Dì Bảy Huệ và những ân tình để lại

Ngày thứ hai trong lễ viếng dì Bảy Huệ, dòng người tới viếng ai nấy mang theo những kỷ niệm đẹp, những ân tình trọn đời không quên của người bà, người cô, người dì.  

Ngày 8-6, lễ viếng đồng chí Ngô Thị Huệ (Bảy Huệ) - cán bộ lão thành cách mạng, đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III, IV, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Long, nguyên Thường vụ Thành ủy Sài Gòn, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý cán bộ - Ban Tổ chức Trung ương, phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, huy hiệu 85 năm tuổi Đảng tiếp tục diễn ra trọng thể tại Nhà tang lễ quốc gia phía Nam (quận Gò Vấp, TPHCM).

Dì Bảy Huệ và những ân tình để lại ảnh 1 Đoàn Chính phủ viếng tang lễ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Làm sao giúp được nhiều người

Có mặt trong đoàn của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM tới viếng tang, nghệ sĩ Kim Cương bày tỏ niềm hạnh phúc khi được làm việc với Dì Bảy hơn 30 năm, kể từ ngày Hội thành lập. “30 năm ấy, tôi học được ở dì rất nhiều, nhất là tấm lòng độ lượng, giản dị, thương người, không đặt cái tôi lên trên".

Dì Bảy Huệ và những ân tình để lại ảnh 2 Đại tướng Lê Hồng Anh chia buồn với thân nhân. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM Trần Thành Long, kể lại: Năm 2009, khi ông còn công tác ở Uỷ ban MTTQ TPHCM, dì Bảy đã qua “xin” ông về làm công tác Hội.

“Tôi băn khoăn dữ lắm. Trong hội nhiều vị có chức bậc cao, mà dì lại chọn tôi, tôi ngại lắm”, ông nhớ lại. Nhưng dì Bảy là cán bộ tổ chức, rất kinh nghiệm trong việc lựa chọn cán bộ. Dì nói mỗi người đều có ưu điểm nhược điểm, có thể phù hợp với việc này nhưng lại không phù hợp với việc kia, nên dì mới kêu ông về. Và ông gắn bó với Hội từ đó tới nay, là 13 năm.

13 năm ấy cũng là thời gian mà sức khỏe không cho phép dì Bảy tiếp tục tham gia trực tiếp vào công tác Hội. Nhưng cái tên của dì, với tấm lòng và uy tín của mình như một sự bảo chứng, để rồi những nguồn tài trợ cho Hội vẫn tiếp tục tin tưởng và đóng góp cho bệnh nhân nghèo. Có người bền bỉ ủng hộ số tiền nhiều tỷ đồng, nhưng âm thầm không xuất hiện, không mong cầu một sự ghi ơn.

Theo ông Trần Thành Long, những chương trình dì Bảy tâm huyết nhất, có thể kể đến việc đem lại ánh sáng cho người già bị đục thủy tinh thể, bởi dì thương người già mà không thấy đường thì khổ lắm. Dì cũng quan tâm đến mổ tim cho trẻ em bị tim bẩm sinh.

Chương trình mổ tim ban đầu đưa ra gặp không ít những băn khoăn. Kinh phí thì lớn, mà chỉ Viện Tim có thể mổ được. Liệu rồi Hội có làm được không? Vậy mà nhờ sự quyết tâm, bền chí của dì Bảy cùng những bậc tiền bối lúc bấy giờ mà chương trình đã được ra đời, giúp được cho rất nhiều trẻ em khỏe mạnh, vơi đi nhiều phần bệnh tật. Cũng như khi Hội ra đời, lãnh đạo TPHCM cũng băn khoăn, lo không biết có làm được hay không.

“Từ những bước đầu như thế, đến khi tôi về thì Hội đã thành một đơn vị anh hùng rồi. Là người tiếp nối, tôi ráng hết sức để không phụ lòng dì, phát huy các chương trình, không để cho mai một”, ông Trần Thành Long trải lòng. Đến tiễn biệt dì Bảy, ông bồi hồi: “Xin dì yên tâm, mọi việc đều theo lời dì dặn dò”.

Lời dặn ấy, là làm sao giúp được nhiều người.

Không thể nào quên

Những ân tình mà bà Bảy Huệ để lại, như những người trong cuộc chia sẻ, là khó mà đong đếm được. Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến khi nhắc về kỷ niệm mấy chục năm trước còn trào nước mắt. Ấy là khi bà làm Thứ trưởng, rồi Bộ trưởng Bộ Y tế, cô Bảy Huệ dặn dò rất thân tình: Mình là Đảng viên, phải làm việc hết lòng, thương yêu người bệnh, thương yêu nhân dân, giúp đỡ cho mọi người. Bà Trung Chiến nói: “Tôi nhận thức được đó là lời dặn dò của một người cô, người thầy, người đồng chí đã trải nghiệm cả cuộc đời, qua bao thăng trầm của cuộc đời, của đất nước, dặn dò với thế hệ trẻ, thế hệ nối tiếp cha anh của mình”.

Những học sinh miền Nam cũng sẽ không thể nào quên “người mẹ của bao đứa con miền Nam tập kết ra học tập trên đất bắc những ngày chiến tranh”, như ông Phan Xuân Biên. Hay ông Lê Thái Hỷ tới tận bây giờ vẫn nhớ mãi hình ảnh dì Bảy qua trường học sinh miền Nam để thăm, rồi chăm lo cho đàn con của bà Duy Liên khi bà trở vào Nam, đưa đi chữa đau mắt. “Vô cùng nhớ và thương Bảy của chúng con”, ông Hỷ viết trong sổ tang.

Cũng trong sổ tang, có mấy dòng chữ giản dị: “Bác bảy Huệ kính mến, cháu là Khải, con của cố Dược sĩ Trần Văn Luân nguyên đại biểu Quốc hội khóa I, Chủ tịch tỉnh Rạch Giá. Cháu vô cùng biết ơn bác Bảy đã tận tình giúp đỡ gia đình cháu khi cháu gặp khó khăn, cháu không bao giờ quên. Cháu, PGS.TS Trần Văn Khải”.

Cái ân tình ấy còn là sự dắt dìu vô tư ấm áp mà bà Bảy Huệ cùng người bạn đời là đồng chí Mười Cúc – Nguyễn Văn Linh dành cho những thế hệ sau trong tranh đấu lẫn cuộc sống hòa bình. Thay mặt Ban chủ nhiệm CLB truyền thống Thành đoàn, bà Trương Mỹ Lệ nhắc nhớ ngày nào được dì Bảy và chú Linh dìu dắt, hướng dẫn trong công tác cán bộ, trong công tác đấu tranh thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, “chúng cháu được cô chú thương yêu dìu dắt che chở đùm bọc. Chúng cháu luôn nhớ ơn và nêu gương cô chú trong công tác, học tập”.

Và, như người cháu tên Hồ Xuân Nguyên hồi tưởng, ngày đầu gặp dì Bảy ở Tôn Đản khi mới ra Hà Nội, cho đến nay đã 60 năm trôi qua. Hơn nửa thế kỷ, dì vẫn luôn theo sát, giúp đỡ động viên các cháu. “Công ơn của dì và dượng chúng cháu ghi nhớ suốt đời và luôn cố gắng học tập, công tác để dì dượng vui lòng”.

Là một người ở thế hệ đi sau, từng vinh dự được viết về dì Bảy trên các báo, Nhà báo Nguyễn Thế Thanh bồi hồi khi đến tiễn đưa dì: Dì đã sống cuộc đời 105 tuổi trên thế gian đầy sóng gió này, bằng sự tử tế hết mực của một con người, sự kiên trung của một chiến sĩ cách mạng, sự bao dung của một người đồng đội, đồng chí, sự nghĩa tình chu đáo của một người dì, người chị, của các em các cháu dù không máu mủ ruột rà với dì.

“Nhớ dì Bảy là nhớ những lúc tận tâm lo lắng cho sự nghiệp chung, không toan tính công lao, hơn thiệt. Nhớ dì Bảy là nhớ cuộc sống giản dị, trong sạch dù ở bất cứ khúc quanh nào của cuộc đời, ở đỉnh cao vị trí xã hội hay khi chỉ là một thường dân. Tụi con học ở dì những điều bình thường, đẹp đẽ ấy nhưng không dễ dì ơi. Vĩnh biệt dì, người phụ nữ sống đẹp như một bông hoa huê ngát hương…”, nhà báo Thế Thanh ghi.

Cũng trong hai ngày 7 và 8-6, nhiều đoàn, nhiều gia đình, cá nhân đã tới viếng bà Bảy Huệ. Từ tỉnh Vĩnh Long, đoàn viếng tỏ bày mãi nhớ về đồng chí Bảy Huệ đã kiên cường bám đất bám dân trong chiến đấu ở Vĩnh Long, đến khi đã nghỉ hưu mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng đồng chí vẫn dành tình cảm về thăm, góp ý cho đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long nhiều điều.

Đoàn lãnh đạo huyện Bình Chánh lên viếng với niềm tự hào có Vườn Thơm - Bà Vụ là nơi diễn ra hôn lễ của cô Bảy Huệ và cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, mảnh đất từng được đón cô Bảy và cố Tổng Bí thư về thăm…

Ngày mai (9-6), lễ truy điệu đồng chí Ngô Thị Huệ sẽ diễn ra lúc 8 giờ sáng, sau đó là lễ an táng tại Nghĩa trang TPHCM.

Dẫn đầu đoàn Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ lòng thương tiếc: “Cô đã đi xa nhưng tấm gương phấn đấu hy sinh, cống hiến cùng tình cảm, kỷ niệm tốt đẹp còn mãi mãi”. Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành cũng gửi vòng hoa viếng và chia buồn cùng gia quyến. 

Dì Bảy Huệ và những ân tình để lại ảnh 3 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi sổ tang. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương gửi vòng hoa viếng. 

Tin cùng chuyên mục