Kong: Skull island" quảng bá Việt Nam ra toàn cầu