Điểm nối cung đường chiến lược

16 giờ ngày 30-10-1960, tại khu vực suối Đắk R’Tih (tỉnh Quảng Đức, nay là buôn Cây Xoài, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông), giao liên hai miền gặp nhau, nối thông hành lang Bắc - Nam. Đây là đường hành lang chiến lược để hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

16 giờ ngày 30-10-1960, tại khu vực suối Đắk R’Tih (tỉnh Quảng Đức, nay là buôn Cây Xoài, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông), giao liên hai miền gặp nhau, nối thông hành lang Bắc - Nam. Đây là đường hành lang chiến lược để hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Gặp người mở đường ngày ấy

Hơn 50 năm sau khi đường hành lang Bắc - Nam khai thông, chúng tôi gặp một nhân chứng lịch sử quan trọng là ông Hoàng Minh Đỏ, hiện đang sinh sống tại xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.

Năm nay đã 85 tuổi nhưng ông Hoàng Minh Đỏ vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Ông dẫn chúng tôi vượt hơn 20km (trong đó có 5km đường rừng lầy lội) từ trung tâm xã Lộc Bảo vào thôn 3, nơi có tấm bia di tích “giao liên hai miền gặp nhau, nối thông hành lang chiến lược Bắc – Nam” và say sưa kể về cuộc hành quân mở đường ngày ấy. Năm 1959, Bộ Quốc phòng thành lập Đoàn B90, lựa chọn một số cán bộ, chiến sĩ ra Bắc tập kết, trở lại miền Nam hoạt động. Ông là một trong số 25 người được lựa chọn gia nhập Đoàn B90, thực hiện nhiệm vụ khai thông hành lang chiến lược Bắc - Nam. “Đây là nhiệm vụ quan trọng và bí mật. Cho đến trước ngày lên đường, người đoán là đi học, người đoán đi công tác nước ngoài” – ông Hoàng Minh Đỏ nói.

Khai thông hành lang

Ngày 20-6-1959, Đoàn B90 do đồng chí Trần Quang Sang (Ba Thọ) phụ trách, bắt đầu hành quân. Đoàn chia thành nhiều tổ, cắt đường rừng để đi với khẩu hiệu “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Sau hơn một năm vượt suối băng rừng, ngày 30-9-1960, Đoàn B90 vào đến tỉnh Quảng Đức (nay là tỉnh Đắc Nông).

Từ đây, Đoàn B90 chia thành 2 đội, trong đó một đội gồm 4 đồng chí: Phạm Văn Nhường (Năm Nhường), Hoàng Minh Đỏ (Ba Đen), Phan Văn Lạc (Tư Lạc) và Trần Văn Thời phát triển sang vùng Bắc B’Lao (nay là 2 xã Lộc Bắc, Lộc Bảo huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) để nối thông đường hành lang Bắc – Nam. Cùng thời điểm, Khu ủy và Ban quân sự Khu ủy miền Đông Nam bộ giao nhiệm vụ cho Đoàn C200 mở đường hướng thượng nguồn sông Đồng Nai lên Bắc Tây Nguyên để bắt liên lạc với Đoàn B90.

16 giờ ngày 30-10-1960, hai đoàn công tác B90 và C200 gặp nhau tại ngã ba suối Đắk R’Tih, lệnh thông đường hành lang chiến lược Bắc – Nam được thực hiện. Ông Hoàng Minh Đỏ nhớ lại: Từ con đường này, chiến trường miền Nam đã đón nhận hàng vạn con em tập kết trở về và hàng trăm ngàn cán bộ, chiến sĩ cùng vũ khí, đạn dược, tài liệu từ miền Bắc chi viện để làm nên chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975.

Ngày nay, tại buôn Cây Xoài, xã Đắk Nia (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông) và thôn 3, xã Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) đều có bia di tích “Giao liên hai miền gặp nhau nối thông hành lang chiến lược Bắc - Nam”. Riêng địa điểm buôn Cây Xoài đã được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.

Nam Viên

Tin cùng chuyên mục