1. Thầy Nguyễn Nhựt Tân chia sẻ, trước khi đến với nghề giáo, bản thân thầy từng công tác tại Tòa án nhân dân huyện Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang). Năm 2006, vì muốn làm việc gần nhà để tiện chăm sóc gia đình, thầy xin chuyển công tác về Trường THCS Phan Văn Trị (huyện Phong Điền). Đến năm 2008, thầy Tân chuyển về giảng dạy bộ môn mỹ thuật tại Trường Tiểu học thị trấn Phong Điền 1.
Nhớ lại những ngày đầu làm giáo viên, thầy Tân chia sẻ: “Tôi không nghĩ mình sẽ gắn bó lâu dài với nghề giáo. Tuy nhiên, do thấy nhiều học sinh bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn, giao thông cách trở, tôi đến nhà động viên phụ huynh cố gắng để các em được đến trường. Dần dần, tôi thấy yêu nghề hơn, thấm thoắt đã 20 năm gắn bó với nghề”.
Tuy nhiên, lương giáo viên thời điểm đó khá chật vật để trang trải cuộc sống, muốn giúp đỡ nhiều người cũng khó. “Tôi vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ, gom góp lại để có một nguồn quỹ nhỏ hỗ trợ cho các em, dần dà giúp đỡ thêm những người già neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn”, thầy Tân kể.
Công việc thầm lặng của thầy Tân cứ vậy duy trì nhiều năm qua. Năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát, kinh tế khó khăn, thầy Tân lãnh thêm vé số để bán. Ít ai nghĩ rằng một người đàn ông với vẻ ngoài lịch sự, áo sơ mi “đóng thùng”, tay cầm cọc vé số mời khách từ quán ăn này đến hàng nước khác lại là một thầy giáo. Mỗi ngày, thầy Tân bán khoảng 200 tờ, khi bán hết thì lấy tiếp để bán. Những ngày nghỉ hoặc thứ bảy, chủ nhật có nhiều thời gian hơn, thầy bán khoảng 1.000 tờ. Số tiền lời kiếm được từ việc bán vé số, thầy Tân giữ lại để giúp đỡ cho nhiều hoàn cảnh khó khăn.
Là một trong nhiều người nhận được sự giúp đỡ từ thầy Tân, bà Huỳnh Kim Huệ (42 tuổi, ngụ ấp Tân Thuận, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền) vui mừng nói: “Tôi bị bệnh thận, cách 3 ngày phải chạy thận 1 lần, kéo dài suốt 15 năm qua, bản thân phải đi làm thuê nhưng số tiền lương ít ỏi không đủ trang trải cho sinh hoạt, thuốc men. Nhờ sự hỗ trợ của thầy Tân mà tôi đỡ khó khăn”.
Tương tự, ông Phạm Văn Hùng (57 tuổi, ngụ ấp Nhơn Phú A, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền) cầm 5 triệu đồng mà thầy Tân hỗ trợ, xúc động nói: “Tôi bán bánh mì dạo để kiếm sống, gần đây mắc bệnh loãng xương. Có nhiều ngày đau nhức quá phải ở nhà, bánh mì bán được ngày nào thì hay ngày đó, có khi còn lỗ vốn. Con cái cũng khó khăn nên không lo gì được cho mình. Nhờ thầy Tân giúp đỡ mà tôi thấy ấm lòng, cảm kích lắm. Với số tiền này, tôi sẽ trang trải chi phí thuốc men, làm vốn để bán mì kiếm sống”.
Bên cạnh đó, thầy Tân còn tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện như xây dựng cầu, đường, dặm vá ổ gà, tặng thuốc xông, chở người già yếu, bệnh tật đi điều trị bệnh miễn phí. Thầy Tân chia sẻ, hoạt động tình nguyện và từ thiện rất cần sự chung tay, góp sức của nhiều người. Vì vậy, thầy mong rằng sẽ có thêm thật nhiều nhà hảo tâm để góp phần làm cuộc sống này tươi đẹp hơn, những người nghèo không bị bỏ lại phía sau.
Nghĩa cử cao đẹp của thầy Tân đã được UBND huyện Phong Điền ghi nhận bằng nhiều bằng khen về công tác an sinh xã hội. Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) Lê Hoàng Dũng cho rằng, nghĩa cử của thầy Tân đã làm đẹp thêm hình ảnh người giáo viên, ngoài dạy học còn giúp đời.
2. Đến thôn Đồng Tâm (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) hỏi nhà bà Trần Thị Ánh Nguyệt (64 tuổi, thôn Đồng Tâm), nhiều người chỉ vào căn nhà đầy hoa nằm bên quốc lộ 19. Sở dĩ người dân biết rõ bởi bà Nguyệt nổi tiếng với tấm lòng thương người, hay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Tiếp chúng tôi tại căn nhà nhỏ, bà Nguyệt nói rằng, những việc thiện bà làm đều xuất phát từ cái tâm, xuyên suốt hàng chục năm nay, từ thời còn làm Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Trà (xã Bàu Cạn).
Theo bà Nguyệt, trước đây người dân có hoàn cảnh khó khăn hay tìm đến trường nhờ giúp đỡ gạo, thức ăn. Từ năm 2020 đến nay, mỗi tháng bà tặng 20 suất gạo (mỗi suất 10kg) cho 20 trường hợp tuổi già, neo đơn, khó khăn; đồng thời cấp dưỡng 2 cá nhân có hoàn cảnh hiểm nghèo và 1 cơ sở nuôi người tâm thần, tổng cộng 1,5 triệu đồng/tháng. Tiền làm từ thiện ngoài lấy từ lương hưu, phần khác do mạnh thường quân chung tay đóng góp.
“Trong xã hội còn rất nhiều người khốn khổ. Từng là trẻ mồ côi, nếm trải đủ thứ khó khăn trong cuộc đời, vì thế tôi thấu hiểu nỗi vất vả của người nghèo và muốn dành chút sức lực để giúp đỡ họ. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục công việc làm từ thiện, trong đó sẽ tăng suất gạo hỗ trợ hàng tháng”, bà Nguyệt nói.
Trong số hàng chục trường hợp được bà Nguyệt tặng gạo hàng tháng, có gia đình bà Hoàng Thị Ngọc Anh (thôn Bình An, xã Bàu Cạn). Vợ chồng bà Anh đã già, không thể làm thuê kiếm tiền, trong khi phải nuôi 2 người con bị câm, thiểu năng. “4 năm qua, mỗi tháng bà Nguyệt tặng gia đình tôi 10kg gạo, giúp gia đình tôi đỡ vất vả. Bà Nguyệt cũng hay đau ốm, khó khăn nhưng luôn muốn giúp người. Gia đình tôi biết ơn sự giúp đỡ của bà Nguyệt”, bà Anh bày tỏ.