Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, dịch heo tai xanh đã lan ra 11 tỉnh và thành phố trên cả nước. Theo đó, đã có 154 xã, phường, thị trấn của 28 quận, huyện có heo mắc bệnh tai xanh, tổng số heo bị mắc bệnh đã lên tới gần 50.000 con, trong đó đã tiêu hủy 21.000 con. Dịch vẫn đang tiếp tục phát sinh thêm nhiều ổ dịch mới ở các địa phương với tốc độ lây lan rất nhanh.
Theo ông Hoàng Văn Năm, Quyền Cục trưởng Cục Thú y, trong tổng số heo nhiễm bệnh tai xanh lần này, chiếm tới 40% là heo thịt, 50% là heo con.
Trước diễn biến phức tạp của dịch tai xanh trên heo ở các tỉnh phía Bắc, các tỉnh, thành ĐBSCL đang nỗ lực tăng cường kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc. Tuy nhiên, nhiều khả năng vẫn để “lọt lưới” gia súc bị bệnh vào trong vùng.
Tại Cần Thơ, nơi được xem là “cửa ngõ” vào các địa phương Tây sông Hậu, Trạm kiểm dịch động vật Cầu Bắc (nằm gần bến phà Hậu Giang - phía Cần Thơ) trở nên thưa thớt khi các chuyến xe vận chuyển gia súc đi qua cầu Cần Thơ. “Trước đây, các xe vận chuyển động vật đi phà Hậu Giang đều ghé trạm Cầu Bắc để phúc kiểm. Song từ khi cầu Cần Thơ đưa vào sử dụng, Trạm kiểm dịch Cầu Bắc trở nên “trái chiều” - một số phương tiện vận chuyển “truyền thống” đã vắng mặt, lượng xe quá cảnh giảm nhiều” – ông Lưu Phước Hậu, Chi cục phó Chi cục Thú y Cần Thơ, cho biết.
Theo ông Hậu, các chuyến xe vận chuyển gia súc “vắng mặt này có thể đi thẳng về các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau… qua cầu Cần Thơ”. Ông Hậu cho biết thêm, đơn vị đang tìm địa điểm mới để đặt trạm kiểm dịch động vật gia súc hiệu quả hơn!
Tỉnh Bạc Liêu đang rộ lên chuyện người dân đồn đoán heo chết là do dịch bệnh tai xanh. Trao đổi với PV Báo SGGP chiều 5-5, ông Trương Phước Thông, Chi cục phó Chi cục Thú y Bạc Liêu, đã bác bỏ thông tin trên và cho biết số heo chết vừa qua chỉ do bệnh thông thường như tụ huyết trùng, thương hàn, E.coli… Ngành thú y tỉnh này đang tăng cường giám sát và tiêm phòng bổ sung các loại vaccine trên gia súc.
Từ ngày 1 đến 4-5, đoàn kiểm tra liên ngành Hà Tĩnh phát hiện và bắt giữ nhiều ô tô tải, xe gắn máy bí mật vận chuyển số lượng lớn heo không rõ nguồn gốc, có biểu hiện của dịch tai xanh vào địa bàn Hà Tĩnh.
Cụ thể, ngày 3-5, tại xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh phát hiện, bắt giữ 2 ô tô tải 38H-5705 và 38H-1090 đang vận chuyển 106 con heo không rõ nguồn gốc, nghi bị nhiễm dịch tai xanh từ huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam vào lò mổ Bãi Dâu, TP Huế để tiêu thụ.
Trước đó, tại huyện Đức Thọ và Nghi Xuân, cơ quan chức năng Hà Tĩnh cũng phát hiện, bắt giữ ô tô tải 98K-3587 vận chuyển hơn 60 con heo không rõ nguồn gốc và có biểu hiện của dịch tai xanh từ tỉnh Bắc Giang vào huyện Hương Sơn. Số heo này đưa đi xét nghiệm thì cho kết quả dương tính với dịch heo tai xanh.
Ngày 5-5, trao đổi với PV SGGP, ông Võ Khắc Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đào (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) cho biết: Từ ngày 2-5 đến nay, trên địa bàn xã Bình Đào không xuất hiện thêm ổ dịch heo tai xanh nào nữa. Tính đến nay, trên địa bàn xã Bình Đào đã có 42 con heo của 28 hộ gia đình chăn nuôi bị nhiễm bệnh buộc phải thiêu hủy khẩn cấp.
V.Phúc
Thông tin liên quan |
- Thêm 2 người mắc bệnh liên cầu khuẩn từ heo - Liên cầu khuẩn ở heo có thể gây tử vong cho người - Quảng Nam: Bán heo “chạy dịch” |