Dệt may trước sức ép thị trường

Cạnh tranh đang ngày một khốc liệt khiến ngành dệt may “làm nhiều hưởng chẳng bao nhiêu”. Vì vậy, việc khai thác triệt để hiệu suất trang thiết bị, đặc biệt áp dụng hiệu quả công nghiệp 4.0, song song với mở rộng thị trường nhằm giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh đang là giải pháp cấp bách cho ngành dệt may. 

 

 

Dệt may trước sức ép thị trường
Làm nhiều hưởng ít

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), những tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của ngành có sự tăng trưởng khá tốt, gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 19,8 tỷ USD. Hiện kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 51% thị phần. Với kết quả này, cùng chiều hướng thuận lợi của vài tháng còn lại trong năm, dự báo kim ngạch xuất khẩu của ngành có thể đạt 30,5 tỷ USD trong năm 2017, cao hơn nhiều so với năm ngoái (năm 2016, kim ngạch xuất khẩu đạt 28,1 tỷ USD). “Để có được kết quả này, từ đầu năm tới nay, cả ngành dệt may đã dồn toàn bộ sức lực để mở rộng thị trường, tìm kiếm thêm nhiều đơn hàng mới”, Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang cho biết.

Theo các doanh nghiệp dệt may, mặc dù đã nỗ lực tìm kiếm thêm đơn hàng mới nhưng tỷ giá trong nước và nhu cầu nhập khẩu của các thị trường truyền thống có sự sụt giảm đáng kể, đang là lực cản khiến doanh nghiệp làm nhiều nhưng hưởng chẳng bao nhiêu. Cụ thể, thời gian qua, trong khi các đồng tiền thế giới đều điều chỉnh tăng 15% - 17%, nhưng tỷ giá đồng VN chỉ điều chỉnh 1% -2% khiến giá dệt may trở nên đắt đỏ và khó cạnh tranh được với hàng của Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia… Trong khi đó, các thị trường dệt may truyền thống liên tục gây sức ép, đòi doanh nghiệp phải giảm giá. Chính điều này dẫn đến đơn hàng dệt may tuy vẫn đảm bảo số lượng, nhưng kim ngạch không tăng, thậm chí lại giảm. Phó Tổng giám đốc Công ty May 10 Thân Đức Việt vừa có chuyến khảo sát thị trường Nhật Bản trở về cho biết, các thị trường đều gây sức ép hạ giá nên tình hình kim ngạch xuất khẩu của May 10 năm nay chưa đạt như kỳ vọng. “Khó cho doanh nghiệp là phải cân đối chi phí đầu vào để giảm giá cho nhà nhập khẩu. Và hướng hạ giá chắc chắn chưa dừng lại. Do đó, nếu không có kinh nghiệm điều hành sản xuất, doanh nghiệp sẽ rất khó trở tay”, ông Việt chia sẻ. Điều các doanh nghiệp dệt may lo ngại nữa là nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường đang giảm. Đơn cử, thị trường Mỹ giảm gần 1%, châu Âu giảm hơn 2%, Nhật Bản giảm 0,6%. 

Ngoài ra, còn bị những ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách bảo hộ mậu dịch của chính quyền Mỹ cộng với sự điều chỉnh tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Bên cạnh đó, có khả năng các quốc gia cạnh tranh xuất khẩu với Việt Nam sẽ tiếp tục phá giá đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2017. Vấn đề này sẽ càng tác động tiêu cực, gây khó khăn thêm cho doanh nghiệp dệt may trong nước. “Khó khăn hiện nay đối với các doanh nghiệp dệt may, ngoài việc thị trường thế giới bất ổn, các hiệp định thương mại quan trọng chưa được thực thi hoặc rút mất, thì còn chính sách tiền lương đang tạo nên rào cản lớn nhất từ trước đến nay, cùng với sự biến động khốc liệt của lực lượng lao động. Ngoài ra, tỷ giá nội tệ bị kiềm chế cũng khiến sức cạnh tranh của doanh nghiệp dệt may sụt giảm”, đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) phân tích. 

Tăng hiệu suất lao động

Trên thực tế, không phải đến bây giờ mà từ thời điểm Việt Nam gia nhập AFTA, các doanh nghiệp dệt may phải liên tục cạnh tranh khốc liệt với nhiều đối tác. Ngay trong Vinatex, các đơn vị thành viên cũng đã phải chịu sức ép cạnh tranh với nhau, bên cạnh một số doanh nghiệp FDI hay đơn vị tiềm lực lớn. Bởi vậy, trong bối cảnh hiện nay buộc ngành dệt may phải tăng tốc, kể cả ký các hợp đồng nhỏ lẻ để mang về kim ngạch. Lâu nay, các nước ASEAN, về cơ bản có nhiều doanh nghiệp dệt may đến từ châu Á, châu Âu đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại để gia công tiêu thụ nội địa và tận dụng lao động giá rẻ để tái xuất. Vì vậy, không còn con đường nào khác, các doanh nghiệp dệt may ở Việt Nam phải tăng cường tìm kiếm thị trường ngoài ASEAN. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần tiếp tục củng cố và khai thác vị thế là nước có thị phần lớn tại Mỹ, EU và Nhật Bản nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng. Một thị trường mà doanh nghiệp nhận được nhiều tín hiệu thuận lợi, được khuyến cáo tiếp tục khai thác mạnh trong thời gian tới là khối các thị trường thuộc Liên minh Kinh tế Á-Âu; đặc biệt, thị trường Nga đã tăng hơn 100% trong những  tháng đầu năm. Bên cạnh đó, thị trường Hàn Quốc vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tiếp tục là địa bàn lớn cho các doanh nghiệp khai thác triệt để đơn hàng với thuận lợi đến từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc đã có hiệu lực. 

Đáng chú ý, trước xu hướng đơn hàng ngày một ngắn và giá không tăng, các doanh nghiệp  ngành dệt may được khuyến cáo cần khai thác triệt để hiệu suất của trang thiết bị đã và đang đầu tư; đặc biệt, áp dụng hiệu quả công nghiệp 4.0 nhằm giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh. Theo Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường, với ngành sử dụng nhiều lao động đơn giản như dệt may, việc áp dụng công nghiệp 4.0 sẽ rất quan trọng với nhiều cơ hội mới, nếu sớm được triển khai sâu rộng. Việc áp dụng tự động hóa, robot và sử dụng các dữ liệu lớn có khả năng tăng năng suất theo cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng. Việc sử dụng công nghệ mới sẽ giúp năng suất lao động tăng và sử dụng ít lao động hơn; nhờ đó, khoảng cách về chi phí lao động trong một sản phẩm giữa các quốc gia đang phát triển và phát triển sẽ ngày càng thu hẹp. “Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là cơ hội cho sự chuyển mình của ngành công nghiệp dệt may, nhưng cũng tiềm ẩn những thách thức không nhỏ trong vấn đề đầu tư, tái cơ cấu và lao động. Việc lựa chọn hướng đi nào sẽ phụ thuộc vào cách mỗi doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ và xác định rõ tiềm lực bản thân để lựa chọn đường đi hiệu quả nhất”, đại diện Vinatex nói.

Tin cùng chuyên mục