Dệt may - Làm đến đâu hay đến đó!

Ngành công nghiệp phụ trợ vẫn luôn là một vấn đề nóng, đặt ra câu hỏi về chiến lược phát triển của các ngành công nghiệp tại Việt Nam. Công nghiệp phụ trợ dệt may - một ngành xuất khẩu (XK) chủ lực của Việt Nam, hiện vẫn còn rất “mù mờ” trong định hình chiến lược phát triển. Chúng ta đặt nhiều kỳ vọng vào những con số, sự gia tăng XK của dệt may khi tham gia vào các hiệp định thương mại song phương, đa phương sắp tới. Nhưng có lẽ, dệt may không phải là ngành mục tiêu cho dài hạn.
Dệt may - Làm đến đâu hay đến đó!

Ngành công nghiệp phụ trợ vẫn luôn là một vấn đề nóng, đặt ra câu hỏi về chiến lược phát triển của các ngành công nghiệp tại Việt Nam. Công nghiệp phụ trợ dệt may - một ngành xuất khẩu (XK) chủ lực của Việt Nam, hiện vẫn còn rất “mù mờ” trong định hình chiến lược phát triển. Chúng ta đặt nhiều kỳ vọng vào những con số, sự gia tăng XK của dệt may khi tham gia vào các hiệp định thương mại song phương, đa phương sắp tới. Nhưng có lẽ, dệt may không phải là ngành mục tiêu cho dài hạn.

Thời trang phải đi trước, dệt nhuộm theo sau!

Khi chính sách hạn ngạch (quota), chỉ tiêu giới hạn XK của nhiều chủng loại hàng dệt may vào các thị trường lớn như Mỹ, EU được xóa bỏ, giảm dần thì XK dệt may của Việt Nam đã bước vào một giai đoạn tăng trưởng nóng, với tăng trưởng XK hàng năm khoảng 25% - 30%/năm. Từ đây, dệt may đã trở thành một trong những ngành XK chủ lực, hàng đầu của Việt Nam trong suốt thời gian qua. Và việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho dệt may, để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm dần tỷ lệ nhập khẩu lên đến 70% của ngành đã được đặt ra. Việt Nam cũng đã thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.

Các DN và tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước cũng đã đẩy mạnh đầu tư lĩnh vực này. Tuy nhiên, sự đáp ứng của ngành phụ trợ trong nước không thể theo kịp nhu cầu tăng trưởng của dệt may XK. Và cho đến bây giờ, việc hoàn thành chuỗi sản xuất cho ngành công nghiệp dệt may tại Việt Nam vẫn chưa thể làm được.

Trong chuỗi sản xuất của ngành, từ trồng bông, xơ, kéo sợi, dệt, nhuộm, đến khâu hoàn tất (may), ngành phát triển và đáp ứng bị đứt đoạn. Hiện Việt Nam làm tốt công đoạn may, đáp ứng một phần kéo sợi, dệt. Bông xơ phải mua 98% từ nước ngoài. Công đoạn nhuộm - hoàn tất là một thách thức rất lớn mà các DN cũng như chuyên gia đều cho rằng đôi khi có tiền đầu tư vẫn không thể thực hiện được.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), đánh giá, để đầu tư, phát triển được công đoạn dệt, nhuộm không chỉ cần máy móc, nhà xưởng mà quan trọng nhất ở khâu này chính là con người để vận hành. Việc nắm bắt xu hướng màu sắc thời trang của thị trường và cả “bí quyết” trong sản xuất mới là yếu tố then chốt để ngành nhuộm phát triển. Với thế giới, những nơi có một ngành thời trang phát triển thì ngành nhuộm mới phát triển được.

Dệt may - Làm đến đâu hay đến đó! ảnh 1

Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Công ty CP May Sài Gòn 3.

Trong khi đó, chúng ta đều thấy rằng, thời trang tại thị trường nội địa của Việt Nam vẫn còn quá non trẻ, yếu kém luôn phải đi sau xu hướng thời trang thế giới, ít nhất phải 1 năm. Những mẫu thời trang, màu sắc tiêu thụ tại thị trường trong nước có thể đã được người tiêu dùng ở những kinh đô thời trang thế giới như Paris, London, New York… sử dụng từ 1 - 2 năm trước. Nếu các DN dệt nhuộm trong nước không thể nắm bắt được xu hướng màu thời trang cho thời gian tới như thế nào, thì chắc chắn sẽ thua lỗ khi sản xuất ra.

Ngược lại, nếu muốn sản xuất an toàn thì nguồn nguyên liệu không dồi dào, mẫu mã, màu sắc không thể cạnh tranh kịp với nguồn vải từ nước ngoài. Trung Quốc đã có một ngành công nghiệp phụ trợ đáp ứng tốt cho thị trường thời trang cả tại thị trường nội địa của họ và thế giới. Do vậy, hàng dệt may Trung Quốc đi cùng xu hướng thời trang thế giới và thực sự đã là một mối đe dọa, cạnh tranh lớn đó với thị trường thời trang nội địa của Việt Nam.

Không phải là mục tiêu dài hạn?!

Việt Nam đã đặt kỳ vọng rất lớn cho ngành dệt may khi tham gia vào các hiệp định thương mại song phương, đa phương với những thị trường lớn trên thế giới. Tuy nhiên, từ bài học phát triển dệt nhuộm ở Trung Quốc, chúng ta cũng không nên chọn con đường phát triển bằng mọi giá. Nếu đẩy mạnh phát triển công nghiệp dệt nhuộm cho dệt may, thuộc da cho da giày thì Việt Nam buộc phải chấp nhận sự ô nhiễm môi trường!

Ông Lê Trung Hải, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, từng chia sẻ, sự phát triển của ngành dệt may thế giới như đường đi của một cái chảo, từ miệng chảo cho đến đáy chảo. Và ngành dệt may đã bắt đầu từ các nước phát triển Anh, Pháp, rồi đến Nhật Bản, Hàn Quốc, chuyển sang Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Bangladesh… rồi chắc chắn sẽ có điểm đến mới ở một nơi nào khác kế tiếp và thời gian dịch chuyển nhanh hay chậm tùy vào tình hình kinh tế của mỗi nước.

Tại Việt Nam, dệt may là ngành sử dụng nhiều lao động nhưng giá trị mang lại không cao. Và theo quy luật của tiến trình phát triển kinh tế, Việt Nam đã và đang nhắm đến việc thu hút vào các ngành công nghệ cao, chất xám, giảm dần gia công... Do vậy, việc phát triển dệt may có thể không nằm trong mục tiêu lâu dài.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, ít nhất, trong khoảng 10-15 năm tới, dệt may vẫn là một ngành giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu XK của Việt Nam. Dệt may vẫn sẽ là một ngành ăn nên làm ra vì đó là những sản phẩm thiết yếu của cuộc sống, mọi người đều phải mặc quần áo, mặc theo mùa và theo thời trang. Và như vậy, dệt may VN cứ làm được đến đâu… hay đến đó!

MỸ HẠNH

Tin cùng chuyên mục