Hội nghị đầu tư thường niên ĐBSCL năm 2016 (MekongInvest), được tổ chức tại TP Cần Thơ trong 2 ngày 11 và 12 vừa qua là sự kiện quan trọng của vùng, nhằm giới thiệu với các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Thái Lan, New Zealand, lãnh thổ Đài Loan.
Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết MekongInvest đang là hoạt động xúc tiến quan trọng để gắn kết doanh nghiệp vùng ĐBSCL và doanh nghiệp các nước hợp tác thương mại, đầu tư vào ĐBSCL. Nhiều dự án lớn về giao thông, nhiệt điện, cảng biển trị giá hàng tỷ USD đã và đang được đầu tư tại ĐBSCL. Trong 6 tháng đầu năm 2016, ĐBSCL thu hút 1,4 tỷ USD vốn FDI, chiếm 12% trong tổng vốn thu hút của cả nước. Chính quyền địa phương rất năng động trong điều hành và dành nhiều thời gian hơn để trao đổi, chia sẻ cùng doanh nghiệp. Điều này đang tạo ra cơ hội lớn để ĐBSCL thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế nhằm phát triển kinh tế trong những năm tới.
Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại và hội chợ triển lãm Cần Thơ, MekongInvest lần thứ nhất (năm 2014) có 9 nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại ĐBSCL; lần thứ hai có 16 nhà đầu tư Nhật Bản đến tìm hiểu đầu tư; lần thứ ba 8 tỉnh, thành được kết nối về nông nghiệp công nghệ cao. MekongInvest lần thứ tư tập trung kêu gọi đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, chuỗi giá trị nông sản, thiết bị máy móc nông nghiệp. Cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định chung của Chính phủ và tùy theo địa phương có chính sách ưu đãi đối với địa bàn khó khăn, đặc biệt. Có thể khẳng định, thủ tục hành chính của các địa phương vùng ĐBSCL đã được cải thiện đáng kể thời gian gần đây. Và tại TP Cần Thơ, Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc đang rộng mở chào đón các nhà đầu tư lĩnh vực chế biến nông sản, thủy sản, cơ khí chế tạo. Vườn ươm là kỳ vọng lớn để tạo nên sức bật mới về công nghệ cao cho vùng.
Trong 3 năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Nhật đã đến ĐBSCL để tìm cơ hội đầu tư vào nông nghiệp. MekongInvest lần này thu hút hơn 30 nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, tìm cơ hội hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao và phát triển đô thị. Các địa phương nêu cụ thể hơn về nhu cầu và chính sách của địa phương mình trong mời gọi đầu tư, chẳng hạn như: cần công nghệ gì, cơ chế chính sách, ưu đãi thuế, đất đai, hình thức đầu tư; các thủ tục hành chính của các địa phương… để các nhà đầu tư có thể tìm hiểu và kết nối đầu tư.
Một khảo sát do VCCI và nhiều tổ chức khác thực hiện nêu ra nhiều lý do để đầu tư vào ĐBSCL như: tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, môi trường đầu tư lý tưởng, có đến 17,5 triệu người tiêu dùng, lực lượng lao động hùng hậu, ngành nông nghiệp và thủy sản phát triển mạnh mẽ… “Theo điều tra PCI năm 2015, điểm trung vị PCI của ĐBSCL đạt 59,2, cao hơn các vùng khác trong cả nước. Trong 10 tiêu chí đánh giá thì ĐBSCL có 7 tiêu chí cao hơn điểm trung bình cả nước. Điều này cho thấy, ĐBSCL có cải thiện rất nhiều về môi trường đầu tư”, TS Võ Hùng Dũng nhận định. Tại hội nghị lần này, ĐBSCL kêu gọi 50 dự án đầu tư vào nông nghiệp với tổng số vốn 1,385 tỷ USD. MekongInvest là cơ hội cho các nhà đầu tư, cũng là cơ hội để ĐBSCL đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp trong thời gian tới.
HIỀN TRANG