Đi lên từ vườn trà

Đi lên từ vườn trà

Trước thềm Lễ hội văn hóa Trà Lâm Đồng lần thứ III năm 2010, trong những ngày này người dân, doanh nghiệp và chính quyền đang gấp rút công tác chuẩn bị và hồi hộp chờ đợi lễ hội này bởi nhiều lẽ khác nhau...

Vượt chặng đường gần 20km từ TP Bảo Lộc xuyên qua những đồi trà, cà phê xanh ngắt một màu, chúng tôi đến với vùng đất Bảo Lâm trù phú, thủ phủ của cây trà Lâm Đồng và cả nước với 13.000ha đất trồng trà (chiếm 52% diện tích đất trồng trà toàn tỉnh Lâm Đồng), riêng Công ty cổ phần trà Minh Rồng sở hữu 420ha trà chất lượng cao như TB14 (144ha), trà cành LDP1 (70ha), trà hạt (126ha), trà Ô Long gồm có Tứ Quý, Thúy Ngọc, Kim Tuyên diện tích 40 ha. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Giảng (cán bộ Công ty trà Lâm Đồng) hướng dẫn tham quan vùng trà, nói với chúng tôi: Tại nông trường này có một bác hưu trí làm trà mà nuôi 2 con học đại học, đời sống cứ đổi thay từng ngày, ngoài công việc tại nông trường ông ấy còn nhận khoảng 10 sào trà cao sản.

Thu hoạch trà ở Bảo Lâm.

Thu hoạch trà ở Bảo Lâm.

Đó là bác Trần Minh Phương, cựu chiến binh thờøi chống Mỹ, vào Lâm Đồng từ năm 1970 theo chính sách kinh tế mới của Nhà nước. Thời gian đầu, bác làm cán bộ Lâm trường trà Lâm Đồng, sau này khi không làm chuyên môn nữa, gia đình bác chuyển sang trực tiếp sản xuất. Nhà bác có hai con, đều đang tuổi ăn, tuổi học, đứa đầu đang học năm 4 và đứa thứ hai học năm 3 Trường Đại học Đà Lạt, mỗi tháng gia đình phải lo cho hai con trên 5 triệu đồng, dù vậy cuộc sống gia đình vẫn ổn định, bác vẫn tiết kiệm được hàng tháng.

Đường về nhà bác Phương trải nhựa phẳng lì, hai bên bạt ngàn cánh đồng trà của Công ty Minh Rồng khoán người dân ở đây chăm sóc. Ngôi nhà khang trang của bác ở giữa làng, trong vườn nhà cũng trồng toàn trà xanh. Chúng tôi vừa nghe bác Phương kể vừa đảo mắt nhìn quanh khu nhà rộng rãi với đầy đủ tiện nghi không kém một gia đình ở thành phố. Bác khoe: “Cái tủ lạnh này mua năm ngoái, tivi này có từ lâu rồi, trong nhà không thiếu gì cả, hai vợ chồng cố gắng lo cho hai đứa học tốt là đủ rồi.

Bây giờ người dân làm trà ở đây nếu biết tiết kiệm cũng khá chứ chẳng cần phải đi làm đâu xa, cây trà quê mình như thế, không làm giàu được thì không ở đâu giàu được cả”. Rời nhà bác Phương, chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Tâm (xã Lộc An), gia đình chị nhận khoán vườn trà hơn 1ha từ gần 10 năm qua, công ty hỗ trợ một phần kinh phí và giống, đồng thời tư vấn kỹ thuật để người dân biết cách chăm sóc khoa học, đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Gia đình chị Tâm chỉ sản xuất trà cao sản, mỗi năm thu lãi từ 20 đến 30 triệu đồng, đời sống khá hơn nhiều so với trước đây.

Được biết, các hộ dân ở đây phần lớn nhận khoán của Công ty Minh Rồng, công ty hợp đồng giá từ đầu vụ, theo đó người dân sẽ bán cho doanh nghiệp 70% sản lượng thu được, 30% còn lại tự do bán ra ngoài. Trong quá trình sản xuất trà, công ty đáp ứngï 70% giống, vật tư và hỗ trợ kỹ thuật, còn lại người dân đầu tư và chăm sóc.

Nhờ các hộ dân nhận khoán an tâm đầu tư thâm canh vườn trà nên đã giúp nâng chất lượng vùng nguyên liệu, tạo tiền đề cho việc chế biến ra các sản phẩm trà chất lượng cao phục vụ yêu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Kết quả kinh doanh của Công ty trà Minh Rồng từ năm 2006 đến nay lợi nhuận năm sau đều cao hơn năm trước.

Chia tay vùng đất cao nguyên màu mỡ có khí hậu mát lành, chúng tôi nhớ mãi nụ cười của những người làm trà nơi đây. Lễ hội Văn hóa trà Lâm Đồng lần thứ III khai mạc vào ngày 25-12-2010 tới đây sẽ có đêm tôn vinh những người làm trà, điều đó như sự ghi nhận đóng góp của những doanh nghiệp, cá nhân trong việc xây dựng thương hiệu trà B’lao và sự phát triển của ngành trà Việt Nam.

Đức Liên - Xuân Trung

Tin cùng chuyên mục