Diễn đàn “Rút BHXH một lần-lợi trước mắt, hệ lụy lâu dài”: Nên nhận trợ cấp thất nghiệp thay vì rút BHXH một lần

Báo SGGP số ra các ngày 12, 13 và 14-4 đã đăng Diễn đàn “Rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần - lợi trước mắt, hệ lụy lâu dài” thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Chiều 14-4, BHXH Việt Nam đã có thông tin phản hồi về những vấn đề đặt ra từ diễn đàn này.
Người dân đang thực hiện các thủ tục bảo hiểm tại Bảo hiểm xã hội quận Gò Vấp. Ảnh: ĐOÀN HIỆP
Người dân đang thực hiện các thủ tục bảo hiểm tại Bảo hiểm xã hội quận Gò Vấp. Ảnh: ĐOÀN HIỆP

Nhiều người nuối tiếc

Chị Bùi Thị Hạt ở tỉnh Nam Định, từng làm cho một công ty may được 9 năm 7 tháng. Năm 2021, khi dịch bùng phát, chị phải nghỉ việc, chồng chị cũng mất việc sau đó. Hai vợ chồng trở về quê làm tự do. Đến giữa năm 2022, chị Hạt làm thủ tục xin rút BHXH một lần để có khoản tiền trang trải cuộc sống. Nhưng khoản tiền đó qua mấy tháng cũng hết. Bây giờ, thấy bố mẹ già vẫn phải bươn trải nhiều nghề, không lương hưu, không thẻ BHYT đi khám chữa bệnh, chị cảm thấy nuối tiếc, muốn đóng lại khoản tiền BHXH đã rút mà không được chấp nhận bởi quy định của pháp luật.

Theo BHXH Việt Nam, sau đại dịch, kinh tế khó khăn khiến một số lao động lựa chọn rút BHXH một lần để có khoản chi tiêu, trang trải cuộc sống; đồng thời một bộ phận vì lợi trước mắt, muốn rút BHXH để có được khoản “tiền tươi”. Với nhiều người, số tiền rút BHXH một lần có thể “ra tấm, ra món” nhưng rồi cũng chỉ đủ trang trải trong vài tháng và lại tiếp tục mưu sinh lo cho tuổi già. Thực trạng này rất đáng lo ngại, không chỉ gây thiệt thòi lớn về quyền lợi của NLĐ mà còn tạo hệ lụy cho an sinh xã hội quốc gia khi dân số nước ta đang bắt đầu già hóa.

Sẽ mất nhiều quyền lợi

Khi lựa chọn hưởng BHXH một lần, NLĐ sẽ bị mất các quyền lợi sau: thứ nhất, không còn trong hệ thống BHXH được Nhà nước bảo hộ, mất cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng - nguồn thu nhập ổn định, hữu ích khi về già. Người tham gia BHXH khi hưởng lương hưu thì mức lương sẽ được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế (từ năm 2003 đến nay, Nhà nước đã điều chỉnh tăng lương hưu 17 lần, với mức tăng từ khoảng 7,5 - 9,3% cho mỗi lần điều chỉnh, tùy theo nhóm đối tượng).

Thứ hai, NLĐ mất cơ hội được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu. Thứ ba, thân nhân của NLĐ không được hưởng chế độ tử tuất nếu không may NLĐ qua đời. Theo quy định, người đang hưởng lương hưu không may qua đời thì người lo mai táng sẽ được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở. Thứ tư, số tiền NLĐ nhận BHXH một lần thiệt hơn so với số tiền đã đóng vào Quỹ BHXH.

Theo quy định hiện hành, tổng mức đóng BHXH vào Quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của NLĐ. Trong đó, NLĐ đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, tổng mức đóng vào Quỹ BHXH hàng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu NLĐ hưởng BHXH một lần thì mức hưởng mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho thời gian đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Như vậy, nếu lĩnh BHXH một lần, NLĐ sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014.

Nên bảo lưu và tạm nhận trợ cấp thất nghiệp

BHXH Việt Nam khuyến nghị NLĐ nên bảo lưu thời gian tham gia BHXH thay vì nhận BHXH một lần. Trong trường hợp gặp khó khăn trước mắt (do mất việc làm, giảm sút thu nhập) thì NLĐ hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện (mọi người tham gia BHXH tự nguyện đều được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, với các mức hỗ trợ 10 - 25% và 30% với 3 nhóm đối tượng khác nhau).

Thực tế, có rất nhiều trường hợp sau khi nhận BHXH một lần muốn nộp lại tiền để phục hồi số năm đã tham gia BHXH cho đủ điều kiện hưởng lương hưu, nhưng pháp luật về BHXH chưa quy định về trường hợp này. Vì vậy, NLĐ nên cân nhắc kỹ khi hưởng BHXH một lần. Cách hữu hiệu nhất để có tuổi già an yên, không phụ thuộc vào con cháu là có nguồn tài chính ổn định qua lương hưu hàng tháng.

Theo khuyến cáo của cơ quan bảo hiểm, trong thời điểm này, nếu không may bị thất nghiệp, NLĐ nên đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp học nghề để vượt qua khó khăn. Theo đó, NLĐ sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc 5 lần mức lương tối thiểu vùng; được hỗ trợ học nghề (tối đa 1 triệu đồng/người/tháng)… Sau đó, khi có cơ hội trở lại thị trường lao động, NLĐ sẽ tiếp tục được đóng BHXH để cộng nối thời gian tính hưởng lương hưu sau này.

Tin cùng chuyên mục