Năm 2013, chưa bao giờ dư luận được chứng kiến những vấn đề “nóng” liên quan đến di sản như vậy. Có thể nói đây là một năm sóng gió đối với di sản. Sau những lá đơn xin được trả lại danh hiệu gây “sốc” của người dân làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) và phố cổ Đồng Văn (Hà Giang) là sự biến mất của hàng loạt các di sản quý do thiên tai, hỏa hoạn.
Quy hoạch treo, xuống cấp, hỏa hoạn…
Câu chuyện buồn của di sản văn hóa lại được viết tiếp với nhiều công trình có nguy cơ bị xóa sổ vì sự quản lý lỏng lẻo. Nhiều di tích, di sản đã bị phá hoại dưới danh nghĩa bảo tồn, trùng tu, do sự thiếu hiểu biết, sự quản lý kém hiệu quả của các cơ quan chức năng. Những biểu tượng của thủ đô ngàn năm văn hiến như đàn Xã Tắc, chùa Một Cột, làng cổ Đường Lâm... lần lượt kêu cứu.
Giữ cũ hay xây mới, bảo tồn hay phát triển, phép cộng cho nhân sinh hay phép trừ di tích vẫn luôn gây lúng túng cho các nhà quản lý mỗi khi được hỏi. Xa hơn nữa, câu chuyện những ngôi nhà cổ ở Đồng Văn cũng đang vấp phải thách thức giữ lại hay đập đi xây mới khi người dân không thể sống mãi với cái danh di sản nhưng xập xệ đói nghèo. Rồi những di sản như ca trù, hát xoan, hát xẩm... cũng đang trên bờ vực của sự mai một bởi lớp nghệ nhân già đang ngày một thưa vắng mà thế hệ kế cận thì vừa thiếu tâm huyết vừa chưa đủ tài năng. Rồi thiệt hại từ vụ cháy ngôi nhà Lang trăm tuổi ở Bảo tàng không gian văn hóa Mường, Hòa Bình. Chỉ do bất cẩn và thiếu tôn trọng nội quy bảo tàng, một số du khách đã thiêu rụi cả một không gian quý giá cùng với bao niềm tin, sự cố gắng bảo tồn những giá trị truyền thống của họa sĩ Vũ Đức Hiếu. Sau đó, những người yêu di sản lại một lần nữa giật mình khi đền thờ Trung Túc vương Lê Lai thuộc quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh - Thanh Hóa cũng trở thành mồi ngon của bà hỏa, đến cái cột gỗ lim to cả người ôm cũng thành than.
Đó là những mất mát có thể nhìn thấy và cảm nhận ngay, nhưng còn những di sản khác đang ngày dần biến mất, bị bào mòn bởi chính sự tắc trách đến khó hiểu của người quản lý. Di sản Hoàng thành Thăng Long là một ví dụ điển hình. Đã 3 năm sau khi được công nhận là di sản của thế giới, Hoàng thành Thăng Long vẫn rơi vào tình cảnh người quản lý một nơi, hiện vật một nẻo khiến nhiều hiện vật quý giá được phát lộ trong các hố khai quật không những không đến được với công chúng mà còn đối mặt với nguy cơ xuống cấp và hao hụt nghiêm trọng.
TS Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, nơi có trách nhiệm nhận bàn giao hiện vật từ Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam liên tục than vãn vì động thái thiếu tích cực trong việc chuyển giao hiện vật, mặt bằng của di tích giữa các cơ quan liên quan. Có lẽ cũng vì thế mà vào tháng 12, bà Katherine Muller Marin, Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO Hà Nội, đã đưa ra khuyến nghị cần có những biện pháp bảo tồn khẩn cấp, đặc biệt là những hiện vật phát lộ ngoài trời tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long.
Và những mảng màu sáng
Dấu ấn đặc biệt phải kể tới là sự kiện UNESCO ra nghị quyết vinh danh đại thi hào Nguyễn Du cùng nhiều danh nhân văn hóa thế giới. Theo nghị quyết, các quốc gia sẽ vinh danh những nhân vật này trong hai năm 2014 và 2015. Với Việt Nam, danh hiệu cao quý này sẽ một lần nữa quảng bá những giá trị mang tính di sản văn hóa của Truyện Kiều đến với nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 2013, cũng đánh dấu một bước quan trọng đối với di sản khi lần đầu tiên Việt Nam đã trúng cử và trở thành thành viên Ủy ban liên chính phủ của Công ước 1972 về di sản thế giới. Đây là mốc son khẳng định sự đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy di sản dân tộc và thế giới.
Năm 2013 cũng khép lại với việc nghệ thuật truyền thống dân tộc đờn ca tài tử được UNESCO chính thức công nhận tại phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 8 của UNESCO diễn ra ở Baku, Azerbaijan. Đây là vinh dự cho Việt Nam nói chung và đặc biệt cho 21 tỉnh phía Nam có di sản văn hóa phi vật thể đờn ca tài tử, nơi mà môn nghệ thuật truyền thống này có sức sống mãnh liệt và hiện được phổ biến rất rộng rãi. Đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã nâng tổng số di sản được công nhận của Việt Nam lên con số 18 và hiện đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về lượng di sản được thế giới vinh danh. Đó là sự ghi nhận của thế giới với nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa dân tộc, cũng là niềm tự hào của văn hóa Việt Nam - một quốc gia giàu bản sắc văn hóa trong bức tranh văn hóa thế giới.
MAI AN