Tờ báo của Pháp dẫn hàng loạt nhận định của các chuyên gia kinh tế, từ ngân hàng Thụy Sĩ Pictet đến nhật báo tài chính Financial Times (FT), vốn thường tập trung vào những yếu kém của lục địa già. FT cho hay sự hồi phục của Eurozone là một ngạc nhiên về kinh tế của năm 2017. Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, Philipp Hildebrand, Phó Chủ tịch Quỹ đầu tư BlackRock - được coi là một trong những quỹ đầu tư lớn nhất thế giới - dự đoán liên minh tiền tệ châu Âu đang đứng trước một thập niên xán lạn.
Tình hình được đánh giá là chưa bao giờ lạc quan như vậy kể từ khởi đầu cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007. Đa số các chỉ số cơ bản đều chuyển hướng tích cực. Thất nghiệp ở mức thấp nhất kể từ năm 2009 khi tính đến tháng 4-2017, con số này là 9,3%; khoảng 7 triệu việc làm mới được tạo thêm. Sức mua của người dân được đánh giá là vững chắc. Các điều kiện cơ bản cho sự phục hồi được nhấn mạnh là lãi suất cho vay thấp chưa từng thấy và chính sách về ngân sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến tăng trưởng của khối sẽ đạt 1,8% năm nay. Bên cạnh nhu cầu nội địa tăng mạnh, sự phục hồi của Eurozone cũng được hưởng lợi từ mức tăng trưởng nói chung của thương mại toàn cầu.
Trong số các điều kiện thuận lợi cho sự trỗi dậy trở lại của Eurozone không thể không nói đến mặt trận chính trị. Nếu như chỉ cách đây ít tháng thôi, bầu không khí hoài nghi châu Âu dâng cao, sau quyết định Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), bóng đen bao phủ tương lai Eurozone, thì chiến thắng của ông Emmanuel Macron tại cuộc bầu cử Tổng thống Pháp được xem là mở ra những chân trời mới. Một người có đường lối cởi mở với châu Âu trở thành người đứng đầu quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 2 Eurozone đã giúp các lãnh đạo châu Âu thở phào nhẹ nhõm. Thêm vào đó, đứng trước xu thế co cụm của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, châu Âu đang nỗ lực đoàn kết lại và tìm cách đứng trên đôi chân của chính mình. Theo một số dự báo, tăng trưởng kinh tế của Eurozone năm nay có thể vượt Mỹ.
Lạc quan là thế nhưng giới quan sát cũng điểm ra những khó khăn lớn mà Eurozone phải đối mặt. Cụ thể là mức lạm phát 1,4% (trong tháng 5-2017) được coi là không đủ để thúc đẩy tăng trưởng. Hy Lạp vẫn chìm trong khoản nợ công kỷ lục và tỷ lệ thất nghiệp rất cao. Trong khi đó, các nhà đầu tư tiếp tục lo ngại về hệ thống ngân hàng của Italia. Riêng với Pháp, một đầu tàu của Eurozone, các chuyên gia lưu ý, để có thể khai thác được thời điểm thuận lợi cho châu Âu và cho nước Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron cần phải có được sự ủng hộ của cử tri để có được đa số trong Quốc hội. Pháp cần môi trường kinh doanh ổn định, giảm nợ công, lành mạnh hóa lĩnh vực tài chính, để giảm bớt khoảng cách cạnh tranh so với Đức. Được như vậy, theo ông Philipp Hildebrand, chính là một điều kiện cơ bản cho một thập niên vàng của Eurozone.