Không xa mấy trung tâm Hà Nội, sự hấp dẫn của di tích Đá Chông là cảnh sơn thủy hữu tình gắn với những truyền thuyết, câu chuyện về Thánh Tản Viên và Bác Hồ kính yêu của chúng ta.
Nằm trên núi U Rồng thuộc dãy Tản Viên, Đá Chông mang vẻ đẹp nguyên sơ tĩnh mịch với những hàng thông xù xì vạm vỡ lá kim vi vút bốn mùa. Xen kẽ là những loài cây gỗ lớn lá rộng có hàng trăm, hàng ngàn năm tuổi càng làm tăng thêm nét thâm u cổ kính của cánh rừng nguyên sinh. Đi dưới tán rừng già râm mát, chúng ta sẽ rất thích thú khi trông thấy những tảng đá đứng lô nhô, sắc nhọn như chông, như chà.
Theo truyền thuyết, đây là dấu tích của những cuộc đọ sức giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh thời xa xưa. Lòng ghen tuông của chàng Thủy Tinh si tình dữ dội, bao nhiêu bão dông mưa lũ cuồn cuộn đổ về đây, bao nhiêu thủy quái được điều đến hòng cướp lại người đẹp từ tay Sơn Tinh, ầm ầm ào ào suốt mấy ngày liền và hàng ngàn năm sau vẫn chưa thôi cơn giận dữ. Xưa nay, cuộc chiến vì người đẹp bao giờ cũng bi tráng.
Có thể kể thêm rằng, sông Đà từ Lai Châu cheo leo xa tắp về Hòa Bình xuôi chảy qua làng Khê Thượng khi đến đây đã bất ngờ đổi hướng chuyển dòng lên phía Bắc tạo ra một khúc gãy lạ kỳ để tìm tới ngã ba Bạch Hạc hội tụ với sông Hồng, sông Thao tạo thành lưu thủy mênh mang về chầu Đền Hùng, mộ Tổ. Chúng thủy giai Đông tẩu/Đà giang độc Bắc lưu (Các sông đều chảy về Đông/Sông Đà riêng một, ngược dòng Bắc lưu). Trong Diễn ca Thánh Tản Viên – Sơn Tinh có viết thế. Quả là một vùng núi sông danh thắng linh thiêng hữu tình.
Đá Chông càng thêm giá trị khi ở đây có thêm di tích K9. Năm 1957, Bác Hồ cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương đi kiểm tra diễn tập của Sư đoàn 308 khi dừng chân tại đây Người đã nhận ra linh khí trong thế núi hình sông của vùng đất này. Dãy Tản Viên Sơn ở phía Đông, dãy Thiết Sơn ở phía Tây lại thêm Đà giang độc đáo liền kề, xét theo phong thủy thật là đắc địa cho việc dựng căn cứ. Bác đã quyết định chọn Đá Chông làm Khu căn cứ địa để chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước dài lâu của dân tộc ta.
Vẫn còn đây ngôi nhà sàn do chính tay Bác chỉnh sửa thiết kế và chọn hướng đã được khởi công xây dựng vào tháng 5-1958 và hoàn thành vào tháng 3-1960. Ngôi nhà nhìn về hướng Nam, xung quanh có nhiều cây cổ thụ râm mát. Tiếp đó là nhà làm việc của Bộ Chính trị, Trung ương, Chính phủ. Trong xây dựng công trình Bác không cho chặt một cây cổ thụ nào hết. Trước sân nhà Bác cho rải sỏi tự nhiên chứ không đổ bê tông. Vừa hài hòa với cảnh vật vừa dễ phát hiện thú dữ, kẻ gian xâm nhập. Các ô cửa sổ đều đặt lưới chống muỗi nhưng vẫn rất thoáng đãng để đón các ngọn gió rừng mát mẻ ùa vào nhà.
Bác đã có 9 năm làm việc tại đây, từ 1960 đến 1969. Trong mỗi căn phòng, lối đi, cành cây, ngọn lá tưởng như còn vương vấn tâm hồn Bác. Một lãnh tụ anh minh kiệt xuất của dân tộc cũng là một thi sĩ đau đáu yêu từng ngọn lá mỗi nhành hoa. Sự giản dị đậm đà tinh hoa truyền thống dân tộc và văn minh tương lai nhân loại của Hồ Chí Minh như đang ẩn hiện ở nơi này. Trước ngôi nhà làm việc của Bác có hai cây vàng anh tỏa cành vươn lá xanh biếc. Đó là hai cây lưu niệm do Anh hùng vũ trụ Liên Xô Giécman Titốp và phu nhân của Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, bà Đặng Dĩnh Siêu, trồng khi đến thăm Bác.
Điều làm mọi người vô cùng xúc động là khi đứng trước ngôi nhà từng là nơi giữ thi hài của Bác những năm kháng chiến chống Mỹ. Từ ngày 23-12-1969 đến 18-7-1975, thi hài của Bác được giữ ở đây trong khu rừng Đá Chông nguyên sinh đầy huyền tích. Không ít kỷ vật thiêng liêng gắn với 9 năm, bằng thời gian cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trước đó, Bác làm việc tại Đá Chông này.
Một cuộc hành hương về chốn danh sơn, thiêng liêng gắn với tên tuổi, công tích sự nghiệp của những vì sao đất nước: Thánh Tản Viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến Đá Chông, hẳn không ai không rưng rưng cảm xúc trong sáng, đẹp đẽ đến vô ngần.
Thanh Khê