Đi đêm

Đi đêm

Nếu không có dự báo siêu trăng vào hôm 14-11 vừa rồi, nhiều người Hà Nội chẳng ra đường vào buổi tối làm gì. Đêm lại càng không. Nhưng nghe truyền thông kể lể 68 năm mới có một lần siêu trăng xuất hiện. Truyền thông kể lại rằng tháng 1 năm 1948 cũng đã có một lần như thế. Nhưng hầu như chẳng ai nhớ. Cũng chẳng có sách vở nào ghi lại vẻ đẹp của nó. Thực ra đây là tính toán của các nhà thiên văn học mà thôi. Mặt trăng hôm ấy có diện tích lớn hơn 14% lúc bình thường. Chẳng có mặt trăng bình thường ở cạnh để so sánh thì có to gấp đôi cũng khó lòng nhận biết.

“Đi đêm lắm có ngày gặp ma” là tục ngữ cổ mang tính triết lý nhân quả. Nó cũng chạm vào tiềm thức dị đoan hoang đường của con người. Nhưng triết lý ấy chủ yếu để răn dạy người ta đừng làm những điều khuất tất kẻo có ngày bại lộ mà thôi. Người có công việc về đêm vẫn phải đi. Và chẳng có ma quỷ nào cả để mà gặp.

Minh họa: K.T

Hà Nội mãi cho đến tận những thập kỷ ’60, ’70 thế kỷ trước vẫn chưa có đủ đèn chiếu sáng toàn bộ phố phường. Đại khái những phố lớn và những trục đường chính có đèn vàng sợi tóc mắc cách quãng khoảng 30m một bóng. Người ta phải chăng sợi cáp qua đường ở những cột điện hai bên mặt phố để treo ngọn đèn vào chính giữa. Thế cho nên bấy giờ vẫn gọi cột điện là cột đèn mà chẳng phân biệt rõ ràng như bây giờ. Phố nhỏ và ngõ ngách nhiều nơi tối om. Những phố nhỏ cây cối thấp như Triệu Việt Vương, Bùi Thị Xuân, Huyền Trân Công Chúa, Thợ Nhuộm… thì ánh đèn chỉ toen hoẻn chiếu xuống mặt đường một khoảnh hẹp rung rinh bóng lá. Người và xe lấy khoảng sáng ấy làm cữ mà đi chứ hoàn toàn không thấy mặt đường. Thế cũng đủ để thấy khoảng cách văn minh giữa thành thị và nông thôn rồi. Người Hà Nội không cần phải bật chiếc đèn dinamo xe đạp như ở nông thôn để soi đường. Chiếc dinamo ấy sẽ dùng để chế ra chiếc quạt “búng” chạy điện 12v.

Đường phố tối om không phải là chuyện gì nghiêm trọng lắm với người Hà Nội. Người ta vẫn có thể đi đến mọi nơi trong phố bằng trí nhớ. Hà Nội lúc ấy được hiểu như chỉ tập trung ở bốn quận nội thành với khoảng hai trăm tên phố là thứ có thể thuộc nằm lòng. Với lũ trẻ thì lại là một không gian nô đùa tuyệt diệu cho những trò chơi trốn tìm, chơi xô-vê. Những trò chơi này có bóng tối là trợ thủ đắc lực. Không thể chơi ban ngày. Và tuần trăng nào cũng được thưởng thức ánh trăng toàn vẹn nhô lên trên những mái nhà thấp tầng mà đèn đóm gần như chẳng có ảnh hưởng gì.

Có một điều rất lạ giờ ta khó lòng hiểu nổi, những người công nhân vệ sinh môi trường lúc ấy hoàn toàn làm việc vào ban đêm dưới ánh đèn vàng vọt tù mù mà đường phố sáng nào cũng sạch sẽ tinh tươm. Phố xá đón chào ngày mới bằng hình ảnh như thế trở thành quen thuộc suốt mấy chục năm trước ngày giải phóng Sài Gòn. Họ thường bắt đầu công việc vào lúc mười giờ đêm cho đến bốn giờ sáng là kết thúc. Giờ giấc chính xác đến mức dân phố có việc đi tàu hỏa sớm nằm nghe tiếng chổi dừng lại là biết chắc đã đến lúc dậy ra ga.

Giờ thì Hà Nội là một thành phố có lượng đèn chiếu sáng công cộng vào loại nhất nước. Rất hiếm có một khoảng tối nào trên phố vào ban đêm. Hay có lẽ vì thế mà công nhân vệ sinh môi trường cũng nhiều khi không cần chờ đến tối mới vung chiếc chổi tre dài thượt trên mặt đường? Và cũng vì thế mà tệ nạn “đứng đường” ở Hà Nội chỉ còn lác đác vài chỗ ven đê sông Hồng. Thực ra ven đê bây giờ cũng đèn đóm sáng choang nhưng những người tử tế ít đi qua đấy nếu như không có việc thật cần kíp.

Nhưng rõ ràng ánh trăng ở thành phố đã trở thành của hiếm. Nghe truyền thông dự báo siêu trăng là tất cả các sân vận động quanh thành phố cùng với sân thượng những cao ốc chung cư chật kín người ngay từ chập tối cho đến nửa đêm. Chỉ còn những chỗ như vậy mới có thể ngắm trăng mà ít bị ảnh hưởng của ánh sáng đèn. Chỉ còn những chỗ như vậy mới nhìn thấy mặt trăng từ rất sớm mà không bị vướng víu nhà cửa.

“Đi đêm” là thuật ngữ của người chơi tam cúc xưa nói về việc trao đổi quân bài trước khi đánh. Cũng chỉ trẻ con mới hay có chuyện “đi đêm” này. “…Em đi đêm tướng điều sĩ đỏ/ Đổi xe hồng đưa Chị tới quê Em…” (Cây tam cúc-Hoàng Cầm). Lâu lắm không nhìn thấy đứa trẻ thành phố nào chơi tam cúc nữa. “Đi đêm” giờ hoàn toàn là thành ngữ chỉ việc hối lộ hoặc thỏa thuận ngầm giữa các đối tác làm ăn mà thôi.  

11-2016

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục