Tại cuộc họp với Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn (Báo Sài Gòn Giải Phóng), UBND tỉnh Quảng Trị đã quyết định chọn vị trí Bến Tắt thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh để xây dựng đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn. Đây là công trình tri ân thực hiện từ nguồn tài trợ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Ngôi đền sẽ được xây dựng trên đồi cao, trước mặt có cầu treo di tích lịch sử Bến Tắt, bên phải có dòng sông Bến Hải, bên trái là Nghĩa trang Trường Sơn, tạo thành một quần thể di tích lịch sử Trường Sơn có một không hai trên địa bàn Quảng Trị.
Cửa ngõ vào Nam
Sông Bến Hải từ thượng nguồn Trường Sơn đổ ra biển Cửa Tùng, một thời được sử dụng làm giới tuyến phân chia hai miền Nam - Bắc. Phía đồng bằng Vĩnh Linh, nơi có cầu Hiền Lương nổi tiếng, vốn chỉ là địa danh hành chính, có giá trị biểu tượng. Cửa ngõ huyết mạch từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam chính là vị trí Bến Tắt.
20 năm kháng chiến chống Mỹ giải phóng miền Nam, đã có hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ, hàng triệu tấn hàng hóa, vũ khí trang thiết bị vào chiến trường qua “cửa ngõ” này. Và để chặn đường hành quân của các chiến sĩ giải phóng, giặc Mỹ đã không kích, pháo kích, trút xuống mảnh đất này hàng chục ngàn tấn bom đạn.
Cầu treo Bến Tắt nối hai đầu con đường Trường Sơn cũ. Mùa hè, đầu nguồn sông Bến Hải hẹp lại như lòng suối nhỏ. Mùa lũ, nước dâng cao, các bến thuyền trong khu vực không thể vượt, chỉ một bến nhỏ bên sông đi được, danh từ Bến Tắt cũng xuất hiện từ đó.
Cuối năm 1972, binh trạm 12 của Binh đoàn Trường Sơn nhận nhiệm vụ giải phóng Quảng Trị đã lật cánh từ Tây Trường Sơn về Đông Trường Sơn chi viện lực lượng giải phóng Quảng Trị. Năm 1973, nhu cầu vận chuyển vũ khí, khí tài đạn dược nhằm chuẩn bị hậu cần cho những trận đánh lớn, Đoàn 559 đã xúc tiến xây dựng cầu Bến Tắt với sự giúp đỡ của chuyên gia Cuba.
Khoảng thời gian này, Bộ Chỉ huy Đoàn 559 cũng đã dời về đóng ở khu vực này. Tháng 11-1973, cầu thông xe với chiều dài 60m, rộng 6m. Trong hai năm 1974-1975, nhịp độ vận chuyển qua cầu tăng lên vượt bậc. Cầu treo Bến Tắt đã tạo điều kiện thuận lợi để đưa nhanh hàng hóa vũ khí, cơ động lực lượng tham gia chiến dịch mùa Xuân năm 1975, phục vụ chiến dịch 711 giải phóng Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên.
Bến Tắt thời đó như một yết hầu của bom đạn. Đã có hàng trăm ngàn tấn bom đạn trút xuống Bến Tắt hòng đánh sập cầu treo. Nhưng địch bắn ta lại sửa, lại xây dựng cây cầu mới để đảm bảo thông suốt mạch máu giao thông cho hoạt động chi viện miền Nam.
Bao nhiêu lượt rải thảm của B52 vẫn không thể xóa chiếc cầu treo. Nhiều chiến sĩ đã ngã xuống nhưng cầu treo vẫn thông suốt như dòng chảy của Bến Hải trút về đông. Cửa ngõ vào Nam vẫn vững vàng ngày đêm đến ngày toàn thắng. Năm 1986, Bến Tắt được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia trong hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh.
Bến Tắt ngày nay
Mười năm trước đến xã Vĩnh Trường, bên cầu Bến Tắt là một khung cảnh hoang sơ. Cả vùng đất hoang hóa, đầy sim mua cỏ dại, phóng ngút tầm mắt cũng chỉ nhìn được vài ba nóc nhà cùng ít vườn cây bạch đàn cằn cỗi. Nhưng hôm nay, Vĩnh Trường đã thật sự chuyển mình. 36 năm sau cuộc chiến, Bến Tắt có đại lộ tráng lệ đi qua, con đường tráng nhựa phẳng lì mở ra cho miền Tây Quảng Trị cơ hội phát triển. Cuộc sống người Vân Kiều cùng người Kinh đang khá lên thấy rõ.
Ông Hồ Văn Đá, Bí thư chi bộ thôn Gia Vòm (Vĩnh Trường), sống gần Bến Tắt nói: “Trước đây, cuộc sống người Vân Kiều, người Kinh trong vùng rất khó khăn. Nhưng nay, từ khi có đường nhựa tốt, bà con siêng năng làm ăn, biết tích lũy của cải, lương thực, phòng khi khó khăn”. Xã Vĩnh Trường có gần 10.000 dân, là vùng đất núi khó khăn, hơn 90% số dân người Vân Kiều.
Ông Hồ Văn Sâm, Chủ tịch xã nói: “Thời chiến tranh, người Vĩnh Trường ra vùng tự do. Sau hòa bình thống nhất, người Vân Kiều, người Kinh cùng về lại lập nghiệp, đến nay cuộc sống vẫn còn khó khăn, nhưng so với trước đã chuyển biến rất nhiều”.
Ông Sâm cho biết, kinh tế địa phương mỗi năm tăng trưởng 10%; người Vĩnh Trường chỉ có 30ha lúa nước, nhưng đất lâm nghiệp đến hơn 500ha. Chính nguồn đất này đã mở lối thoát nghèo cho người dân. Hầu như nhà nào cũng có trên 5ha rừng trồng các loại. Đó là “chìa khóa vàng” cho người Vân Kiều trong vùng làm ăn, phát triển cuộc sống.
Những năm gần đây, do lượng du khách đến thăm viếng Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn ngày càng đông nên có đến hơn 50% hộ gia đình làm thêm các dịch vụ phục vụ du khách.
Ông Hồ Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy xã nói: “Đường Trường Sơn đã giúp đánh thắng kẻ thù thì nay đường Trường Sơn đang giúp Vĩnh Trường vươn lên để học tập miền xuôi cho cuộc sống thoát nghèo. Xã hiện chưa có người giàu, nhưng với tinh thần cần cù, vượt khó, chắc chắn thời gian tới chúng tôi sẽ có”.
Ngôi đền tạc sử Trường Sơn
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính, đền tưởng niệm anh hùng liệt sĩ hy sinh trên đường Hồ Chí Minh phải được xây dựng ở vị trí xứng tầm tri ân và đồi Bến Tắt chính là nơi hội đủ nhất các điều kiện. Phía trước có sông Bến Hải, trên có cầu treo Bến Tắt đang được phục dựng, bên phải có hồ nước của Nghĩa trang Trường Sơn.
Hiện nay, Trung tâm Thiết kế quy hoạch tỉnh Quảng Trị đã hoàn tất bản thiết kế đền. Ngày khởi công dự kiến sẽ vào dịp 27-7-2011. Đền có 5 gian, thiết kế theo lối kiến trúc truyền thống thời Lý - Nguyễn, mái đao cong vút, cổng vào là bốn trụ biểu bằng đá nguyên khối. Chính đền có bức phù điêu bằng đá hoa cương, khắc tên các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên đường Trường Sơn.
Người dân địa phương kể, vào những ngày lễ trọng, nhiều người có cảm giác như nghe được tiếng quân đi rầm rập vào ban đêm, đôi khi còn có cả tiếng hát ở khu đồi Bến Tắt. Những cảm giác ấy có lẽ xuất phát từ tấm lòng của bà con với các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn năm xưa.
Đó cũng là nỗi trăn trở của những cựu chiến binh Trường Sơn hiện nay trước hàng ngàn liệt sĩ Trường Sơn còn chưa tìm thấy hài cốt. Vì thế, với Dự án Đền Bến Tắt, hy vọng tất cả chúng ta và những anh linh liệt sĩ Trường Sơn sẽ có một nơi chốn để tìm về, vọng bái.
Minh Phong