Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn, tăng trưởng xuất khẩu (XK) dệt may sẽ tăng mạnh nếu đạt được những thỏa thuận có lợi khi tham gia vào các tổ chức thương mại song phương, đa phương như TPP, FTA. Tất cả sự mong đợi này đều đòi hỏi một bài toán cần giải quyết, đó là dệt may Việt Nam phải làm chủ được chuỗi cung ứng trong nước. Quả thực, đây là bài toán khó mà trong gần 20 năm qua Việt Nam vẫn chưa giải được. Dù đầu tư chưa thể như mong đợi nhưng doanh nghiệp (DN) dệt may trong nước đang dần kết nối được chuỗi cung ứng này.
“Lép vế” trước doanh nghiệp FDI
Trong hơn 3.000 DN dệt may trên cả nước, số lượng DN dệt may có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chỉ chiếm khoảng 1/4 nhưng ngược lại DN FDI lại chiếm gần 3/4 tổng kim ngạch XK của ngành. DN dệt may Việt Nam không chỉ thua DN FDI về năng lực đầu tư mà còn thua thiệt rất nhiều trong cuộc cạnh tranh “công bằng”. Dường như DN FDI đã thống lĩnh ngành dệt may của Việt Nam, không chỉ ở mảng sản xuất, XK sản phẩm mà còn ở cả đầu tư cho chuỗi cung ứng tại chỗ để có thể tận dụng tốt các chính sách XK, đạt được lợi nhuận, giá trị gia tăng cao nhất. Theo đánh giá của các chuyên gia, với tăng trưởng XK dệt may đạt khoảng 18% hiện nay, tăng trưởng của DN trong nước đạt khoảng 8%-10% thì tăng trưởng của DN FDI cũng phải ở mức 30% trở lên. Các DN trong nước vẫn có tăng trưởng nhưng không thể đuổi kịp DN FDI và chính vì vậy mà khoảng cách này ngày càng xa hơn!
Qua báo cáo của các cơ quan thuế, hải quan đã cho thấy “chính sách chuyển giá”- mua đắt bán rẻ để tránh nghĩa vụ nộp thuế ở nhiều DN FDI đã thật sự là một vấn nạn, kẽ hở vẫn chưa có cách nào để hạn chế. DN FDI cùng lúc có thể điều khiển, “đá được cả 2 chân” trong và ngoài một cách hợp pháp?! Và đây chính là yếu tố không cân sức trong cuộc cạnh tranh của DN trong nước và DN FDI. Xét về nguồn lực đầu tư, giám đốc một DN dệt may tại TPHCM chia sẻ, lãi suất vay ngân hàng cho DN đầu tư ở các nước rất thấp, thậm chí mức lãi chỉ ở mức tượng trưng cho có. Tại Nhật Bản, mức lãi vay cho DN đầu tư chỉ ở mức 0,1%/năm, ở nhiều nước EU mức lãi vay chỉ 0,25%... Còn tại Việt Nam hiện nay, mức lãi vay thấp cũng phải 10%/năm. Thực tế, DN trong nước có tiềm lực vốn cũng không dám mạnh dạn đầu tư hết vì còn dự phòng cho phương án rủi ro. Đó là lý do vì sao để có được 1 triệu cọc sợi, DN trong nước phải mất khoảng 10 - 15 năm để đầu tư, nâng dần số lượng. Nhưng một DN FDI có thể đầu tư 1 triệu cọc sợi chỉ trong 1 năm!
Chính hạn chế trong nguồn lực đầu tư mà ngành dệt may trong nước vẫn chưa thoát được “kiếp” gia công! Dù chúng ta có vui khi tỷ lệ sản xuất hàng FOB (mua đứt, bán đoạn) ở nhiều DN lớn đang tăng lên nhưng thực tế đó cũng chỉ là FOB tương đối theo kiểu gia công giá cao vì nhà nhập khẩu vẫn chỉ định giá mua và nơi mua nguyên liệu; nhà nhập khẩu “bảo lãnh” để DN trong nước mua hàng nợ, trả tiền sau khi nhận hàng…
Vinatex - kết nối điểm gãy chuỗi cung ứng
Muốn thoát cảnh gia công, khỏi ấm ức trong cuộc đua không cân sức với DN FDI, bắt buộc dệt may trong nước phải kết nối được chuỗi cung ứng tại chỗ từ bông, xơ, kéo sợi, dệt, nhuộm đến cắt may. Ngành dệt may trong nước đang bị gãy đứt ở khâu dệt nhuộm và đây vẫn được xem là điểm yếu nhất mà chúng ta phải rất khổ sở trong các cuộc đàm phán thương mại để mở đường XK dệt may vào các nước.
Với vai trò là DN đầu ngành, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã và đang đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp phụ trợ, có thể kết nối được chỗ gãy trong chuỗi cung ứng này. Với những khó khăn được nhìn thấy, Vinatex hy vọng sẽ hình thành một chuỗi cung ứng thật sự cho ngành và trước hết phục vụ cho nhu cầu sản xuất của các DN thành viên trong khối.
Ông Lê Trung Hải, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, chia sẻ, trước đây do điều kiện khó khăn nên khi đầu tư một nhà máy chúng ta mong muốn làm rất nhiều sản phẩm trong cùng một nhà máy. Điều này có ưu thế là đáp ứng được ngay lập tức nhiều mặt hàng nhưng đó cũng là nhược điểm, vì chất lượng mặt hàng chưa thật sâu và cao. Khi khách hàng đặt ra yêu cầu chất lượng hơn thì hệ thống sản xuất đa ngành như trên không phù hợp. Theo yêu cầu, đến thời điểm này, các nhà máy sợi của tập đoàn không còn cảnh một nhà máy kéo nhiều loại sợi mà đã chuyên môn hóa hết, một nhà máy sẽ sản xuất chuyên một loại sợi riêng biệt.
Vinatex đang hướng đầu tư vào những sản phẩm tạo ra giá trị cao hơn. Ngoài 2 mặt hàng thông dụng là áo sơ mi và quần tây thì hiện mặt hàng chủ lực mà tập đoàn đang phát triển nhất và sẽ hình thành sớm trong tương lai, đó là vải kẻ. Vinatex sẽ đầu tư xây dựng 2 nhà máy, trong đó 1 ở phía Nam và 1 ở phía Bắc để sản xuất mặt hàng này. Để phục vụ cho sản xuất vải kẻ thì cần có 1 nhà máy sợi chuyên biệt, 1 nhà máy dệt cho chuỗi cung ứng này. Dự án thứ 2 là dự án sản xuất vải len và pha len để phục vụ sản xuất cho veston, dự định đặt ở phía Nam trước, sau đó sẽ mở rộng ra phía Bắc. Dự án thứ 3 là củng cố và phát triển vải ka ki để chuyên môn hóa. Một nhà máy có sợi, có dệt, có hoàn tất, tập trung ở vùng phía Bắc để sản xuất 2 triệu mét vải/tháng, cung ứng cho hoạt động của tập đoàn trong tương lai. Vinatex xác định, chỉ có chuyên môn hóa, mới có thể vượt qua được ngưỡng chất lượng yêu cầu đặt ra và giá cả tốt mới cạnh tranh được trong tương lai.
MỸ HẠNH