Dịch chuyển dệt may, có dịch chuyển ô nhiễm?

Trước cơ hội hàng dệt may Việt Nam sẽ được hưởng thuế quan ưu đãi 0%, gia tăng thị phần xuất khẩu (XK) khi tham gia các hiệp định thương mại TPP, EU. Việt Nam không chỉ trở thành điểm đến của nhà nhập khẩu hàng dệt may mà còn trở thành điểm đến, điểm dịch chuyển sản xuất của nhiều nhà đầu tư FDI trong lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm hoàn tất. Đây được xem là chìa khóa mở ra cơ hội cho XK dệt may. Nhưng sự dịch chuyển này liệu có kéo theo một sự dịch chuyển về sản xuất ô nhiễm đến Việt Nam?
Dịch chuyển dệt may, có dịch chuyển ô nhiễm?

Trước cơ hội hàng dệt may Việt Nam sẽ được hưởng thuế quan ưu đãi 0%, gia tăng thị phần xuất khẩu (XK) khi tham gia các hiệp định thương mại TPP, EU. Việt Nam không chỉ trở thành điểm đến của nhà nhập khẩu hàng dệt may mà còn trở thành điểm đến, điểm dịch chuyển sản xuất của nhiều nhà đầu tư FDI trong lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm hoàn tất. Đây được xem là chìa khóa mở ra cơ hội cho XK dệt may. Nhưng sự dịch chuyển này liệu có kéo theo một sự dịch chuyển về sản xuất ô nhiễm đến Việt Nam?

Sự hấp dẫn của tăng trưởng xuất khẩu

Việt Nam hiện nằm trong tốp 5 nước XK hàng dệt may đứng đầu thế giới. Trong 20 năm mở cửa, XK hàng dệt may, tăng trưởng XK bình quân hàng năm của Việt Nam ở mức 2 con số. Năm 1990, kim ngạch XK dệt may Việt Nam đạt 1 tỷ USD, đến năm 2013 con số này tăng lên 23,5 tỷ USD (tính cả XK sợi). Ở những thị trường XK lớn như Mỹ, EU, Việt Nam đứng vị trí thứ 2 sau Trung Quốc. Tuy nhiên, dù đạt tăng trưởng cao nhưng dệt may Việt Nam chỉ mới cung ứng được khoảng 2,5% nhu cầu tiêu thụ toàn cầu. Và vì vậy, các hiệp định thương mại như TPP, FTA, Việt Nam - EU đang đàm phán ở giai đoạn cuối trở thành vấn đề nóng được quan tâm. Vì TPP, EU là những thị trường lớn, nếu được hưởng thuế suất 0% khi XK hàng dệt may vào đây thì chắc chắn tăng trưởng XK của dệt may Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn rất nhiều. Với lợi thế này, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế và của các tổ chức nghiên cứu thị trường quốc tế, chỉ trong khoảng 10-15 năm tới, thị phần XK dệt may của Việt Nam sẽ đạt mức tăng mạnh mẽ, chiếm 10% thị phần cung ứng tiêu thụ toàn cầu. XK dệt may Việt Nam nhiều khả năng sẽ đạt 50 tỷ USD vào năm 2025.

Tuy nhiên, để có bước đi suôn sẻ và đạt được những con số XK trong mơ như trên, dệt may Việt Nam phải đáp ứng được yêu cầu xuất xứ trong chuỗi cung ứng. Mỹ - thị trường quan trọng trong TPP yêu cầu phải có xuất xứ từ sợi (công đoạn sản xuất vải tính từ sợi phải được sản xuất tại Việt Nam hoặc các nước thành viên trong TPP). Đó là một điều kiện không dễ cho một ngành công nghiệp phụ trợ dệt may vốn còn thiếu tại Việt Nam. Chính điều kiện này, các nhà đầu tư FDI đã nhanh chóng đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Hiện tại, bên cạnh các dự án đầu tư vào sản xuất sợi, dệt, nhuộm của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), hàng loạt dự án lớn của FDI đã đầu tư mạnh vào công đoạn còn thiếu này. Trên cơ sở này, dệt may Việt Nam chắc chắn sẽ có đủ tiềm lực, nguồn cung vải tại chỗ để phục vụ XK và quan trọng là đáp ứng được yêu cầu xuất xứ Mỹ, EU đưa ra để hưởng được mức thuế ưu đãi 0% so với các nước XK dệt may khác.

Dịch chuyển dệt may, có dịch chuyển ô nhiễm? ảnh 1

Hàng dệt may xuất khẩu được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Ảnh: MỸ HẠNH

Áp lực cho môi trường

Trung Quốc - nước sản xuất nguyên phụ liệu và XK hàng dệt may đứng đầu thế giới, chiếm gần 50% thị phần cung ứng cho toàn cầu đang đối diện với ô nhiễm nghiêm trọng trong nước. Nhiều làn sóng dịch chuyển sản xuất, nguyên liệu, dệt may từ Trung Quốc sang các nước khác trong thời gian gần đây. Điều này cho thấy Trung Quốc đang điều chỉnh chính sách phát triển, trong đó có nỗ lực cắt giảm tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng ở đất nước này. Tham dự Hội nghị khách hàng 2014 của Tổng Công ty CP May Việt Tiến tại TPHCM mới đây, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP May Việt Tiến chia sẻ, theo báo cáo của Bộ Tài nguyên-Môi trường Trung Quốc tại hội chợ về hóa chất diễn ra tại Thượng Hải diễn ra đầu tháng 4-2014, số liệu cho thấy tình trạng ô nhiễm tại Trung Quốc khá nghiêm trọng, 62% là ô nhiễm nặng, 35% ô nhiễm nhẹ, chỉ 3% đạt tiêu chuẩn. Và sự phát triển của sản xuất nguyên liệu dệt, nhuộm tại Trung Quốc cũng được xem là một trong những nguyên nhân góp phần ô nhiễm nước thải.

Câu chuyện về ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc cũng tạo ra một áp lực lớn cho ngành quản lý của Việt Nam và DN ngành dệt may. Ở góc độ DN, ông Vũ Đức Giang cho rằng, khát vọng, mong muốn của Việt Tiến cũng như các DN trong Vinatex là phải có sản phẩm tốt hơn, an toàn hơn cho người tiêu dùng trong nước. Ông Lê Trung Hải, Phó Tổng Giám đốc Vinatex đánh giá, thực tế hiện nay các địa phương trong nước rất lo ngại trong cấp phép đầu tư các sản phẩm cho ra nước thải. Với Vinatex thì các địa phương cũng đã ủng hộ vì tập đoàn hướng xây dựng hàng loạt dự án lớn đảm bảo nghiêm ngặt môi trường, nếu không đảm bảo môi trường thì không thể làm được. Hơn nữa, môi trường là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu mà những nhà nhập khẩu dệt may, khách hàng lớn luôn đòi hỏi, đánh giá khi quyết định đầu tư, đặt mua hàng.

Hiện nay, đã có nhiều DN FDI đã đầu tư vào Việt Nam để sản xuất khâu sợi, dệt, nhuộm, trong đó có nhiều DN dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc. Có nhiều quan ngại cho rằng, liệu Việt Nam có trở thành điểm đến của dịch chuyển ô nhiễm dệt may? Nguyên liệu vải sản xuất trong nước sẽ cho Việt Nam cơ hội tăng trưởng XK nhưng bù lại chúng ta cũng phải đối diện với bài toán môi trường, nước thải của dệt, nhuộm. Khi đề cập đến vấn đề này, nhiều lãnh đạo bộ, ngành khẳng định, chúng ta không phát triển dệt may bằng mọi giá! Liệu Việt Nam có thể kiểm soát được lo ngại này?

MỸ HẠNH

Tin cùng chuyên mục