Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi): Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội - viết tắt BHXH (sửa đổi) được xây dựng theo hướng mở rộng đối tượng tham gia và gia tăng quyền, lợi ích cho người lao động đang làm việc cũng như người hưởng lương hưu. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Bạn đọc Báo SGGP tiếp tục tham gia ý kiến đóng góp cho dự thảo.

* Ông NGUYỄN THUẬN ĐIỀN, phường 3, quận Gò Vấp, TPHCM:

Mong được hưởng lương hưu đủ sống

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này có nhiều thay đổi mang tính nhân văn hơn và có tính toán đến thời điểm dân số vàng. Theo tôi, một trong những thay đổi được nhiều người quan tâm nhất là giảm thời gian đóng bảo hiểm từ 20 năm xuống còn 15 năm.

Nhiều người sẽ vui mừng vì họ sẽ có lương hưu và không cần lãnh bảo hiểm một lần. Giá mà Luật BHXH (sửa đổi) được thông qua sớm, có lẽ ba tôi đã được hưởng lương hưu rồi.

Vì nhiều lý do, ba tôi chuyển công tác qua một số cơ quan, nhưng thời gian công tác lại không liên tục. Do vậy, khi đến tuổi nghỉ hưu, ba tôi thiếu thời gian công tác để được hưởng chế độ hưu trí. Vì lý do đó, ba tôi đã lãnh bảo hiểm một lần. Thực tế, nếu đóng tiền cho đủ số năm được hưởng lương hưu thì cũng tương đương số tiền mà mình lãnh bảo hiểm một lần.

Là người lao động, ai cũng mong khi về hưu được hưởng lương hưu đủ sống. Hiện nay, tỷ lệ hưởng lương hưu cao, nhưng số tiền lương hưu lại thấp vì mức đóng quá thấp. Hy vọng những bất cập này sẽ được tính toán, điều chỉnh.

Cán bộ hưu trí nhận lương hưu ở phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM

Cán bộ hưu trí nhận lương hưu ở phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM

* Ông NGUYỄN ĐƯỚC, đường Trần Phú, phường 4, quận 5, TPHCM:

Chưa giải quyết phần gốc của vấn đề

Có thể khẳng định, trong quy định tại Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), việc kéo giảm thời gian tham gia BHXH xuống còn 15 năm hoặc hướng tới làm sao để người lao động sau khi về già, đủ tuổi đời, tuổi nghề, đủ năm tham gia BHXH có lương hưu, là cách nhìn nhận, cách làm luật rất nhân văn, thấu đáo của cơ quan soạn thảo luật pháp nhằm hướng tới một nền BHXH có tính an sinh, bền vững.

Thế nhưng, việc cho phép người lao động nhận trợ cấp BHXH một lần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng BHXH chỉ mới giải quyết được phần ngọn mà chưa giải quyết phần gốc của vấn đề. Đặc biệt là trong thời điểm hiện tại, khi nền kinh tế còn khó khăn, tình trạng thất nghiệp, mất việc làm xảy ra ở nhiều nơi, nhiều ngành nghề, việc dự thảo luật hạn chế quyền đóng và quyền được thụ hưởng BHXH một lần so với trước đây gây ra tâm lý lo lắng, bất an của người lao động khi tham gia BHXH.

Đó là chưa kể với việc giảm số năm tham gia BHXH xuống còn 15 năm để hưởng lương hưu, quỹ BHXH có đảm bảo được mức lương hưu, mức sống tối thiểu hàng tháng của người lao động hay không, khi hiện nay hầu như tiền lương của người lao động (nhất là công nhân lao động trực tiếp sản xuất, người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm...) thường bị doanh nghiệp “bóp chặt” và đóng BHXH với mức rất thấp khi xây dựng thang bảng lương?

* Ông HUỲNH PHÁT ĐẠT, quận 4, TPHCM:

Nên sòng phẳng với người tham gia BHXH

Luật BHXH có tác động lớn đến nhiều đối tượng, nhất là người lao động trực tiếp. Tôi cho rằng, việc Luật BHXH (sửa đổi) đang lấy ý kiến để giảm số năm đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm để người tham gia đủ thời gian nhận lương hưu là điều nên làm.

Tuy nhiên, đừng hạn chế việc người tham gia muốn rút BHXH một lần. Ngoài ra, để không gây thiệt thòi cho người lao động, cũng nên tính toán việc giảm tuổi nghỉ hưu đối với một số ngành nghề. Có như vậy mới giúp người lao động sớm nhận lương hưu, chi tiêu cho cuộc sống.

Bản thân tôi tham gia BHXH gần 45 năm, nhưng chỉ được hưởng lương hưu 75%. Khoản tiền này thực sự chưa đủ để người về hưu có mức sống cơ bản.

Theo tôi, nên điều chỉnh mức hưởng lương hưu lên trên 80% để giải quyết nhu cầu cuộc sống cơ bản cho người về hưu, và cũng là động lực thúc đẩy mọi người tham gia đóng BHXH. Bên cạnh đó, cần có sự sòng phẳng với các thành phần tham gia đóng BHXH, bởi hiện nay người lao động ở nhiều ngành nghề được nhận lương hưu cao hơn người lao động trực tiếp.

Tin cùng chuyên mục