Điểm nhấn đô thị ven biển

Sự tận tâm, nỗ lực của từng người dân, cán bộ nơi đây không chỉ giúp thành phố (TP) cán đích đô thị loại 2 sớm mà còn là thắng lợi của nhiệm kỳ này, là dấu mốc lịch sử của Bạc Liêu.
Điểm nhấn đô thị ven biển

Sự tận tâm, nỗ lực của từng người dân, cán bộ nơi đây không chỉ giúp thành phố (TP) cán đích đô thị loại 2 sớm mà còn là thắng lợi của nhiệm kỳ này, là dấu mốc lịch sử của Bạc Liêu.

Thành phố văn hóa đồng bằng

Cuối tháng 4-2014, TP Bạc Liêu chính thức lên đô thị loại 2. Bất ngờ ở chỗ lộ trình được rút ngắn không ngờ, từ 5 năm (2011 - 2015) xuống còn khoảng 4 năm. “Tất cả nhờ vào 2 nghị quyết của tỉnh Đảng bộ về xây dựng TP Bạc Liêu là đô thị loại 2 và phát triển du lịch. Cả tỉnh đã quyết liệt tập trung đầu tư cho mục tiêu này”, Phó Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu Lê Văn Thông khẳng định.
 
Thành phố vụt đổi thay. Bờ kè sông Bạc Liêu uốn lượn như mơ; cầu Tràng An bắc qua sông 30-4; đường Bạch Đằng với hai hàng đèn cao áp nối ra biển dài hơn 4km, rộng hơn 30m cơ bản hoàn thành; lộ Cao Văn Lầu thênh thang hòa cùng đường Hòa Bình nối dài… Đô thị được chỉnh trang từ vỉa hè, đèn chiếu sáng, hệ thống cây xanh, xử lý nước và rác thải. Ngôi chợ trung tâm khang trang 2 tầng đang dần hiện lên giữa trung tâm TP. Những hộ ở thế “xương cá”, sâu, xa cũng có điện sinh hoạt.

Điều tâm đắc, quan trọng nhất là cuộc sống người nghèo được nâng lên. Hộ nghèo của TP từ hơn 2.000 hộ (năm 2010, khi mới lên TP) nay chỉ còn 540 hộ. Vĩnh Trạch Đông là xã nghèo nhất TP được đặc biệt quan tâm. Khu tái định cư gồm 100 căn nhà (50 triệu/căn hơn 40m2) đã đón những hộ không có đất về sinh sống. “Có đủ giường, chiếu, bàn ghế… Con cái được đi học miễn phí, bệnh tật có bảo hiểm”, chị Thạch Sol đang ngồi bán trái cây ngay trước khu tái định cư cười hể hả.
 
Đối diện hai bên Quảng trường văn hóa Hùng Vương là Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và tượng đài Mậu Thân 1968. Cả hai công trình đều khánh thành trong lễ hội Đờn ca tài tử vừa qua. Bảng đá hai bên tượng đài Mậu Thân nối dài tên liệt sĩ. “Nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống. Đây là nơi thể hiện sự tri ân lớp cha anh ngã xuống, giúp lớp trẻ hiểu rõ hơn giá trị cuộc sống hôm nay”, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bạc Liêu nhận xét.

Việc xuất hiện hàng loạt công trình văn hóa khiến nơi đây trở thành điểm hẹn văn hóa, thay đổi hẳn dáng vóc TP Bạc Liêu. Quảng trường văn hóa Hùng Vương nổi bật với chiếc đờn kìm trở thành biểu tượng đẹp, tạo lực hút kỳ lạ cho du khách.
 
Thế mạnh xứ biển
 
Ngôi nhà mái tôn nuôi cua lột chứa hàng trăm ống nhựa dài hơn 30m được thả xuống nước. Cứ 1m2 ống nhựa gắn 16 hộp/16 chú cua đợi lột. Công nhân cứ nhịp chân, thả cá tạp xuống từng hộp cho cua ăn, con nào lột bắt lên, để riêng. Trước khi đưa cua vào khu này phải nuôi cua nguyên liệu ở các ao riêng. Quốc Định, chủ nhiệm HTX Nam Đông (Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu) nói đã thuê hơn 10ha đất, bỏ cả tỷ đồng để làm kênh dẫn nước, đào 17 ao (3.000m2/ao) nuôi cua nguyên liệu.
 

Trong nhà nuôi cua lột.

Trong nhà nuôi cua lột.

Cua lột là loại hàng “độc”, rất hút hàng tại thị trường Nhật, châu Âu… Hiện ĐBSCL có 3 nơi tập trung nuôi cua lột là Phước Đại (Cần Giuộc - Long An), Bình Đại (Bến Tre) và Vĩnh Trạch Đông, mô hình đầu tiên tại Bạc Liêu. “Cua chỉ thích hợp độ mặn 20‰ - 25‰ nhưng ở đây cao hơn 30‰ nên nuôi cực hơn”, anh Lê Hồng Hải, kỹ thuật viên của HTX nói vậy.

Mới qua 1 vụ (3 tháng/vụ), hơn 150.000 con cua lột đã xuất ngoại. Và 500.000 con giống mới lại vẫy vùng trên vùng đất vẫn trắng mốc bởi cải tạo từ đồng muối ven biển này. “Đây là hướng đi mới khi đầu ra con tôm vẫn bấp bênh”, Phó Chủ tịch Lê Văn Thông chia sẻ. TP có mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng (khoảng 60ha) hiệu quả cao trong nhà kính duy nhất cả nước của Công ty TNHH MTV Hải Nguyên, từng được nhiều vị lãnh đạo Đảng - Nhà nước đến tham quan; có con tôm Sáu Ngoãn vang danh tứ xứ, bây giờ cua lột Quốc Định lại bơi xa.

Đô thị loại 2, tầm vóc mới, trách nhiệm mới. TP hướng đến xây dựng “xanh - sạch - đẹp”, tiếp tục “tiến vào từng con hẻm”; “nông nghiệp đô thị” (chiếm 12% trong cơ cấu) giá trị cao, bền vững. Giống nhãn mới trái lớn, khô, thơm dịu (giá đến 150.000 đồng/kg) đã xuất hiện; địa lan, măng tây xanh, cải rổ, ngò rí… được đăng ký chỉ dẫn địa lý, chứng nhận an toàn.

Với thế mạnh chiếm tới 2/3 cơ sở du lịch cả tỉnh, khu nhà công tử Bạc Liêu, khu Quán âm Phật đài, vườn chim… được nâng cấp nhờ xã hội hóa; đầu tư 150 - 200 triệu đồng mỗi nhà văn hóa gắn liền với trụ sở ấp để phát huy hiệu quả hơn. 2 xã Vĩnh Trạch, Hiệp Thành sẽ trở thành xã nông thôn mới trong năm 2014…

“Quan trọng nhất là sự đồng thuận. Và chúng tôi đã có điều đó. Khi làm bờ kè, 150 hộ dân “đi cái rẹt”; đường Cao Văn Lầu dân đồng ý giao đất trước, nhận tiền sau. Tất cả là hướng đến quyền lợi người dân”, Phó Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu Lê Văn Thông nhấn mạnh.

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục