Đến Tà Mên

Tà Mên nằm sâu giữa rừng già duy nhất còn sót lại ở Đakrông, Quảng Trị. Sau một ngày vất vả, tôi đã đến được nơi này.
Đến Tà Mên

Tà Mên nằm sâu giữa rừng già duy nhất còn sót lại ở Đakrông, Quảng Trị. Sau một ngày vất vả, tôi đã đến được nơi này.

Một góc bản Tà Mên.

Một góc bản Tà Mên.

Đường lên Tà Mên khó đi hơn sự mô tả của những người dân dưới chân núi. Chiếc xe máy gầm rú hết tốc lực mới vượt qua những tảng đá kềnh càng giữa con đường đèo dốc lởm chởm. Sau hơn một giờ vừa chạy, vừa đẩy xe, tôi cũng đến được trụ sở UBND xã Ba Nang. Bỏ xe máy lại đây, tôi bắt đầu hành trình cuốc bộ 12km đường rừng và cuối cùng cũng đến được Tà Mên.

Cách đây hơn 5 năm, đã có một dự án đầu tư hơn 50 tỷ đồng để khôi phục lại tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại nhằm mục đích phát triển du lịch, vừa phục vụ nhu cầu đi lại của người dân ở các bản Tà Mên, Cốc và Trầm của xã Ba Nang, huyện Đakrông cùng một số thôn bản của các xã Tà Long, Pa Tầng, huyện Hướng Hóa. Thời gian trôi qua, những ý tưởng trên đến nay vẫn chưa kịp thực hiện, chưa có một du khách nào có dịp tìm hiểu về lịch sử của con đường huyền thoại, hay ghé thăm những cánh rừng già phía Đông của dãy Trường Sơn, khám phá nét đẹp về phong tục tập quán của người Vân Kiều nơi đây.

Thôn Tà Mên có 74 hộ dân với gần 430 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Vân Kiều. Mặc dù giao thông cách trở, gần như tách biệt với thế giới bên ngoài, nhưng người Tà Mên với truyền thống cách mạng và ý chí tự lực tự cường đã biết vươn lên tìm cách thoát nghèo. “Trong những năm kháng chiến, người Tà Mên một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ đánh Mỹ. Từ người già cho đến trẻ con đều là chiến sĩ! Ngày nay, mặc dù điều kiện sản xuất còn nhiều khó khăn, người Tà Mên vẫn có thể vươn lên làm giàu”, già làng Vỗ Suốt tự hào cho biết.

Mô hình kinh tế của Pả Do (60 tuổi) là một trong những điển hình sản xuất giỏi ở thôn Tà Mên. Năm 18 tuổi anh lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Hoàn thành nghĩa vụ trở về quê hương, Pả Do luôn trăn trở làm sao phát triển kinh tế gia đình để có điều kiện chăm lo cho con cái học hành và giúp bà con dân bản. Năm 2006, Pả Do đã mạnh dạn vay 20 triệu đồng, tận dụng nguồn nước khe suối để đầu tư nuôi cá.

Pả Do chia sẻ: “Trước đây cuộc sống của gia đình mình rất khó khăn, do chỉ quanh quẩn với việc phát nương làm rẫy, nên cái đói nghèo cứ vây bủa quanh năm. Mình nghĩ muốn có thu nhập phải chuyển đổi cách làm ăn, không nên chỉ phụ thuộc cái nương cái rẫy. Năm 2006 mình thả đợt cá đầu tiên hơn 6.000 con, gồm cá rô phi, chép, trắm, mè... Cá rất chóng lớn, ngay vụ đầu đã thu lại đủ vốn đầu tư. Bây giờ, chỉ riêng việc nuôi cá mỗi năm gia đình mình cũng thu nhập gần 25 triệu đồng, nhờ vậy kinh tế gia đình ngày càng ổn định và có điều kiện chăm lo cho con cái học hành. Đứa con đầu của mình năm nay học năm thứ 3 Trường Đại học Sư phạm TPHCM đấy!”.

Cuộc sống của trẻ thơ bản Tà Mên vẫn còn tách biệt với thế giới bên ngoài.

Cuộc sống của trẻ thơ bản Tà Mên vẫn còn tách biệt với thế giới bên ngoài.

Cách nhà Pả Do tầm 500m, già làng Vỗ Suốt cũng là tấm gương tiêu biểu về ý chí vươn lên không cam chịu đói nghèo. Người dân Tà Mên nói rằng, Vỗ Suốt là người đầu tiên của bản làng từ bỏ các hủ tục lạc hậu, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đời sống, sản xuất. Già làng Vỗ Suốt tâm sự: “Mình là già làng nên phải làm gương để động viên nhắc nhở dân làng tập trung trồng cây ngô, cây sắn, nhất là lúa nước để chủ động nguồn lương thực tại chỗ, rồi phát triển chăn nuôi để xóa đói giảm nghèo”.

Ở Tà Mên gia đình nào cũng có ruộng để sản xuất, hộ làm nhiều lên tới 1ha, hộ ít cũng 5 sào. Chính cây lúa nước đã góp phần mang lại cuộc sống ổn định cho người dân và ngăn chặn có hiệu quả việc phá rừng làm nương rẫy. Hai năm trở lại đây, nắm bắt nhu cầu của thị trường, người dân Tà Mên đã mạnh dạn tập trung phát triển cây sắn. Từ cây sắn, nhiều gia đình ở đây đã thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.

Già làng Vỗ Suốt bấm đốt tay nhẩm tính, hiện Tà Mên có khoảng 12 hộ gia đình kinh tế phát triển khá, giỏi, trong các hộ như Pả Kê, Vỗ Dưn, Hồ Chung, Vỗ Thông, Pả Do… đã mua sắm được ti vi, xe máy, 100% con em trong độ tuổi được đến trường.

“Khát vọng lớn nhất của bà con dân bản bây giờ là có một con đường để dễ dàng hơn trong giao lưu với thế giới bên ngoài”, lời già Vỗ Suốt trầm ngâm bên bếp lửa, giữa thâm u núi rừng. Đêm Tà Mên yên ả đến nao lòng. Chỉ cách một quãng đường hơn 12km về trung tâm xã Ba Nang mà sao Tà Mên vẫn còn xa vời vợi!

Ngọc Uyên

Tin cùng chuyên mục