"Bộ tứ" nghị quyết mới làm nền tảng nâng cao năng lực nội sinh
Phát biểu tại diễn đàn, Giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ đánh giá cao sự chủ động của Báo SGGP khi sớm có kế hoạch tổ chức hoạt động cấp thiết này, công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, tập trung bàn luận vào các nội dung thiết thực.
Đồng tình với phát biểu của lãnh đạo Báo SGGP, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cũng nhìn nhận sự kiện này không phải cú hích hay chìa khóa, nhưng sẽ là diễn đàn quan trọng để bàn những vấn đề sát sườn của đất nước, của TP.

Ông chia sẻ, ngay khi có sự thay đổi chính sách của Hoa Kỳ, Sở Công thương cũng gặp gỡ doanh nghiệp, chủ trì lắng nghe, xác định thị trường xuất khẩu với doanh nghiệp TPHCM là quan trọng. Chúng ta dù chỉ xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ khoảng 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng TPHCM luôn xác định đây là thị trường quan trọng do tính dẫn dắt hành vi tiêu dùng và chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó rất cần trở bộ mang tính thời sự và những điều chỉnh mang tính chiến lược, lâu dài.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ gợi mở các doanh nghiệp tìm cách phát huy các FTA (Hiệp định thương mại tự do). Ông nhìn nhận chúng ta thực sự chưa tận dụng hết các lợi thế này. Từ góc độ quản lý nhà nước, ông mong các doanh nghiệp tiếp tục phát huy các lợi thế từ các hiệp định này và tham mưu trở lại, để có chính sách tốt hơn.
Hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công thương đang chủ trì các cuộc đàm phán thương mại với Hoa Kỳ. Chúng ta kỳ vọng một mức thuế phù hợp, có thể điều chỉnh ngắn hạn trong giảm chi phí đầu vào, mở rộng thị trường. Giá trị xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm, TPHCM đạt 36,6 tỷ USD, tăng 11%, là tín hiệu phục hồi nhưng cũng đang trong sức ép của thời gian vàng 90 ngày.
Lãnh đạo Sở Công thương TPHCM cũng cho rằng cần thúc đẩy khai thác lợi thế của thị trường trong nước, 100 triệu dân với sức mua ngày càng tăng là thị trường lớn. Doanh nghiệp đầu tư ở Việt Nam phải có trở bộ để xem thị trường trong nước là thị trường rất quan trọng. Trong vài năm qua, việc này đã thực hiện một cách chiến lược, bài bản, nhiều doanh nghiệp của TPHCM đã có sản phẩm cung ứng ra thị trường, chiếm tỷ trọng nhất định trong thị trường nội địa.
“Chúng ta cũng phải nâng cao năng lực nội sinh trong bối cảnh có "bộ tứ" Nghị quyết là căn cơ, nền tảng cho kinh tế tư nhân, cho doanh nghiệp, cho khoa học công nghệ, phải nâng cao sức mạnh nội sinh của từng doanh nghiệp”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ nhấn mạnh.
Cùng với đó, là thúc đẩy việc liên kết, liên kết vùng nguyên liệu, thị trường. Tới đây, khi TPHCM được sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu thì không gian phát triển mở rộng hơn cho doanh nghiệp. TPHCM sẽ tiếp tục phát huy vai trò là trung tâm trong nhiều lĩnh vực.
Việt Nam đang thực hiện “bộ tứ chiến lược” theo các nghị quyết của Bộ Chính trị: phát triển đột phá KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (Nghị quyết 57); hội nhập quốc tế trong tình hình mới (Nghị quyết 59); đổi mới công tác xây dựng và thực thi pháp luật (Nghị quyết 66); phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia (Nghị quyết 68).
Kinh tế tư nhân là mệnh lệnh chính trị
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo SGGP Nguyễn Khắc Văn nhấn mạnh: Diễn đàn CEO năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, có nhiều biến động. Là cơ quan báo chí chủ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM, Báo SGGP xác định không chỉ hoạt động tích cực trên mặt báo mà còn tham gia tích cực vào các hoạt động, sự kiện sau mặt báo.

Theo Nhà báo Nguyễn Khắc Văn, tại Hội nghị toàn quốc ngày 18-5 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định phát triển kinh tế tư nhân là mệnh lệnh chính trị để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập, trên thế "kiềng ba chân": kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân. Gần đây, hàng loạt nghị quyết được ban hành với tốc độ chưa từng có. Đó là các Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, Nghị quyết 198/2025/QH15 về chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết 66-NQ/TW và 68-NQ/TW. Các nghị quyết, hoạt động này không chỉ là lời khẳng định chính trị mạnh mẽ, mà còn là cam kết thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, công bằng cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực và phát triển bền vững.
Doanh nhân là chiến sĩ trên mặt trận kinh tế, nhưng để xe đi nhanh, không thể thiếu một con đường bằng phẳng và "luật giao thông" minh bạch. Điều doanh nghiệp cần không chỉ là động lực mà là môi trường pháp lý nhất quán và liên kết chặt chẽ giữa các khu vực kinh tế.
“Chúng tôi không kỳ vọng rằng diễn đàn hôm nay sẽ đưa ra một công thức chung, nhưng với sự tham gia của các vị lãnh đạo, các CEO, các chuyên gia và nhà quản lý các cấp, diễn đàn sẽ là nơi khơi mở các góc nhìn đa chiều, góp phần hình thành giải pháp cụ thể, phù hợp từng ngành, từng lĩnh vực”, nhà báo Nguyễn Khắc Văn nhấn mạnh.

Tham dự diễn đàn có: ông Nguyễn Thành Nam, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công thương; ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM; ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA).
Về phía Báo SGGP có: Nhà báo Nguyễn Khắc Văn, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo SGGP; nhà báo Phạm Văn Trường, Phó Tổng Biên tập; bà Bùi Thị Hồng Sương, Phó Tổng Biên tập.

Diễn đàn quy tụ hơn 100 lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia và đại diện cơ quan quản lý cùng thảo luận về các giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển thị trường nội địa, tiếp cận vốn xanh, chuyển đổi số và liên kết chuỗi giá trị. Trong đó, có sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành đang phải chịu tác động trực tiếp từ các hàng rào kỹ thuật và chính sách phòng vệ thương mại như: dệt may, gỗ, thép, thực phẩm...


Trước bối cảnh hàng rào thương mại ngày càng khốc liệt, nhiều doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp các ngành dệt may, gỗ, thực phẩm, đang đối mặt với thách thức lớn. Diễn đàn là dịp để các CEO chia sẻ khó khăn, đề xuất chính sách hỗ trợ thiết thực và kết nối các nguồn lực đổi mới.

Diễn đàn là hoạt động trọng điểm trong chuỗi sự kiện “Tự hào bản sắc – Vị thế hội nhập”, nhằm xây dựng hình ảnh doanh nhân - doanh nghiệp Việt bản lĩnh, hội nhập, cạnh tranh không đơn độc.

Cùng với đó, có sự tham gia của đại diện các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp như: bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM; ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op; ông Lê Duy Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Mỹ phẩm Sài Gòn; ông Trần Văn Chín, Giám đốc Sàn TMĐT Arobid; ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam...

Đồng hành cùng các CEO là các chuyên gia: TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách của Thủ Tướng; TS Phạm Bình An, Phó Viện trưởng HIDS; PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Kinh tế tuần hoàn... Hay đại diện ngân hàng, tổ chức tài chính như: HFIC, VPBank, BIDV, Vietcombank và các đơn vị chuyển đổi số như: Tập đoàn FPT, Viettel...