Di sản của Người

Khóa họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 21 tại Paris từ ngày 20-10 đến 20-11-1987 đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là “Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam” vào năm 1990. Đây là một văn kiện quan trọng của UNESCO ghi nhận những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trong xã hội, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam và của cả bè bạn quốc tế.
 
Phát biểu tại hội thảo quốc tế “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa lớn” tổ chức tại Hà Nội tháng 3-1990, tiến sĩ Modagat Ahmet (Giám đốc UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đại diện đặc biệt của Tổng giám đốc UNESCO) đã nhấn mạnh rằng: “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay từ khi còn sống và rõ ràng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người đã giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công khỏi trái đất này”.

Các nhà nghiên cứu trong nước và thế giới đã và đang bàn đến văn hóa chính trị Hồ Chí Minh, văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh. Thế giới có nhiều thay đổi và nhiều đổi thay sẽ diễn ra trên thế giới nhưng vẫn còn nguyên vẹn những giá trị văn hóa không thể thay đổi. Trong những giá trị trường tồn đó có di sản tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Đó là nhân đạo, hòa bình; Tổ quốc và nhân loại, dân chủ và nhân văn; tự do và hạnh phúc; tinh thần yêu nước và chủ nghĩa dân tộc chân chính; đạo đức cách mạng cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư.

Năm nay chúng ta kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 20 năm UNESCO công nhận Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam” bằng những hành động thiết thực, đặc biệt khi cả nước đang triển khai sâu rộng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa nhưng Người vẫn sống mãi trong nhịp đập của đất nước, tư tưởng của Người vẫn đồng hành cùng dân tộc Việt Nam! Cốt lõi trong tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh là lòng yêu nước, thương dân, thương yêu con người, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người quan niệm: “Việc gì có lợi cho dân phải làm cho kỳ được, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”. Đó là nhân sinh quan, triết lý sống rất nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó đã được thể hiện rất rõ trong vấn đề xây dựng Đảng.
 
Có thể nói, trong suốt cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền thì một trong những vấn đề Người đặc biệt quan tâm là vấn đề Đảng. Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh ân cần căn dặn: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân”. Người đã hiểu rất rõ vai trò của Đảng với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Thực tiễn 80 năm qua, từ ngày thành lập Đảng đến nay cho thấy, vận mệnh của dân tộc ta đã gắn liền với vận mệnh của Đảng. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là điều kiện quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
 
Người dặn dò kỹ hơn: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Chúng ta ghi xương khắc cốt, làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là kỷ niệm một cách thiết thực ngày sinh của Người!
 
Học và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh, gìn giữ và phát huy di sản tư tưởng của Người, trên ý nghĩa khoa học và tinh thần cách mạng, liên quan đến nhân cách của mỗi người, trước hết là cán bộ, đảng viên!
 

PGS-TS NGUYỄN THẾ NGHĨA

Tin cùng chuyên mục