Ngôi nhà một đêm
Về xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, ghé vào quán nước đơn sơ bên gốc đa ven đường, xưởng điêu khắc gỗ đang tấp nập hay một ngôi nhà khang trang nào… hỏi nhà một đêm, bạn luôn được nghe ngay câu trả lời: “À, nhà ông Vi, bà Vinh ở xóm Đông”. Rồi người dân hào hứng, say sưa kể như chính chuyện của gia đình mình. Chuyện rằng…
Năm 1675, dưới đời vua Lê Hi Tông (1675 - 1705) xảy ra một vụ án hy hữu. Con voi mà đô đốc thái bảo Nguyễn Công Triều (1614-1690) mượn của triều đình để kéo nguyên vật liệu, phục vụ việc xây dựng đình chùa, miếu mạo, đường sá cho dân chúng làng Đông Lao, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây (nay là thôn Đông Lao, xã Đông La, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội), không may đổ bệnh mà chết. Vua tuyên bố hoặc là ông phải đền một con voi đúc bằng vàng nặng 6 tấn đúng bằng trọng lượng con voi thật (có người lại kể là vua bảo chỉ lấy đúng con voi đã cho mượn, nghĩa là làm sao cho con voi đã chết phải sống lại), hoặc bị chém đầu. Vét hết sản nghiệp chắc gì đã đúc được một cái chân voi nên đô đốc thái bảo đành khắc khoải chờ ngày chịu chém. Phải xét xử vụ án này, tham tụng Hình bộ thượng thư Nguyễn Viết Thứ (1644 - 1692), một vị quan tài đức vẹn toàn, mất ăn mất ngủ bao đêm ngày. Cuối cùng ông nghĩ ra một kế.
Một lần ngồi cùng uống trà và đàm luận thế thái nhân tình, quan tham tụng liền dò ý nhà vua. Ông kể rằng có anh tá điền nghèo rớt mùng tơi, phải đi cày thuê cuốc mướn cho nhà địa chủ. Một buổi trưa nắng chang chang, người và trâu đang cố sức cày cho xong thửa ruộng thì đột nhiên chú trâu bị ngã nắng, chết lăn quay. Tên địa chủ kiện lên quan, bắt anh phải đền... Vua nghe vậy, tức khí đùng đùng, đập bàn quát: con trâu chết vì ngã nắng, đấy là tại trời, chứ có phải do anh tá điền muốn đánh chết nó đâu. Anh nhà nghèo đáng thương kia chả có tội nợ gì hết. Nhân cơ hội ấy, quan tham tụng liền bẩm tấu vụ án phải đền voi vàng của đô đốc thái bảo Nguyễn Công Triều. Vua sực nhớ, suy tính một hồi, khen ngợi tài trí của quan tham tụng và truyền xóa vụ án voi.
Để tạ ơn, đô đốc thái bảo năm lần bảy lượt đề nghị được làm tặng song thân ngài tham tụng Hình bộ thượng thư một ngôi nhà khang trang ở Sơn Đồng. Chối mãi không được, ông Nguyễn Viết Thứ nói thách: Ta trọng cái ơn của người lắm nhưng ta sẽ chỉ nhận ngôi nhà nếu người làm xong chỉ trong… một đêm. Thách vậy thì quá là đội đá vá trời. Thì cũng là cách ông thoái thác món quà vật chất của người bạn vong niên thôi mà (cũng có người kể rằng vua truyền đô đốc thái bảo nếu làm trong một đêm xong được nhà cho cha mẹ tham tụng Hình bộ thượng thư thì xóa án cho).
Thế rồi một ngày đầu năm 1676, dân chúng trong vùng thấy một đoàn tùy tùng dễ đến 300 người cùng voi, ngựa, trâu, kéo gỗ, gạch, đá, ngói, hoành phi, câu đối… trực chỉ xã Sơn Đồng. Đến khu đất rộng 576m² của gia đình quan tham tụng Hình bộ thượng thư Nguyễn Viết Thứ, đô đốc thái bảo Nguyễn Công Triều bước vào căn nhà tranh, thi lễ với song thân của quan bạn, tỏ rõ lòng mình và xin phép mời các cụ dời tạm sang nhà họ hàng nghỉ nhờ một đêm để phận con dựng ngôi nhà mới. Dân chúng thì thấy lạ nên đến vây vòng trong vòng ngoài mà thắc thỏm: Thiếu gì ngày rộng tháng dài mà sao phải gấp gáp dựng nhà trong đêm tối thế nhỉ? Vậy là quan đô đốc thái bảo lại lễ phép ra thưa chuyện để bà con hiểu rõ nguồn cơn. Ai cũng tấm tắc khen ngợi cái tình cảm trước sau như nhất của hai vị quan lớn nhưng ra về mà chẳng ai dám tin chuyện dựng nhà lạ lùng ấy.
Cụ Nguyễn Viết Thạc, 81 tuổi, nhớ rằng từ ngày còn lũn cũn như bó củi đã được ông bà cha mẹ và các bậc cao niên trong làng kể: Trời tối thẫm, đoàn người của quan quận công Nguyễn bắt đầu công việc. Nhóm này đào đất, san nền; nhóm kia đục rui, mè, đẽo cột, dựng khung; người lát nền, cất nóc… Đèn đuốc sáng trưng, tiếng nói cười hể hả; tiếng hò nhau hợp sức kéo gỗ, xúc đất, chuyển gạch… tất cả là một công trường tấp nập, vui tươi. Sáng tỏ mặt người, bà con dân làng háo hức nhào dậy đổ xô đến khu đất nhà quan tham tụng Hình bộ thượng thư. Thật diệu kỳ! Ai nấy đều ồ lên kinh ngạc. Trên nền đất cũ, mới chiều qua ngôi nhà tranh vách đất xiêu vẹo nay được thay bằng căn nhà mới tinh tươm 5 gian, 2 dĩnh (chái), dài 18,5m, rộng 7,2m. Song thân ngài Nguyễn Viết Thứ thì mừng đến rơi lệ trước tấm thịnh tình của bạn con mình. Còn bà con làng trên, xóm dưới thì xúm lại mà sờ, nắn những cây cột nhà bằng gỗ lim chắc, khỏe; cái nền nhà lát gạch nâu bóng; những bộ hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng… mà ngỡ như chuyện thần tiên.
Ông Nguyễn Viết Vi (74 tuổi) - hậu duệ đời thứ 11 của quan tham tụng Hình bộ thượng thư Nguyễn Viết Thứ - cho biết: “Không kể mấy lần sửa lặt vặt từ thời các cụ, chúng tôi mới chỉ trùng tu (đảo ngói, cân chỉnh cột, vì kèo, thay vài tấm gỗ mọt ở vách...) tài sản vô giá này một lần vào năm 1975; một lần vào tháng 11-1995, đại tu phần mái và sàn do xập xệ và dột”.
Thời gian như bóng câu qua cửa, vật đổi sao dời đã nhiều, nhưng mối tâm giao của hai dòng họ Nguyễn Viết ở Sơn Đồng và Nguyễn Công ở Đông Lao thì vẫn không mảy may vết gợn. Dân chúng quanh vùng, bao đời nay đều truyền tụng những câu chuyện về dòng họ Nguyễn Viết khoa bảng; về tình bạn sắt son của hai ông quan một văn, một võ; về ngôi nhà kỳ lạ làm xong chỉ trong vỏn vẹn có một đêm. Người kể rằng thời cải cách ruộng đất, có những kẻ xấu bụng trong làng định đục nước béo cò, chiếm một phần ngôi nhà, nhưng ngay đêm đầu tiên dọn đến, cứ chợp mắt là lại bị một con rắn trắng to bằng bắp tay trẻ con trườn qua trườn lại ngang người nên phải kinh hãi mà tháo chạy ngay giữa màn đêm đen đặc. Người ta đồn đại đó là vong linh quan tham tụng Hình bộ thượng thư linh ứng giúp cháu con trừng trị kẻ xấu. Những câu chuyện như thực như mơ ấy càng làm cho ngôi nhà tri ân nhất dạ tác thành thêm phần huyền tích.
Đầu phật đòi về
Còn đây là một chuyện mang tầm quốc tế. Đầu năm nay, lần đầu tiên một đầu tượng phật A Di Đà bằng đá xanh được trả lại cho di tích Wat Phou - được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 2001 - ở tỉnh Champasak, Lào. Đầu tượng Phật này được cho là đã bị đánh cắp từ một trong các di tích tại Wat Phou, được trao trả bởi một nhà sưu tầm nghệ thuật Nhật Bản. Ông này cho biết đã mua hiện vật này từ một đại lý buôn bán đồ cổ ở Nhật. Đầu tượng có kích thước 55cm x 33cm x 40cm, trọng lượng 80kg. Các chuyên gia cho rằng, nguồn gốc của tượng có thể từ một trong các di tích thuộc Wat Phou và họ sẽ cố gắng phân tích, nghiên cứu phong cách nghệ thuật của đầu tượng, chất liệu và các dữ liệu liên quan để xác định nguồn gốc của hiện vật.
Theo nhà sưu tầm Nhật Bản, việc trả lại đầu tượng Phật này nhằm mục đích ngăn chặn các rủi ro, bất hạnh xảy ra với ông và gia đình. Đây không phải là lần đầu tiên những nhà sưu tầm cổ vật trả lại những hiện vật liên quan đến các vị thần, phật, thánh bị đánh cắp sau khi hàng loạt bất hạnh, kém may mắn được cho là do việc lưu trữ các cổ vật này gây ra cho họ và gia đình.
Ngay khi đầu tượng được tiếp nhận, được ban quản lý di tích Wat Phou làm bệ, lồng kính và lập bàn thờ, chuyện trở về của hiện vật này đã trở thành một huyền thoại trong lòng người dân. Anh Kham Snouk ở bản Sapanxay, huyện Paksé, tỉnh Champasak, làm nghề lái xe ba bánh chở khách, đã kể với tôi bằng tất cả sự thành tâm pha vẻ kỳ bí rằng: “Đầu Phật bị lấy cắp, đưa sang Đức rồi về Nhật. Nhưng ông không muốn ở những chỗ ấy, ông đòi về Wat Phou, người giữ không được sống thanh thản, yên ổn, làm ăn không thuận lợi… nên cuối cùng phải đưa ông về lại chỗ cũ”. Chuyện người dân yêu mến đến sùng bái rồi tạo thành huyền tích về đầu tượng phật như thế đã tạo thêm sự linh thiêng của hiện vật và tạo thành một sản phẩm du lịch bổ trợ cho khu đền tháp Wat Phou.
Rõ ràng, khi một di sản được người dân kể cho nhau nghe để truyền tình yêu, sự sùng kính hay răn đe, dọa nạt nhau đừng xâm phạm, chứng tỏ nó có sức sống sâu đậm trong lòng họ. Những huyền sử, những trò diễn dân gian, sử thi của các cộng đồng người cũng nhờ truyền miệng mà được lưu giữ từ đời này qua đời khác. Cùng một cốt truyện nhưng mỗi người, mỗi tâm trạng, mỗi thời điểm kể lại được bổ sung những tình tiết mới. Thế nên cả người kể và người nghe đều thấy mỗi lần một tươi, mỗi thú vị, hấp dẫn. Không phải vô cớ mà UNESCO có hẳn một hạng mục để xếp hạng: di sản văn hóa phi vật thể và truyền miệng của nhân loại.
Ông Nguyễn Văn Huy, PGS-TS Dân tộc học, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Trưởng ban Di sản văn hóa phi vật thể, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, hiến kế: Bảo tàng là hiện vật nhưng quan trọng ở chỗ anh phải làm thế nào cho hiện vật đó sống, cho hiện vật đó biết nói. Nói thì dễ chứ làm thế nào để trưng bày chủ đề đó để khách đến bảo tàng không phải chỉ xem những hiện vật cũ hay nghe kể những câu chuyện. Chẳng hạn tại sao bảo tàng địa chất lại vắng khách? Bởi ở đó chỉ có mấy hòn đá khô cứng. Tại sao không mời các nhà địa chất đến? Họ sẽ kể về quá trình khai thác, phát hiện những mảnh thiên thạch, những hòn đá, vỉa quặng. Hay lắm! Và tại sao lại không có những băng video ghi lại công việc của những con người ấy, những tháng ngày leo núi, ở rừng, khoan địa chất? Nếu làm được, bảo tàng ấy sẽ là một trong những bảo tàng vô cùng hấp dẫn.
Có tuồng có tích, có tích mới dịch nên tuồng, mỗi hiện vật đều có câu chuyện, số phận. Làm được như thế thì bảo tàng nói riêng, di sản văn hóa nói chung mới sống được trong lòng công chúng.
ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG