Doanh nghiệp Việt đã có mặt ở 38 thị trường nước ngoài
Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2018, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm nhẹ so với năm trước đó, thì ngược lại, vốn đầu tư của DN Việt Nam ra nước ngoài lại tăng lên.
Cụ thể, tính đến thời điểm 20-12-2018, cả nước thu hút và cấp phép mới cho 3.046 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài với số vốn đăng ký đạt gần 18 tỷ USD, tăng 17,6% về số dự án nhưng giảm 15,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Về số dự án điều chỉnh tăng vốn cũng ghi nhận có sự sụt giảm khoảng 9,7% so với năm trước.
Riêng hoạt động góp vốn và mua cổ phần các DN trong nước của các nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận có khả quan hơn. Thống kê cho thấy, có 6.496 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào các DN Việt Nam, với tổng giá trị góp vốn là 9,89 tỷ USD, tăng 59,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó có 1.113 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của DN (với giá trị vốn góp là 4,25 tỷ USD) và 5.383 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ (với giá trị 5,64 tỷ USD).
Tính chung, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) năm 2018 đạt 432,2 triệu USD. Dẫn đầu thị trường thu hút vốn đầu tư của DN Việt Nam là Lào với 81,5 triệu USD, chiếm 18,9% tổng vốn đầu tư. Kế đến là Australia đạt 55,5 triệu USD, chiếm 12,8% và Mỹ đạt 53 triệu USD, chiếm 12,3%.
Ngoài ra còn có 35 quốc gia, vùng lãnh thổ khác đã có sự hiện diện đầu tư của DN Việt Nam. Các ngành đầu tư chính của DN Việt Nam tập trung chủ yếu là tài chính, ngân hàng đạt 105,8 triệu USD, chiếm 24,5% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 82,9 triệu USD, chiếm 19,2%; nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 52,3 triệu USD, chiếm 12,1% và công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 52,1 triệu USD, chiếm 12%...
Khó, nhưng vẫn làm!
Trong báo cáo tài chính mới nhất của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), tổng doanh thu quý 4-2018 của Vinamilk đạt 13.017 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.668 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.745 tỷ đồng, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Kết quả này một phần là nhờ hoạt động hiệu quả của các công ty con, công ty đầu tư ở ngoài nước, góp phần làm gia tăng lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước và tăng lợi nhuận hợp nhất. Trước đó, tập đoàn này sau một thời gian xuất khẩu sản phẩm qua thị trường Mỹ đã tiến hành mua và hiện đã sở hữu 100% nhà máy Driftwood tại bang California.
Ngoài ra, công ty này cũng đầu tư xây dựng hàng loạt nhà máy sản xuất chế biến sữa tại nhiều nước như Campuchia, New Zealand, Ba Lan. Các sản phẩm của công ty đã xuất khẩu đến 43 nước trên thế giới như Mỹ, Nhật, Australia, Thái Lan, Myanmar, Bangladesh, khu vực Trung Đông…
Trong một hướng tiếp cận khác, nhiều DN chọn cách chủ động cải tiến lại toàn bộ công nghệ, dây chuyền nhà máy sản xuất để đáp ứng rào cản tiêu chuẩn do các thị trường xuất khẩu dựng lên.
Đại diện Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood cho biết, ngay sau sự kiện hơn 700 DN trong nước bị ngưng xuất khẩu đột ngột vào thị trường Mỹ (do không đáp ứng quy định trong Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm), công ty đã chủ động làm việc với Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) để tìm hiểu nút thắt trên.
Kết quả sau thời gian làm việc, công ty đã chủ động đầu tư mới toàn bộ dây chuyền sản xuất sữa cho phép kiểm soát chặt chẽ thông tin, chất lượng sản phẩm từ khâu nguyên liệu đến khâu sản xuất, quá trình vận chuyển, hệ thống phân phối và đến tận tay người tiêu dùng.
Việc đầu tư này đòi hỏi công ty phải tính lại thực lực về vốn. Tuy nhiên, việc đầu tư mới này đã giúp công ty vượt qua rào cản kỹ thuật, rút ngắn khoảng cách tiếp cận thị trường cũng như duy trì ổn định kim ngạch xuất khẩu hàng vào Mỹ và các thị trường khó tính khác.
Một vấn đề quan trọng khác, cùng với nỗ lực của DN, Chính phủ cần tăng hiệu quả hoạt động xúc tiến tại thị trường nước ngoài. Trên thực tế, hiện chi phí chi cho hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm Việt ước khoảng 70 tỷ đồng - con số quá nhỏ để có thể xây dựng và quảng bá cho thương hiệu Việt tại thị trường thế giới.
Điều này cũng làm hạn chế không ít cơ hội tiếp cận thị trường của DN Việt, kể cả trong đầu tư lẫn xuất khẩu. Nhiều ý kiến DN còn lo ngại về khâu phân tích nhu cầu đầu tư và xu hướng tiêu dùng thị trường nước ngoài của các cơ quan có nhiệm vụ thông tin còn yếu, khiến DN trong nước phải tự tìm tòi để đầu tư. Do vậy, cần có giải pháp khắc phục sớm để giảm rủi ro đầu tư cũng như xuất khẩu của DN trong nước tại thị trường nước ngoài.
Ngoài ra, trong bối cảnh thế giới thắt chặt rào cản kỹ thuật, DN Việt cần phải tính toán kỹ việc tái đầu tư. Theo đó, cách tốt nhất vẫn nên chọn đầu tư mới, thay vì cải cách hoặc đầu tư chắp nối. Bởi cách đầu tư chắp nối vừa tốn chi phí, lại vừa tăng rủi ro cho quá trình xuất khẩu do không đảm bảo yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường và quan trọng là yếu tố truy xuất nguồn gốc - vốn đang được áp dụng phổ biến trên thế giới
Có thể thấy, DN trong nước đã có sự chủ động hơn trong cách tiếp cận và tiến công ra thị trường ngoài nước. Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, nhận định những kết quả đạt được còn khiêm tốn, nhưng đây sẽ là những đầu tàu tiên phong giúp các DN trong nước đột phá vào những thị trường khó tính, đồng thời tạo được lối mòn để giúp DN nội khác có cơ hội tăng khả năng xuất khẩu. |