Số lượng doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng và môi trường tăng mạnh trong những năm qua, theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), công bố tại hội thảo về nâng cao vai trò của đầu tư tư nhân đối với tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 diễn ra tại Hà Nội, ngày 3-11.
Phát biểu tại hội thảo, TS Hồ Công Hòa, Phó Trưởng ban, Ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội của CIEM cho biết, vai trò của doanh nghiệp ngoài nhà nước (DNNNN) trong lĩnh vực tăng trưởng xanh ngày càng quan trọng. Đơn cử, năm 2010, lĩnh vực NLTT (điện gió, mặt trời) chỉ có 1 DNNNN tham gia đầu tư, nhưng đến năm 2015 thì số lượng này đã lên đến 8 DN và năm 2019 là 379 DN. Tương tự trong lĩnh vực điện, thủy điện và điện khác năm 2010 có 68 DNNNN tham gia, nhưng 2015 là 178 DN và 2019 là 398 DN.
Tuy nhiên, quy mô dự án của các DNNNN tham gia vào lĩnh vực này còn rất khiêm tốn và doanh thu của các DNNNN tham gia vào lĩnh vực này không tương xứng với tiềm năng.
Đồng quan điểm, TS Michael Krakowski, Cố vấn trưởng của Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô, tăng trưởng xanh (Tổ chức Hợp tác phát triển Đức - GIZ) nhận định, việc thu hút nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng xanh tại Việt Nam chưa đạt kỳ vọng.
“Hiện tại, khó khăn lớn nhất của quá trình tăng trưởng xanh là nguồn vốn, và các vấn đề liên quan tới chính sách tài chính, tài khóa”, ông nói.
Để thu hút mọi nguồn lực đầu tư tư nhân tham gia đầu tư vào tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 nói chung, lĩnh vực NLTT, dịch vụ môi trường nói riêng, các chuyên gia nghiên cứu của CIEM cho rằng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhằm tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, nâng cao chất lượng khung pháp lý và năng lực thực hiện hiệu quả trong thực hiện chính sách.
Trong 8 nhóm giải pháp mà các chuyên gia CIEM khuyến nghị, đáng lưu ý là đề xuất áp dụng các công cụ kinh tế như phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh giúp các doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn tài chính xanh; thúc đẩy quá trình triển khai chính sách mua sắm công xanh; nghiên cứu khả năng áp dụng thuế carbon theo lộ trình phù hợp nhằm định hướng sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của xã hội trong tương lai.
Cũng theo hướng này, cần nghiên cứu ban hành các cơ chế thí điểm triển khai các dự án PPP (như thu gom và xử lý chất thải, cấp nước sạch…) có quy mô nhỏ hơn 200 tỷ đồng ở các vùng nông thôn, đô thị nhỏ làm cơ sở cho việc điều chỉnh bổ sung Luật PPP.
Bên cạnh đó là việc nâng cao trách nhiệm người gây ô nhiễm, ví dụ nâng mức phí bảo vệ môi trường nước thải hiện nay (10% giá nước sạch), đẩy nhanh thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng tạo sự công bằng theo đúng tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường.