Tại Diễn đàn kinh tế Mùa thu 2013 vừa diễn ra, các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam nhận định, kinh tế của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn. Bức tranh kinh tế Việt Nam chưa thể chắc chắn sáng hơn khi mà các ngành hàng xuất khẩu (XK) hàng đầu của Việt Nam như dệt may đang phải đối mặt với sức ép cạnh tranh với các nước.
Sức ép cạnh tranh giá rẻ
Ngành dệt may đang bước vào mùa cao điểm XK, giá trị kim ngạch XK của những tháng cuối năm sẽ cao hơn so với những tháng đầu năm. Và đây được xem là giai đoạn then chốt cho các chỉ tiêu XK của cả năm cũng như nắm bắt được tình hình thị trường, đơn hàng sản xuất cho năm sau. Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch XK dệt may tính riêng trong tháng 8-2013 đạt gần 1,8 tỷ USD, giảm 1% so với tháng 7-2013. Tuy nhiên, tổng kim ngạch XK trong 8 tháng vẫn tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2012, đạt khoảng 11,45 tỷ USD. Trong đó, 3 thị trường lớn của dệt may Việt Nam chiếm tới 78% tổng thị phần XK; dệt may XK vào thị trường Mỹ đạt hơn 5,6 tỷ USD, tăng gần 14%; thị trường EU đạt gần 1,8 tỷ USD, tăng 7,8%; Nhật Bản đạt hơn 1,5 tỷ USD, tăng hơn 19%. Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), với việc vượt mục tiêu tăng trưởng hơn 12% mà ngành đặt ra cho năm 2013 thì chắc chắn tổng kim ngạch XK cả năm 2013 của ngành dệt may sẽ vượt 19 tỷ USD.
Tuy nhiên, với diễn biến của thị trường, nhiều DN dệt may đang lo lắng, đà tăng trưởng XK của dệt may sẽ gặp khó khăn hơn trong năm 2014. Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam nhận xét, tại thời điểm này, dấu hiệu thị trường cho thấy, dệt may Việt Nam đang đứng trước sức ép cạnh tranh lớn từ các đối thủ trong khu vực về giá bán, đặc biệt là với Bangladesh. Tăng trưởng XK của Bangladesh trong những tháng gần đây rất mạnh, đạt trên 17% so với cùng kỳ năm 2012. Bangladesh có sức cạnh tranh hơn với thị trường Việt Nam cả về giá nhân công và giá bán. Do cung ứng được một phần nguồn nguyên phụ liệu trong nước nên giá bán của dệt may Bangladesh rẻ hơn Việt Nam. Hơn nữa, giá nhân công tại thị trường này cũng khá rẻ, so với mức bình quân 200 - 300 USD/người/tháng của Việt Nam hiện nay thì giá nhân công tại đây chỉ khoảng 70 - 100 USD/người/tháng.
Tham gia chuyến khảo sát của Hội Dệt May - Thêu đan TPHCM tại Campuchia mới đây, ông Phùng Đình Ngọ, Giám đốc Công ty May Bình Hòa, cho biết, với lợi thế được hưởng ưu đãi tối huệ quốc, với mức thuế XK bằng 0% dành cho các nước nghèo, hiện có rất nhiều DN của lãnh thổ Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư sản xuất dệt may vào Campuchia. Hiện dệt may đã trở thành ngành hàng xuất khẩu hàng đầu tại đất nước này. Giá nhân công dệt may tại Campuchia hiện ở mức 70 USD/tháng cũng là yếu tố thu hút nhà đầu tư và nhà nhập khẩu đến đây. Xét về tay nghề và năng suất lao động thì Việt Nam vẫn được đánh giá cao hơn, tuy nhiên, với mức thuế XK trung bình hơn 10% từ thị trường Việt Nam và một bên là thuế suất 0% cộng với giá nhân công rẻ đang là yếu tố mà các nhà nhập khẩu cân nhắc để quyết định đặt hàng ở đâu để có lợi nhất.
TPP là miếng bánh ngon, nhưng…
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã trở thành một đề tài nóng trong thời gian gần đây. Với TPP - dệt may Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng vào đây với hy vọng sẽ có bước đột phá XK ở thị trường này. Đến nay, sau nhiều cuộc đàm phán, những thuận lợi, bất lợi được nêu ra, cả dự báo về thời gian TPP sẽ chính thức có hiệu lực ở một thời gian gần. Nhưng tại thời điểm này vẫn chưa có gì chắc chắn để khẳng định dệt may Việt Nam đã thật sự có được thuận lợi khi XK vào thị trường này.
Ông Phạm Xuân Hồng cho rằng, “TPP đang là miếng bánh ngon nhưng có thể khi mở ra sẽ ăn không được”. Theo dự báo, cuối năm 2014 sẽ ký kết hiệp định và TPP có hiệu lực ngay, mà không có lộ trình thực hiện ưu đãi thì dệt may Việt Nam sẽ không được lợi gì. Vì hiện nay, vấn đề sợi - dệt - nhuộm đang là điểm yếu lớn nhất của ngành công nghiệp phụ trợ dệt may trong nước. Nếu DN dệt nhuộm trong nước cung ứng được nguyên phụ liệu thì chất lượng đòi hỏi cũng phải đáp ứng được cho XK. Nếu không đáp ứng được, phải nhập khẩu từ nước ngoài mà hầu hết là từ các nước không nằm trong khối TPP thì xem như không được hưởng lợi gì cả.
Sự lo lắng của các doanh nghiệp là điều có cơ sở. Tuy nhiên, nhiều DN dệt may cũng cho rằng, những yêu cầu, áp lực từ TPP cũng sẽ là động lực để DN trong nước cải thiện mình. Và hơn hết, chính áp lực về yêu cầu xuất xứ, việc phải sử dụng nguồn nguyên phụ liệu trong nước sản xuất, phục vụ XK thì Nhà nước phải có chính sách mới, đủ để thu hút, lôi kéo DN trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm. Có vậy thì TPP và các hiệp định thương mại khác mới thật sự là “miếng bánh ngon” của ngành dệt may Việt Nam.
MỸ HẠNH