Đi tìm bản sắc cho phố

Sau hai năm gián đoạn vì dịch, nhiều hoạt động vui chơi, giải trí sôi động trở lại, nhất là tại không gian công cộng khu vực trung tâm. Các tuyến phố đi bộ trong nội ô thành phố hoạt động trở lại với nhiều thay đổi. Tuy nhiên, một thắc mắc cũ vẫn còn băn khoăn với nhiều người đến phố: “Phố đi bộ sao xe cộ vẫn vào?”.

Người trẻ vô tư ngồi bệt ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) để ăn uống và xả rác
Người trẻ vô tư ngồi bệt ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) để ăn uống và xả rác

Trăn trở này cũng đặt ra một bài toán trong quy hoạch và phát triển phố đi bộ ở TPHCM hiện nay. Mới đây, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã trình UBND TPHCM Đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ ở khu vực trung tâm. Đề án dự kiến tổ chức 22 tuyến đường ở trung tâm TPHCM thành phố đi bộ trong 3 năm tới, giúp hạn chế xe vào nội đô, thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế đêm… 

Việc có thêm các tuyến phố đi bộ mang lợi ích nhiều mặt nhưng tổ chức, quản lý và xây dựng thế nào để mỗi tuyến phố thực sự là một bản sắc trong bộ mặt mỹ quan chung của thành phố là chuyện không đơn giản. Không thể quy hoạch và đầu tư hạ tầng bài bản, rồi chỉ dành cho việc bán hàng hay mua sắm như chợ đêm mà một số phố đi bộ trong thành phố hiện đang đối mặt.

Dấu ấn với cộng đồng dân cư và khách du lịch khi đến một thành phố, địa phương chính là những không gian công cộng như phố đi bộ hay quảng trường. Việc xây dựng những tuyến phố đặc trưng về mỹ thuật đô thị, kiến tạo không gian để đặt để những tác phẩm nghệ thuật phản ánh đời sống cộng đồng và dân cư, cần được tính toán. 

Điển hình như tượng điêu khắc qua các trại sáng tác cấp thành phố và quốc tế vẫn còn nằm ở kho của Hội Mỹ thuật TPHCM trong khi nhiều tuyến đường trong thành phố cần tượng điêu khắc để cải tạo về mặt cảnh quan. Lý do dễ nhận thấy, từ năm 1999 đến nay, thành phố vẫn chưa có một bản quy hoạch tổng thể về điêu khắc ngoài trời. Vì thế mà những con đường đặc trưng thể hiện bộ mặt mỹ thuật đô thị, góp phần nâng cao thẩm mỹ cộng đồng vẫn còn là một khoảng trống vắng.

Đặc sản ở TPHCM là gì? Câu hỏi tưởng dễ mà khó bởi vùng đất này hội tụ đủ đặc sắc 3 miền và đặc trưng chính là nhịp sống vừa lạ vừa quen của thị thành. Nơi dễ dàng tiếp nhận, dung hòa và biến đổi những cái mới phù hợp với bản sắc của riêng mình. Một con phố đi bộ đáp ứng nhu cầu du lịch với những sản phẩm cụ thể đến dịch vụ quảng bá nhịp sống TPHCM, cũng là đều cần tính đến. Chẳng hạn như không gian đi bộ chuyên cho các triển lãm ngoài trời, bảo tàng lưu động và sân khấu phù hợp cho những chương trình ca nhạc, sự kiện giải trí phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của người dân và du khách.

Một tính toán khác trong không gian phố đi bộ chính là mảng xanh, “sống xanh” hay bảo vệ môi trường không còn là khẩu hiệu hay xu hướng mà đã đi vào nhịp sống mỗi ngày của người dân. Hài hòa kiến trúc đô thị cùng mảng xanh, những tuyến phố đi bộ đáp ứng nhu cầu tập thể dục và đúng nghĩa đi bộ dành cho người dân là đòi hỏi chính đáng. Giải pháp mảng xanh không chỉ là vấn đề cải thiện môi trường mà còn góp phần xoa dịu những căng thẳng đô thị quanh những cao ốc chọc trời, những đại lộ không ngừng xe cộ.

Quy hoạch và phát triển phố đi bộ phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, thậm chí có những con phố gần như là đại diện cho bản sắc văn hóa khi nhắc đến quốc gia đó. Phố đi bộ không hẳn chỉ để đi bộ mà vấn đề băn khoăn chính là tạo dựng bản sắc đặc trưng cho mỗi khu phố khi mở ra. Kinh tế đêm hẳn không thể thiếu du lịch và điều giữ chân du khách chính là bản sắc khác biệt của mỗi vùng đất, con phố… chứ không phải những con phố chen chân đi bộ trong mớ ngổn ngang xe hàng rong hay các quầy bông tai, túi xách, quần áo.

Tin cùng chuyên mục