Đến với “Thủy tổ nhạc cụ”

Đến với “Thủy tổ nhạc cụ”

Bóng chiều dần cạn, đang trên đường trở về nhà trọ sau một ngày rong ruổi nơi xứ sở bốn bề rừng núi thâm u của thôn Nưa Thượng (xã Tân Lập huyện Thanh Sơn tỉnh Phú Thọ), bất chợt tôi nghe thấy những thanh âm vô cùng lạ lẫm.

Lần theo tiếng vọng ấy, một cảnh tượng chưa từng thấy đập vào mắt tôi: trên mảnh đất hẹp dưới mái hiên, một ông lão gầy gò ngồi say sưa gõ nhịp lên một sợi dây rừng căng trên mặt đất; thỉnh thoảng lại điểm nhịp vào hai ống nứa có những sợi dây cũng bằng cật nứa; cạnh đó là chú nhóc chừng 4 tuổi đang tròn xoe mắt nhìn và chăm chú lắng nghe.

  • Tác phẩm của binh lính đời Hùng Vương

Thì ra, ông lão người Mường tên là Đinh Văn Nhật ấy đang dỗ đứa cháu đích tôn bằng những âm thanh của một loại nhạc cụ độc đáo là… trống đất. Ông Nhật năm nay 59 tuổi, là con nhà nòi âm nhạc dân gian. Cụ thân sinh ra ông không chỉ là một kép chèo có tiếng trong vùng, mà còn kiêm luôn chân đánh trống, thổi kèn của phường bát âm xã Tân Lập.

7 tuổi, cậu bé Nhật đã được cha tận tình chỉ dạy các ngón nghề. Tất nhiên, ngoài những điệu trống, bài kèn đám hiếu, người cha cũng không quên dạy cậu con hiếu động cách làm và chơi trống đất - một nhạc cụ độc đáo của dân Mường xứ này. Vậy là, mỗi buổi đi chăn trâu, cắt cỏ, Nhật vẫn thường rủ đám trẻ mục đồng đào hố làm trống đất, rồi đánh và reo hò thích thú, vang cả đồng chiều.

Đến với “Thủy tổ nhạc cụ” ảnh 1

Làm hộp cộng hưởng của trống.

Bẵng đi ngót hai chục năm khoác áo lính, xông pha trận mạc suốt từ Bắc chí Nam; năm 1981 về quê thì lại bập ngay vào cuộc mưu sinh gian khó để cùng vợ nuôi mẹ già và 4 con thơ dại, mãi đến năm 1994, khi đình Nưa (thờ Thần núi Tản Viên) được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử văn hóa và cho khôi phục lễ hội, cùng với nhiều trò diễn xướng dân gian khác được địa phương khuyến khích phục dựng, ông Nhật mới làm hồi sinh trống đất…

Đã lâu lắm mới được gặp tri âm để khoe vốn quý tinh thần của mình nên mặc cho đất trời u ám, quên cả cơn đau thần kinh tọa đang hành hạ, lão nghệ nhân hào hứng giúp tôi tìm hiểu cặn kẽ về loại trống được xem là thủy tổ của nhạc cụ.

Cứ theo truyền thuyết thì trống đất có từ thời Hùng Vương. Chuyện rằng: Một lần, đoàn quân đi đánh trận trở về đến Nưa Thượng bèn hạ trại nghỉ ngơi và ăn mừng chiến thắng. Khi chặt tre nứa để dựng trại, do chinh chiến dài lâu, giết giặc nhiều nên đao kiếm của ai nấy đều đã cùn, sứt mẻ nên chặt ống nứa không đứt ngọt mà vẫn sót lại một vài thanh cật mỏng.

Vô tình, có người đi qua, chạm vào, thấy phát ra thanh âm là lạ: bòng banh, bòng bành… Thế là chiếc đàn toòng tửng ra đời. Rồi trong lúc quân lính đào đất chôn cọc dựng trại, thấy tiếng thậm thình vui tai vọng lên từ lòng đất, vậy là trống đất ra đời mang lại những âm thanh từng tưng, toòng từng. Rồi từ thú giải khuây, trống đất ngày một phát triển và góp mặt trong những buổi lễ trang trọng như: lễ tế cờ xuất quân, lễ mừng chiến thắng…

Ông Nhật bảo, không dưng mà đào đất và đánh trống là làm kinh động tới thổ thần; thế nên bao giờ thân chủ cũng phải sửa một cái lễ mọn. Nói đoạn, ông súng sính với khăn xếp, áo the, quần lụa. Tự tay dâng hương hoa nải quả, trầu, rượu lên chiếc bàn thờ đặt trước nhà, ông thành kính khấn vái. Sau đó, ông cắm phập từng nhát thuổng chắc nịch xuống khoảng đất mịn bên bờ ao.

Loáng cái, một hố rộng chừng 40cm, sâu 30cm, hình chum hiện ra. Ông lấy hai chiếc bẹ khô của cây bương, xếp tráo đầu đuôi lên miệng hố, dùng hai thanh tre cố định hai đầu cho khỏi tuột; thêm bốn thanh tre nẹp xung quanh mép hố rồi lại dùng bốn cọc tre nhỏ ghim thật chặt xuống đất để ép hai chiếc bẹ bương phẳng, trùm kín mặt hố tạo thành chiếc hộp cộng hưởng. Tiếp đến, ông đóng hai cành tre to như ngón tay cái, cách tâm trống chừng 1m về hai phía.

Dùng sợi dây rọ rọ (một loại cây dây leo sống tầm gửi trên những thân cổ thụ, tựa cây sắn dây nhưng thân có nhiều đốt và rất dai) gò thật chặt để kéo hai cành tre căng như hai cánh cung. Một sợi dây khác nhỏ hơn được câu từ tâm mặt trống lên gọi là dây rốn, tạo mặt trống thành hình vòm, nối lên và chia đoạn dây phía trên thành hai pha: bên dây ngắn, căng thì cho tiếng nhạc cao, bên dây dài, chùng thì phát ra tiếng trầm (âm bass); khi đánh vào sợi dây, ta được hai loại thanh bùng và binh nghe rộn rã.

Trống đất dễ làm (chỉ mất chừng 20 phút đã hoàn thành) nhưng quan trọng nhất là tất cả các yếu tố: vòm, hộp cộng hưởng, dây trống… phải có tỷ lệ hợp lý.

Chất lượng âm thanh của trống phát ra cũng tùy thuộc vào đôi tay của nghệ nhân. Cuộc trình diễn của trống đất sẽ thú vị hơn khi có sự góp mặt của tiếng đàn toòng tửng: róc tinh nứa (lớp ngoài cùng của cật) làm dây đàn, gắn với thân ống nứa bằng những chiếc nẫy như của đàn cò. Khi đánh vào, đàn sẽ phát ra những tiếng bòng banh ngồ ngộ. Ngoài ra nó còn có thể hợp cùng sáo và vài nhạc cụ cổ khác tạo thành một dàn hợp xướng rất đặc biệt.

Chỉnh lại chiếc khăn xếp cho ngay ngắn trên đầu, vuốt phẳng hai ống tay áo, lão nghệ nhân kéo chiếc ghế nhỏ, ngồi ngay ngắn trước chiếc trống đất; hai chiếc đàn toòng tửng đặt hai bên. Với hai chiếc dùi một bên tay phải, một nơi tay trái, ông nhịp nhàng đánh vào sợi dây rọ rọ. Những thanh âm trầm ấm như từ xa vắng vọng về vang lên . Lúc ông Nhật đánh dùi vào sợi dây, âm thanh nghe như tiếng đàn T’rưng.

Lúc ông uốn cong một trong hai cành tre, âm thanh nghe lại rền như tiếng đàn contrebasse và đanh, réo rắt như tiếng đàn tam thập lục khi ông đẩy cần trống ra xa. Đôi tay gầy guộc của ông mềm mại múa ba chiếc dùi, lúc đánh vào dây trống, khi đập vào đàn, tạo nên bữa tiệc âm thanh kỳ bí, mê đắm: hoặc sầm sập như sấm rền, giục giã như tiếng vó ngựa phi, hoặc như tiếng binh khí đập vào nhau chát chúa, rồi tiếng ngàn vạn quân sĩ hò reo mừng thắng trận…

Ông Nhật cho biết, âm thanh của trống đất phụ thuộc vào độ kín của mặt trống, chiều cao và độ dài của sợi dây cũng như chiều rộng và sâu của hố đất. Tiếng trống trong hay đục cũng còn phụ thuộc vào độ mịn, độ dẻo của đất.

Mặt trống làm bằng bẹ cây bương thì tốt hơn mo cau, đào thân trống càng sâu, rộng thì âm thanh càng hay, càng âm vang. Ngoài bản trống đu tiêu biểu, trống đất cùng với đàn toòng tửng còn được sử dụng rất rộng rãi, có thể đệm cho các buổi hát xoan, ghẹo, hát trống quân, hát chèo; cũng có thể dùng trống đất tỉa, đệm cho những bản nhạc hiện đại…

  • Một mai trống đất có còn?

Đến với “Thủy tổ nhạc cụ” ảnh 2

Trống đất khi hoàn thành có dây như đàn thế này đây.

Bên chén rượu nhạt mừng thành công của buổi trình diễn, ông Nhật vui vẻ lắm, luôn miệng nói cười về trống đất nhưng rồi cuối cùng lại ngao ngán thở dài cũng vì thứ di sản này. “Đấy, chú xem.

Làm một chiếc trống đất thì quá đơn giản và nhanh gọn nhưng thanh âm của nó thì độc đáo, sống động vô cùng. Thế mà cả cái xứ này, ngoài tôi ra, chẳng còn một ai biết làm mà chơi. Một mai, khi lão già này về hầu tiên tổ thì nhạc cụ độc đáo có từ hàng ngàn năm này chắc chắn cũng vĩnh viễn chìm sâu dưới ba tấc đất. Xót xa lắm!”.

Tìm hiểu thêm, tôi được biết, các anh Đinh Hữu Tự, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập, Đinh Văn Thông, cán bộ Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Thanh Sơn là những người rất tâm huyết khi giúp trống đất lần đầu tiên có một buổi diễn ra trò vào sáng mùng 10 tháng 3 Âm lịch năm Quý Mùi (11-4-2003).

Hôm ấy, trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh lộng gió và ngát hương, hàng ngàn quan khách thập phương về dự Lễ hội đền Hùng đã “mắt chữ O mồm chữ A” trước màn trình diễn đầy thú vị của nghệ nhân Đinh Văn Nhật: với đạo cụ chỉ là một chiếc hòm gỗ cũ kỹ đựng… toàn đất, cùng vài thanh nứa, chiếc bẹ bương và mấy sợi dây rừng mà ông lão khắc khổ ấy như nối được mối giao cảm thiên-địa-nhân.

Sau màn ra mắt thành công vang dội đó, Sở Văn hóa-Thông tin Phú Thọ cũng có ồ, à lên đôi chút nhưng rồi cũng chỉ dừng lại ở việc xin cái hòm đất đặc biệt ấy để trưng bày trong Bảo tàng Hùng Vương. Cũng có vài người yêu mến mà cất công tìm về tận xứ Nưa Thượng hẻo lánh để tìm gặp ông Nhật như hồi cuối năm 2003, cô Hoàn - sinh viên Nhạc viện Quốc gia Hà Nội - về nghiên cứu cả tháng trời để làm luận văn tốt nghiệp…, nhưng tất cả đến rồi đi như gió.

Ông Nhật và chiếc trống đất lại chìm trong cô quạnh. Còn trong buổi trò chuyện với người viết, ông Tạ Văn Ngọ, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Thanh Sơn ưu tư: “Chúng tôi vẫn biết trống đất là một đặc sản của người Mường xứ này nên cần được bảo tồn và phát triển.

Hiềm một nỗi, Thanh Sơn nói riêng và Phú Thọ nói chung có khá nhiều di sản văn hóa phi vật thể như hát xoan, gẹo, hát giang, hát ví…; tỉnh lại ưu tiên đầu tư cho hát xoan trước. Thế nên các di sản khác nói chung, trống đất nói riêng đành phải xếp hàng mà chờ…”.

Theo điều tra của chúng tôi, hiện trên đất nước ta, ngoài ông Đinh Văn Nhật, chỉ còn một nghệ nhân nữa biết làm và chơi trống đất. Ông tên là Phạm Tiến Sỹ, 83 tuổi, người làng Miêu Nha, xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế. Một nghệ thuật độc đáo như chơi trống đất mà trên cả nước chỉ còn hai nghệ nhân lưu giữ được thì quả là điều đáng tiếc!

Nỗi lo lắng của tôi về sự tuyệt diệt của thủy tổ nhạc cụ này càng nhân lên gấp bội khi tận mắt chứng kiến chuyện diễn ra ngay dưới nếp nhà sàn của nghệ nhân Đinh Văn Nhật. Chả là lúc làm trống đất, ông Nhật gọi cậu út Đinh Văn Binh ra đào giúp cái hố.

Đang đang phủ phục trên sàn nhà hý hoáy chép phao chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, cậu choai làu bàu: “Lại đào với chả bới!”. Tôi hỏi về trống đất - thứ gia bảo, Binh thủng thẳng đáp: “Học thì cũng làm được thôi. Nhưng anh biết tính thanh niên bọn em rồi còn gì, thích thú gì những thứ cổ lỗ sĩ ấy”. “Trong 4 anh chị em, chỉ mỗi em mê âm nhạc. Nhưng em chỉ ước được học để trở thành ca sĩ. Còn chơi trống đất như bố em ấy à? Có mà đói nhăn răng…”.

Tôi đắng lòng, liếc sang bên cạnh. Ông Nhật ngửa cổ, cố dốc cạn cả ly rượu đầy...  

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục