Diễn đàn văn hóa: Vấn nạn chửi thề

  • Giáo dục không chỉ là chuyện của nhà trường

Ông bà có câu “Dạy con từ thuở còn thơ…” hay là “Học ăn học nói học gói học mở”… Vì vậy, dạy một con người không phải chờ “lớn mới dạy” hoặc chỉ dồn mọi trách nhiệm cho nhà trường. Tôi từng chứng kiến ba mẹ cười vui khi nghe con nói ngọng nghịu những từ tục tĩu hoặc đả đớt chửi thề… Quan niệm trẻ còn nhỏ không vội dạy dỗ là một trong những sai lầm trong giáo dục từ gia đình.

Sai lầm thứ hai là đa số cha mẹ nghĩ chuyện dạy dỗ con cái là trách nhiệm của nhà trường. Khi con họ hư hỏng, họ đều đổ lỗi cho thầy cô mà không biết rằng trẻ chỉ sống với thầy cô cao lắm là 8 giờ/ngày, sống bên cha mẹ thời gian còn lại trong bữa cơm, trong giao tiếp với mọi người.

Một đứa trẻ không thể có nhân cách tốt hay lời nói lễ phép khi hằng ngày chứng kiến ba mẹ chửi nhau, văng tục, đánh đập phỉ báng nhau, làm sao trẻ không bị ảnh hưởng khi ba mẹ văng tục với hàng xóm… Khi đó những gì thầy cô dạy trong trường như “ăn nói lễ độ, không nói tục, chửi thề…” trở nên cổ hủ.

Mấy năm trước, một cô giáo trường tiểu học tỉnh nọ bị kỷ luật vì cho học sinh A tát học sinh B khi em này nói nhảm: “Alibaba cái quần sara xé ra làm ba”… Cô cấm nói nhảm, nói tục trong lớp. Học sinh lại được “dạy” nói nhảm từ những bộ phim hài nhảm nhí, tục tĩu… từ những đĩa, những chương trình tấu hài dung tục phát trên TV.

Vì vậy, muốn xây dựng một “văn hóa trong ngôn ngữ” không thể là lời kêu gọi suông. Cần phải có sự phối hợp chặt chẽ từ gia đình nhà trường và cả xã hội. Cơ quan chức năng về văn hóa văn nghệ không cấp giấy phép cho những vở tấu hài dung tục, rẻ tiền. Cơ quan công an nên vào cuộc kiểm tra chặt chẽ những cửa hàng in sang băng lậu có nội dung đồi trụy, ngôn ngữ tực tằn. Và hơn ai hết, cha mẹ phải là tấm gương đạo đức cho con cái.

NGUYỄN NGỌC HÀ

  • Phát động phong trào loại bỏ nạn chửi thề

Phải khẳng định, ở ta chửi thề mặc nhiên tồn tại trong đời sống xã hội, có thể nói ở nhiều nơi, từ gia đình, nơi công cộng, thậm chí trụ sở làm việc cũng xuất hiện những câu chửi thề và dường như hiện tượng này đã trở thành thói quen trong sinh hoạt của không ít cá nhân. Cá biệt có đơn vị, cơ quan cuối năm đánh giá, bình xét danh hiệu thi đua khen thưởng, một bộ phận cán bộ, công chức không có trong danh sách bầu chọn đã phản ứng chửi thề lập tức tại hội nghị.

Mổ xẻ vấn đề, chắc chắn ai cũng hiểu, chửi thề là biểu hiện không đẹp trong giao tiếp dân sự, quan hệ công tác, là hành vi mất lịch sự cần sớm loại bỏ khỏi hoạt động của cộng đồng. Xin đề xuất mấy ý kiến sau đây để góp sức cùng diễn đàn cảnh báo, hạn chế chửi thề nhằm lành mạnh hóa lĩnh vực văn hóa phát ngôn, cụ thể:

Các cơ quan chức năng cần ban hành văn bản có nội dung “Thực hiện chuẩn mực phát ngôn, không chửi thề trong mọi điều kiện”, điều chỉnh cho mọi đối tượng, từ gia đình đến nhà trường, xã hội. Coi việc chấp hành nghiêm túc các quy định này là tiêu chuẩn gia đình, khu dân cư, công sở văn hóa. Đặc biệt chú trọng tuyên truyền trong nhà trường để nhắc nhở, chấn chỉnh các hiện tượng thiếu văn hóa này. Phụ huynh cần hợp tác thường xuyên, chặt chẽ với nhà trường giáo dục con em “tẩy chay”, nói không với vấn nạn thô lỗ khi sử dụng ngôn từ. Đề ra khẩu hiệu “Không chửi thề, nói tục” tương tự như “Cấm hút thuốc lá”.

Phát động phong trào loại bỏ nạn chửi thề, cụ thể hóa bằng một văn bản pháp quy, chắc chắn sẽ khiến mỗi tập thể, mỗi cá nhân nhận thức đúng đắn chửi thề là hành vi thiếu văn hóa, làm cơ sở xóa bỏ khỏi đời sống xã hội.

NGUYỄN TIẾN ĐẠT (GĐ Bảo hiểm xã hội Đức Trọng – Lâm Đồng)

Tin cùng chuyên mục