Trong số hàng trăm di tích tại TPHCM, có hai di tích khảo cổ rất giá trị nhưng đến nay vẫn chưa được các cơ quan chức năng quan tâm đúng mực. Một trong hai là di tích lò gốm cổ Hưng Lợi ở phường 16, quận 8. Nằm ven kênh Ruột Ngựa, dấu tích của xóm Lò Gốm Sài Gòn xưa là một khu gò lớn chứa đầy mảnh gốm của các loại lu, khạp, siêu, chậu… Giới nghiên cứu nhận định, các kiểu đồ gốm nơi đây mang phong cách của các nền văn hóa Đồng Nai, Sa Huỳnh, Óc Eo...
Cuộc khai quật năm 1997 - 1998 tại đây đã tìm thấy phế tích ba lò gốm kiểu lò ống (lò Tàu). Ba lò này sản xuất nối tiếp nhau trong thời gian khá dài, chia thành ba giai đoạn. Lò đầu tiên chủ yếu sản xuất lu đựng nước được xác định niên đại sớm nhất khoảng nửa sau thế kỷ 18. Hàng trăm hiện vật được tìm thấy có khắc chữ Hán “Hưng Lợi diêu” (lò Hưng Lợi), rất phong phú từ vật dụng hàng ngày như lu đựng nước, hũ, khạp, các kiểu chậu bông đến các loại sản phẩm cao cấp, cải tiến kỹ thuật và mẫu mã, chất lượng hơn như chén, đĩa, ly, cốc, ấm trà, lư hương.. có hoa văn men xanh, men trắng ngà, men nhiều màu.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, nguồn gốc của nghề làm gốm mang tính chất sản xuất hàng hóa ở Gia Định - Đồng Nai là sự kết hợp nghề gốm của người Việt với kỹ thuật sản xuất gốm truyền thống của người Hoa, gắn liền với sự hình thành và phát triển của vùng đất Sài Gòn - Gia Định trên 300 năm qua. Lò gốm cổ Hưng Lợi được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích khảo cổ quốc gia năm 1998. Tuy nhiên đến nay, cả khu vực gò rộng lớn này vẫn chỉ là nơi tập kết của vô số rác thải và xà bần.
Một di tích khảo cổ rất quan trọng là di tích mộ chum ở Giồng Cá Vồ (xã Long Hòa, huyện Cần Giờ) có niên đại vào hậu kỳ thời đại kim khí, khoảng 2.500 năm cách ngày nay. Giồng Cá Vồ được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích khảo cổ quốc gia từ năm 2000.
Năm 1993 - 1994, các ngành chức năng đã tiến hành khai quật di tích mộ chum tại Giồng Cá Vồ và Giồng Phệt. Đặc biệt, tại di tích Giồng Cá Vồ, người ta đã tìm thấy hơn 300 mộ chum (hình thức mộ táng chôn người trong các chum, lu gốm lớn trong tư thế ngồi bó gối) và một số mộ huyệt đất hầu hết còn di cốt người cổ cùng một khối lượng lớn hàng trăm di vật là các vật dụng sinh hoạt hàng ngày và đồ tùy táng. Những di vật này có đặc điểm khác biệt so với các di tích mộ chum cùng thời ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Các vật dụng sinh hoạt như công cụ lao động, vũ khí bằng sắt, đồ gốm các loại, đồ trang sức bằng đá ngọc, thủy tinh, vỏ ốc… đã phản ánh đời sống vật chất và tinh thần rất phong phú của cư dân cổ Cần Giờ. Nơi đây đã từng là một khu vực cư trú và trao đổi buôn bán rất phát triển. Nhiều loại hình hiện vật ở đây cho thấy mối quan hệ giao lưu với Ấn Độ và các hải đảo Đông Nam Á. Sưu tập hơn 30 khuyên tai “hai đầu thú” là sưu tập lớn nhất của di vật độc đáo này ở Đông Nam Á.
Quan trọng hơn cả là trong những ngôi mộ chum này tồn tại nhiều di cốt người cổ trong đó hàng chục bộ di cốt còn khá nguyên vẹn… Đây là nguồn tư liệu vô cùng quý báu và sống động, cho đến nay gần như là duy nhất để có thể nghiên cứu và xác định chủ nhân sớm nhất của vùng đất này nói riêng và Nam bộ thời tiền sử nói chung.
Thế nhưng, hai di tích trên được khai quật đến nay đã gần… 20 năm rồi bỏ đó. Đến năm 2013 Sở VH-TT-DL TPHCM đã có đề án quy hoạch tổng thể hai di tích này trình UBND TPHCM nhưng đến nay vẫn chưa có sự chuyển động. Trong những năm qua, TPHCM có nhiều di tích lịch sử văn hóa được khai quật, trùng tu, tôn tạo đã phát huy tốt giá trị, thu hút không ít người dân và du khách nước ngoài đến tham quan tìm hiểu. Các cơ quan chức năng cần sớm có kế hoạch quy hoạch và khai thác tốt hai di tích danh tiếng này.
MINH AN