Đi tìm lại niềm tin

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 6-11 bắt đầu làm việc với các quan chức Ấn Độ, điểm dừng đầu tiên của chuyến thăm 4 nước châu Á trong vòng 10 ngày, dài nhất kể từ khi ông Obama lên làm Tổng thống. Sau đó ông sẽ đến Indonesia, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 6-11 bắt đầu làm việc với các quan chức Ấn Độ, điểm dừng đầu tiên của chuyến thăm 4 nước châu Á trong vòng 10 ngày, dài nhất kể từ khi ông Obama lên làm Tổng thống. Sau đó ông sẽ đến Indonesia, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Obama lên đường công du châu Á chỉ 2 ngày sau thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử giữa kỳ của đảng Dân chủ. Thoạt nhìn, chuyến đi được nhìn nhận như một sự trốn chạy. Nhưng xét cho cùng, đây cũng là lối hành động khá “truyền thống” vì chú trọng hơn tới các vấn đề đối ngoại vốn là lựa chọn số một của các đời tổng thống Mỹ khi bị thất bại trong bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ đầu.

Tiêu biểu là trường hợp của cựu Tổng thống Bill Clinton, người mà sau thất bại trong các cuộc bầu cử năm 1994 đã rất thành công khi giải quyết vấn đề Bắc Ireland, tìm kiếm hòa bình ở Nam Tư cũ và mở rộng NATO. Điều khác biệt lớn nhất là ông Clinton hành động trong bối cảnh kinh tế rất thuận lợi, trong khi kinh tế lại chính là nguyên nhân khiến ông Obama mất điểm trong các thùng phiếu. Vì thế, các chính sách đối ngoại giờ đây không còn thực sự khiến người Mỹ bận tâm, nếu nó không mang lại lợi ích gì cho nền kinh tế Mỹ.

Mặc dù Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Nirupama Rao cho rằng “sẽ không có sự đột phá gây ấn tượng hay sự chấn động lớn nào” trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Ấn Độ nhưng ai cũng hiểu đột phá sẽ không xuất hiện ngay lập tức. Không chỉ với Ấn Độ mà cả ở Indonesia, Hàn Quốc hay Nhật Bản, chuyến thăm sẽ là cơ hội để củng cố những gì đã có trong quá khứ, mở rộng khung chiến lược dài hạn của quan hệ song phương, xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu.

Để vượt qua khó khăn, Nhà Trắng cần phải chứng tỏ cho dư luận thấy chính sách đối ngoại đang tiến hành không gì khác ngoài mục đích góp phần mang lại việc làm, cải thiện tỷ lệ thất nghiệp tới 9,5% từ hơn 1 năm nay. Trên quan điểm đó, 4 quốc gia mà Tổng thống Obama tới thăm lần này đều có tiềm năng trở thành trung tâm thương mại thế giới mới trong thế kỷ 21 và là thị trường hứa hẹn cho các công ty Mỹ chào bán sản phẩm.

Ngoại trưởng H.Clinton từng khẳng định, lịch sử của thế kỷ 21 sẽ được viết tại châu Á - khu vực được cho là có nhiều sự biến động về tăng trưởng nhất trên thế giới. Nhiều thành phố trong châu lục này sẽ trở thành trung tâm thương mại và văn hóa toàn cầu. Đó cũng là lý do khiến Washington đang nỗ lực củng cố quan hệ với các đối tác mới và các tổ chức quan trọng mang tầm khu vực.

Trong chuyến đi, ông Obama sẽ gặp gỡ với nguyên thủ các nước tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Hàn Quốc và Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Nhật Bản. Dù hai sự kiện này không liên quan tới chính sự ở Mỹ, việc đảng Dân chủ thất thế chắc cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới vị thế của ông Obama.

Sau thất bại vừa qua, ông Obama cần một chiến thắng trong chính sách đối ngoại để tìm lại niềm tin trong lòng nước Mỹ. Nhưng tập trung vào các vấn đề của hành tinh trong lúc đất nước đang thất vọng về mình một cách sâu sắc đôi khi là sự đánh cược nguy hiểm, nhất là nếu sự tập trung đó không phải là những vấn đề người dân quan tâm. Nếu ông Obama quá đặt trọng tâm vào đối ngoại trong khi kinh tế Mỹ vẫn không khởi sắc, ông sẽ phải trả giá, có thể bằng chính chiếc ghế tổng thống của mình. 

HÀ TRANG

Tin cùng chuyên mục