Địa đạo Xuân Lộc

Địa đạo Xuân Lộc

Tiếp theo địa đạo Bạch Mã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng, mới đây quân và dân huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế lại long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng Di tích lịch sử cách mạng địa đạo Xuân Lộc. Địa đạo hình thành từ bàn tay khối óc của Sư đoàn 324 trong kháng chiến chống Mỹ.

Địa đạo Xuân Lộc được hình thành từ bàn tay, khối óc của các chiến sĩ Sư đoàn 324 trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Địa đạo Xuân Lộc được hình thành từ bàn tay, khối óc của các chiến sĩ Sư đoàn 324 trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nằm trên quả đồi cao khoảng 186m cách quốc lộ 1A khoảng 20km về phía Tây, địa đạo Xuân Lộc có hình chữ Y, dài 100m, cao 1,5m, chân rộng 1,1m. Trong đó, nhánh chính dài 80m từ cửa hướng Đông thông ra cửa hướng Tây, nhánh phụ dài 20m theo hướng Tây Nam. Cửa hướng Đông nằm lưng chừng quả đồi, miệng hình vòm nối với hệ thống giao thông hào tỏa đi hai hướng Bắc Nam. Địa đạo được người dân xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc phát hiện vào năm 2010.

Đối chiếu tư liệu lịch sử, xác định địa đạo hình thành từ bàn tay của chiến sĩ Sư đoàn 324. Trong quá trình đào địa đạo từ Tây sang Đông, đất đá được đưa ra phía sau đổ xuống khe nước. Lợi dụng dòng nước chảy để xóa dấu vết, tránh sự quan sát của quân thù trên máy bay.

Ông Đỗ Hữu Hà, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử cách mạng tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, địa đạo Xuân Lộc ra đời đáp ứng yêu cầu kháng chiến chống Mỹ của quân dân Thừa Thiên - Huế. Địa đạo đã che chở an toàn, bí mật cho Sở Chỉ huy Sư đoàn 324 trong các trận đánh ác liệt diễn ra ở mặt trận phía Nam Huế từ năm 1974-1975. Trong đó có chiến dịch La Sơn - Mỏ Tàu diễn ra từ 28-8 – 28-9-1974 (La Sơn - Mỏ Tàu là khu vực phòng thủ của địch ở phía Tây Nam thành phố Huế). Tại đây, địch bố trí lực lượng gồm Trung đoàn 3 - Sư đoàn 1 và Tiểu đoàn 3 - Trung đoàn 51 ở 19 cao điểm xen kẽ với làng mạc vùng giáp ranh, có hàng rào kẽm gai và bãi mìn bảo vệ.

Chiến dịch La Sơn - Mỏ Tàu thắng lợi, ta tiêu diệt và bắt sống 1.800 tên địch, diệt gọn 2 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng 9 tiểu đoàn khác, thu 2.734 súng các loại và bắn rơi 5 máy bay địch, thu hẹp vùng chiếm đóng và phá vỡ hệ thống phòng ngự của quân địch phía Tây Nam thành phố Huế. Qua đó, cắt đứt tuyến đường bộ từ Huế đi Đà Nẵng và làm phá sản kế hoạch bình định lấn chiếm vùng căn cứ cách mạng của ngụy quyền.

Hiện tại, Bảo tàng Lịch sử cách mạng tỉnh Thừa Thiên – Huế đang phối hợp với chính quyền huyện Phú Lộc và Vườn Quốc gia Bạch Mã lập dự án bảo tồn, trùng tu địa đạo Xuân Lộc Bạch Mã. Đồng thời, giới thiệu với các hãng lữ hành du lịch xây dựng tuyến du lịch, tổ chức giao lưu gặp gỡ giữa cựu chiến binh với thế hệ trẻ ôn lại truyền thống đấu tranh quật cường của dân tộc.

Văn Thắng – Huy Cường

Tin cùng chuyên mục