Đi tìm thực phẩm an toàn

Báo SGGP ngày 1-12 đưa tin Bộ NN-PTNT vừa chỉ đạo triển khai việc xác nhận nông lâm thủy sản an toàn để hỗ trợ người tiêu dùng nhận biết thực phẩm an toàn. Đó là giải pháp cần thiết, vì chuyện thực phẩm bẩn đang là nỗi ám ảnh, âu lo của mọi người.

Báo SGGP ngày 1-12 đưa tin Bộ NN-PTNT vừa chỉ đạo triển khai việc xác nhận nông lâm thủy sản an toàn để hỗ trợ người tiêu dùng nhận biết thực phẩm an toàn. Đó là giải pháp cần thiết, vì chuyện thực phẩm bẩn đang là nỗi ám ảnh, âu lo của mọi người.

Không lo sao được khi thông tin về thực phẩm bẩn ngày càng dồn dập hơn, với hàng loạt thủ thuật đáng sợ: heo nuôi bằng cám có chất tạo nạc hay tăng trọng; cá ướp urê; chuối và mít tẩm thuốc để chín đều; rau muống tưới bằng nhớt cho xanh mướt; gà vàng da bằng cách thoa chất đánh bóng bàn ghế... Trong 10 tháng năm 2015, cả nước đã có 150 vụ ngộ độc thực phẩm với 4.000 người phải cấp cứu, tăng vọt so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng hậu quả không phải chỉ như vậy, sẽ còn rất nhiều người bị các bệnh nan y khó sống nổi do ngấm chất độc trong thực phẩm bẩn.

Trong bối cảnh đó, các ngành chức năng và người dân cũng đã có nhiều cố gắng để bữa cơm đỡ độc hại. Tuy nhiên, những mặt hàng đạt chuẩn VietGAP còn quá ít, chưa đa dạng. Đó là chưa nói đến hành trình rau sạch vào được các cửa hàng, siêu thị còn quá gian nan, thế nên chỉ có 10% rau sạch đến được bữa ăn của người dân. Còn heo VietGAP, toàn TPHCM chỉ mới có 3 - 4 điểm bán. Với những người lao động nghèo, công nhân các khu công nghiệp, chỉ có thể chi phí cho một bữa ăn với mức 8.000 - 10.000 đồng/người, thì chuyện mua thực phẩm sạch là điều khó khả thi.

Trả lời tại phiên chất vấn kỳ họp Quốc hội mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định quyết tâm của Nhà nước trong việc chống thực phẩm bẩn. Sau đó, các ngành chức năng mở đợt cao điểm kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm từ nay đến sau Tết Bính Thân. Báo đài mấy ngày nay đưa tin nhiều vụ vi phạm, mua bán thực phẩm bẩn đã bị phát hiện, nhiều cơ sở sản xuất cám chăn nuôi có trộn chất cấm đã bị xử lý. Đây là những nỗ lực của các cơ quan chức năng. Song, điều người dân mong chờ là làm sao để mâm cơm gia đình hay bữa ăn cho người lao động trong các nhà máy thực sự sạch hơn. Chống thực phẩm bẩn phải đi liền với việc cung ứng thực phẩm an toàn cho người dân. Do rau sạch khó vào siêu thị, nên một hợp tác xã trồng rau sạch đã phải mở cửa hàng bán trực tiếp cho người tiêu dùng tại đường Nguyễn Văn Công (quận Gò Vấp) như một cách gỡ khó. Khi người lao động ít tiền vẫn phải gắn bó với chợ tự phát thì chuyện mua được thực phẩm an toàn lại càng mong manh. Vậy liệu rau sạch có thể đi thẳng vào các bếp ăn tập thể được không, như một chuỗi cung ứng trực tiếp? Tương tự như vậy là thịt sạch và các loại rau quả khác. Ai sẽ làm việc này nếu không phải là các doanh nghiệp, các nhà máy, khu công nghiệp? Nhà nước không thể làm thay cho doanh nghiệp, nhưng cũng không thể thiếu vai trò “bà đỡ” của ngành công thương, nông nghiệp… Mùa vải năm 2015 ở các tỉnh phía Bắc đã không thể thắng lớn nếu lãnh đạo các tỉnh này không chịu “xách cặp đi tiếp thị” từ Bắc vào Nam.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm, bên cạnh chuyện chống thực phẩm bẩn, phải dốc sức cho chuyện xây: Làm sao để rau sạch, thịt sạch, rau quả sạch… hiện diện trong bữa cơm người dân - đó là mong mỏi chính đáng cần được đáp ứng.

THẾ BẢO (quận 5, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục