Diện mạo mới ở Mỹ Long Nam

Diện mạo mới ở Mỹ Long Nam

Sau gần 2 năm triển khai xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới xã Mỹ Long Nam, 10/19 tiêu chí đã đạt chuẩn. Diện mạo trên nông thôn mới Mỹ Long Nam đang được hoàn thiện dần. Ông Nguyễn Văn Trãi, Bí thư Đảng bộ Mỹ Long Nam thông tin: Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 18 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3 lần so với năm 2005 (hơn 1,5 lần so với tỉnh). Đây là động lực để xã xây dựng thành công nông thôn mới vào cuối năm 2011.

“Chỗ dựa” lòng dân

Xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh là 1 trong 11 xã thuộc 11 tỉnh, thành phố cả nước được chọn xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới. Qua gần 2 năm triển khai địa phương đã đạt 10/19 tiêu chí, dự kiến đến tháng 6-2011 sẽ hoàn thành 17/19 tiêu chí. Đặc biệt về kinh tế, năm 2010 thu nhập bình quân đầu người của toàn xã đạt 18 triệu đồng/người/năm, tăng 2 triệu đồng/người/năm so năm 2009 do nông dân thắng lớn vụ tôm sú 2010. Điểm nổi bật là 8 công trình giao thông liên ấp. Toàn xã có 210 đảng viên, người dân tình nguyện hiến trên 16.000m² đất mặt tiền, trị giá hàng tỷ đồng để chung tay đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Trường tiểu học nông thôn mới xã Mỹ Long Nam.

Trường tiểu học nông thôn mới xã Mỹ Long Nam.

Ông Trần Văn Xuyên, ở ấp 5, một trong 200 nông dân tình nguyện hiến 50m2 đất mặt tiền trị giá trên 50 triệu đồng, phấn chấn kể: “Nhờ Đảng, Nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng khai hoang, phục hóa đồng ruộng từ sản xuất 1 vụ lúa bấp bênh sang nuôi tôm nên người dân Mỹ Long Nam ngày một làm ăn khấm khá. Nay được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng nông thôn mới nên khi hiến đất tôi rất vui vì góp một phần nhỏ của mình chung tay xây dựng quê hương”.

Ông Trần Văn Út, 75 tuổi đời, hơn 50 năm tuổi Đảng, cán bộ lão thành cách mạng cả đời gắn bó với vùng đất Mỹ Long Nam, kể: “ Là xã anh hùng trong chiến tranh, sau giải phóng, do giao thông cách trở nên kinh tế, xã hội chậm phát triển, từ đó Mỹ Long Nam bị liệt vào xã cực nghèo, phải trợ cấp thường xuyên. Đất đai hoang hóa nhiễm phèn, mặn, mỗi năm chỉ trồng được một vụ lúa bấp bênh. Nhiều người dân ở đây lần lượt bỏ quê, tha phương cầu thực.

Từ năm 2005 đến nay, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhất là 2 năm bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, được sự giúp đỡ của Trung ương, tỉnh, huyện, mô hình nuôi tôm sú và áp dụng tiến bộ khoa học mới đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở Mỹ Long Nam. Năm 2010 cứ 10 người nuôi tôm, có đến 9 người thu lãi. Mỗi ha thu lãi thấp nhất 20 triệu đồng, cao nhất 500 triệu đồng. Nhờ chủ trương chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi tôm sú mà người dân đổi đời”.

Cách đây 5 năm, về cánh đồng Tây xã Mỹ Long Nam, người dân địa phương còn gọi là cánh đồng chó ngáp (vì hoang hóa, suốt ngày không thấy bóng người), nay dày đặc ao tôm, dày đặc điện lưới thắp sáng. Vụ nuôi tôm sú 2010 nông dân trúng mùa, được giá, sản lượng tôm nuôi đạt hơn 3.100 tấn, giá trị kinh tế mang lại hơn 350 tỷ đồng, 90% hộ nuôi có lãi. Từ một xã nghèo nhất, nhì huyện Cầu Ngang, nay xã Mỹ Long Nam đã vươn lên thoát nghèo.

Sức bật mới

Theo số liệu từ Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới địa phương, đến đầu năm 2011, mô hình nông thôn mới ở Mỹ Long Nam có nhiều tiêu chí gần đạt, địa phương phấn đấu đến tháng 6-2011 sẽ đạt được 17/19 tiêu chí. Còn 2 tiêu chí khó đạt là: tiêu chí 3, quy định cứng hóa hệ thống thủy lợi và tiêu chí 12 về cơ cấu lao động theo quy định phải còn dưới 35% lao động trong khu vực nông nghiệp. Để đạt tỷ lệ 35% lao động đối với vùng đất thuần nông, các ngành chức năng cần vào cuộc hỗ trợ cho xã Mỹ Long Nam. Bởi lẽ, phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất theo mô hình một làng, một sản phẩm hàng hóa cần có thêm cơ chế để huy động các nguồn lực đầu tư.

Để xây dựng thành công xã nông thôn mới Mỹ Long Nam trong năm 2011, cùng với việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội để làm thay đổi bộ mặt nông thôn, vấn đề quan trọng hơn là phát huy tổng lực vai trò “4 nhà”.

Ban chỉ đạo cần giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn khảo sát tiềm năng, thế mạnh về đất đai, thổ nhưỡng, thời tiết, con người, tập quán sản xuất, đào tạo nghề cho người lao động… quy hoạch vùng sản xuất, lập các phương án sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho người dân, tổ chức thành một làng sản xuất một sản phẩm hàng hóa gắn kết tổ chức chế biến, tiêu thụ hàng hóa của nông dân. Có như vậy nông thôn mới Mỹ Long Nam thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa mới hoàn thiện, người dân dù tham gia sản xuất trên đồng ruộng, ao tôm, hay trong các nhà máy, xí nghiệp trong tương lai đều là công nhân lành nghề do được đào tạo đúng chuẩn, lao động có kỹ thuật, kỹ luật, năng suất, chất lượng lao động cao.

ĐÌNH CẢNH

Tin cùng chuyên mục