Điện ảnh Việt: Cởi mở và minh bạch để hợp tác quốc tế

Ngày 28-4, Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA) và Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế “Nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam - Phát triển bền vững và mang tính cạnh tranh quốc tế”.
Phim Bóng đè vừa được 25 quốc gia mua lại bản quyền phát hành
Phim Bóng đè vừa được 25 quốc gia mua lại bản quyền phát hành

Cần kể câu chuyện của riêng mình

Phát biểu mở màn, đạo diễn Charlie Nguyễn nêu 3 thực trạng, cũng là những yếu tố nếu được cải thiện sẽ giúp nền điện ảnh phát triển: “Đầu tiên, điện ảnh Việt cần kể câu chuyện của riêng mình, thay vì kể lại những câu chuyện của người khác, phổ biến là tình trạng phim làm lại (remake). Tiếp nữa, bản thân người làm nghề cần được đào tạo bài bản bởi thực tế. Đội ngũ làm phim hiện nay đa phần tích lũy kinh nghiệm từ công việc họ đang làm. Và cuối cùng, chúng ta chưa đạt sự chuyên nghiệp dẫn đến tồn tại liên quan như: Chất lượng nhân sự, bảo vệ quyền lợi người lao động, quy chuẩn về thời gian…”.

Đạo diễn Phan Đăng Di đề cập vấn đề nổi cộm: “Ở Việt Nam, đầu tư cho nội dung phim đang yếu, vai trò của biên kịch bị xem nhẹ. Hiện chúng ta chưa có giải pháp căn cơ để nâng cao chất lượng người làm nội dung”.

Ý kiến tại hội thảo cho thấy, điện ảnh Việt hiện chủ yếu hướng đến thị trường nội địa với lợi thế lượng khán giả đông đảo. Tuy nhiên, xu hướng toàn cầu hóa trong nhu cầu thưởng thức của khán giả, sự cạnh tranh với các nền tảng trực tuyến, đang đặt ra không ít thách thức. Để khẳng định vị thế, vấn đề cốt yếu là làm sao ngành công nghiệp điện ảnh Việt gắn chặt với cộng đồng làm phim quốc tế. Bởi, quá trình sản xuất phim hiện tại không còn bó hẹp trong phạm vi một quốc gia.

Theo ông Jay Roewe, Phó Chủ tịch cấp cao, phụ trách sản xuất và chương trình ưu đãi của HBO: “Chúng tôi mong muốn có các nội dung từ hoạt động sản xuất phim của Việt Nam đưa đến cho khán giả toàn cầu thưởng thức”. Tuy nhiên, ông cho rằng, “Việt Nam vẫn đang ngủ” dù là quốc gia tươi đẹp, có nhiều câu chuyện mong muốn được chia sẻ.

Thực tế này cũng được bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VH-TT-DL, nhìn nhận một cách thẳng thắn: “Chúng ta đang đi sau các nước và chịu rất nhiều áp lực cạnh tranh, ngay cả trong khu vực với Thái Lan, Malaysia, Singapore… khi họ đã có chính sách ưu đãi hoàn thuế lên đến 30%, có quỹ hỗ trợ điện ảnh cho các tài năng trẻ. Chúng ta cũng đang thiếu Ủy ban Điện ảnh để cung cấp các thủ tục, giới thiệu công ty hậu cần, dịch vụ của Việt Nam cho các đối tác nước ngoài. Chưa kể, yêu cầu thẩm định kịch bản trước, cũng là rào cản với các đoàn phim quốc tế”.

Đồng quan điểm, theo TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch VFDA, hai khó khăn lớn nhất hiện nay là cơ chế ưu đãi và rào cản về mặt thủ tục.

Thu hút và cạnh tranh

Theo bà Nguyễn Phương Hòa, đây là thời điểm thuận lợi để thu hút các đoàn phim nước ngoài đến Việt Nam, nhất là khi Luật Điện ảnh đang được sửa đổi, là khung pháp lý quan trọng, hứa hẹn sự “cởi mở”. Nhưng, để hội nhập quốc tế, theo bà, cần xuất phát từ chính nội tại: Kể cho thế giới nghe câu chuyện Việt, bản sắc Việt, nhưng có giá trị mang tính nhân loại.

Bà nhấn mạnh: “Chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh việc tham gia thường xuyên vào các liên hoan phim quốc tế, khu vực để giới chuyên môn, công chúng quốc tế biết đến điện ảnh Việt. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển doanh thu song song giữa thị trường nội địa và quốc tế, đặc biệt phát hành trên các nền tảng số”.

Ông Jay Roewe cho rằng, việc hợp tác quốc tế nên được nhìn nhận từ cả hai phía: Nhà làm phim và chính phủ. Các đoàn phim quốc tế luôn muốn hợp tác với những nhân sự giỏi nhất tại quốc gia bản địa. Ông Freddie Yeo, Giám đốc điều hành Infinite Studios (Singapore), chia sẻ nhiều lợi ích từ hợp tác này. Đó là, tạo ra nhiều việc làm trong tất cả các vị trí; chuyển giao các kỹ năng làm việc từ những người có kinh nghiệm; tác động kinh tế lên các ngành công nghiệp liên quan (khách sạn, vận chuyển, ăn uống…).

Ở phương diện hợp tác với chính phủ, theo ông Jay Roewe, các chính sách hỗ trợ cho nhà làm phim luôn rất quan trọng. Nơi nào có các chính sách cạnh tranh tốt nhất sẽ là điểm đến của các bộ phim. Đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng, để hợp tác với các đoàn phim nước ngoài, trước hết cần có Ủy ban Điện ảnh - đơn vị trung gian hỗ trợ, kết nối.

Đặc biệt, liên quan đến chính sách hoàn thuế, phải thật sự thu hút và cạnh tranh. Tuy nhiên, theo bà Phương Hòa, trong khi Việt Nam chưa có những ưu đãi về thuế, tài chính, nếu có thủ tục minh bạch sẽ tạo điều kiện cho các đoàn phim quốc tế dễ dàng đến Việt Nam.

Theo bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi sẽ cắt bỏ các thủ tục kinh doanh không phù hợp, như việc hợp tác làm phim với nước ngoài sẽ đề nghị bỏ quy định cấp phép.


Các đoàn phim nước ngoài đến Việt Nam thông qua các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp dịch vụ mới cần phải cấp phép. Mọi tổ chức, cá nhân nước ngoài có thể hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, luật cần xem xét thêm mức phân loại PG (dành cho trẻ dưới 13 tuổi có cha mẹ đi kèm).

Tin cùng chuyên mục